📞

"Mục tiêu Trung Đông" của Thủ tướng Ấn Độ

19:43 | 07/04/2016
Với chuyến thăm tới Saudi Arabia và UAE, Thủ tướng Modi nhắm đến việc nâng cao vị thế toàn cầu của Ấn Độ cũng như gây áp lực cho Pakistan.

Khu vực Trung Đông và đặc biệt là Saudi Arabia không nằm trong số các nước láng giềng của Ấn Độ nhưng khu vực này đóng một vai trò rất lớn trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong mối quan hệ với quốc gia láng giềng Pakistan đầy xung khắc của nước này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chính phủ của ông đã chú trọng vun đắp các mối quan hệ bằng những chuyến công du tới khu vực Trung Đông. 

Tám tháng sau chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), ông Modi lại có chuyến thăm Saudi Arabia (2-3/4) để củng cố mối quan hệ gần gũi giữa hai nước.

Ấn Độ là một đối tác thương mại lớn trong khu vực Trung Đông. Ông Modi hướng tới việc xác lập vị trí toàn cầu của Ấn Độ nhằm cô lập chương trình công nghệ quốc phòng của Pakistan cũng như chính sách sử dụng chủ nghĩa khủng bố như một công cụ chính sách của nước này.

Thắng lợi ngoại giao

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdulaziz Al Saud. (Nguồn: New Indian Express)

Quan hệ giữa Ấn Độ với Saudi Arabia đã phát triển trong hai thập kỷ qua dựa trên các mối hợp tác về năng lượng vẫn đang bùng nổ và cộng đồng người Ấn Độ hiện là nhóm lao động người nước ngoài lớn nhất tại Vương quốc này. Ông Modi đã hai lần gặp gỡ Quốc vương Salman Bin Al Saud của Saudi Arabia và sự giúp đỡ của nước này trong việc di tản các công dân Ấn Độ ra khỏi vùng chiến sự ở Yemen là rất quan trọng. Năm 2012, Saudi Arabia quyết định trục xuất Sayed Zabiuddin (còn được gọi là Abu Jundal), một nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008, báo hiệu một sự thay đổi lớn trong ưu tiên chống chủ nghĩa khủng bố của quốc gia vùng Vịnh này.

Saudi Arabia thận trọng trong việc cân bằng quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ. Trước chuyến thăm của ông Modi, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã cố gắng giảm bớt những quan ngại của Pakistan bằng việc khẳng định rằng "mối quan hệ với Pakistan không hề bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ giữa Saudia Arabia với Ấn Độ".

Pakistan là mục tiêu trong chuyến thăm UAE của Thủ tướng Modi hồi năm 2015 và đó là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia Trung Đông này trong vòng 34 năm qua. Tuyên bố chung của Thủ tướng Modi và Thái tử Mohamed Bin Zayed Al Nahyan của UAE đã cố gắng định hình mối quan hệ mà từ lâu đã bị mất đi sức mạnh chính trị. Cả hai bên đã lên án chủ nghĩa khủng bố dưới "mọi hình thức và biểu hiện, được tiến hành ở bất cứ nơi đâu và bởi bất cứ ai, kêu gọi tất cả các nước từ chối và không sử dụng chủ nghĩa khủng bố để chống lại các nước khác, phá bỏ các cơ sở của khủng bố nơi chúng tồn tại và đưa các thủ phạm tiến hành khủng bố ra trước công lý".

UAE là một trong số những nước có quan hệ gần gũi nhất với Pakistan. UAE với thông điệp ủng hộ sự quan ngại của Ấn Độ đối với chủ nghĩa khủng bố, đồng thời nhấn mạnh những thách thức mà các nước vùng Vịnh đang đối mặt trong bối cảnh sự chia rẽ giáo phái ngày càng lớn là một thắng lợi ngoại giao và thể hiện tầm nhìn xa về thực tế chiến lược đang thay đổi ở Trung Đông của ông Modi.

Người hòa giải khu vực

Thủ tướng Modi đang từng bước giúp Ấn Độ xác lập vị thế trên trường quốc tế. (Nguồn: The Indian Express)

Đối với các nhà chiến lược Ấn Độ, bất cứ đồng minh nào có thể hành động như một đối trọng với Pakistan trong thế giới Hồi giáo đều là hữu ích. Saudi Arabia cũng làm như vậy đối với Iran. Hai quốc gia này từ lâu luôn tranh giành quyền lực và ảnh hưởng trong vùng Vịnh.

Trong khi đó, New Delhi từ lâu đã cố gắng vun đắp quan hệ với Tehran nhưng các nỗ lực đó đã gặp trở ngại khi Iran có quan điểm chống phương Tây ngày càng tăng. Bởi vậy, Ấn Độ đã hy vọng Saudi Arabia có thể lấp đầy khoảng cách đó vì chương trình phát triển hạt nhân của Iran đã giúp New Delhi và Riyadh xích lại gần nhau hơn. Trong bối cảnh đang mất đi thị phần tại Trung Quốc và Mỹ, Saudi Arabia đã đồng ý tăng gấp đôi xuất khẩu dầu thô cho Ấn Độ, giúp New Delhi giảm bớt sự phụ thuộc vào Iran. Qua đó, Saudi Arabia cũng trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ và trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của cường quốc Nam Á này. Cộng đồng người Ấn tại Saudi Arabia lên tới gần 3 triệu người cũng đã giúp Ấn Độ trở thành nước nhận kiều hối lớn nhất từ Saudi Arabia với khoảng 11 tỉ USD/năm.

Chuyến thăm chính thức của ông Modi tới Saudia Arabia còn chứng tỏ vai trò của Ấn Độ trong một khu vực có nhiều biến động và thể hiện mong muốn của nước này đối với sự cân bằng quyền lực ổn định. Thông qua các hiệp định về thương mại, năng lượng, hạ tầng, hợp tác chống khủng bố và bảo vệ lợi ích của công nhân Ấn Độ được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi, Ấn Độ sẽ tập trung vào việc giành được sự ủng hộ của Saudi Arabia về chính sách đối với Pakistan của nước này. Một số chuyên gia trong nước kêu gọi ông Modi đảm nhận vai trò tích cực hơn trong việc làm cầu nối giữa Riyadh và Tehran nhưng New Delhi có vẻ chưa sẵn sàng cho việc đảm nhiệm vị trí của một người hòa giải khu vực, nhất là khi các cường quốc khác đang có cách tiếp cận thận trọng.

Vì vậy, mục tiêu của Thủ tướng Modi nhằm xác lập được vị thế của Ấn Độ ở Trung Đông trong mối tương quan với các cường quốc khác tại thời điểm có sự hỗn loạn lớn ở khu vực này là một thử thách thực sự đối với chính sách ngoại giao của Ấn Độ.

(theo Yale Global Online)