Người dân Mỹ và toàn nhân loại có lẽ sẽ không bao giờ quên thời khắc ấy, ngày 11/9/2001, khi 19 tên khủng bố điều khiển 4 chiếc máy bay chứa đầy hành khách lao vào các tòa nhà và cơ quan Mỹ ngay tại trung tâm thành phố New York. Kể từ ngày hôm đó, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Mỹ và cả thế giới. Thời khắc định mệnh ấy cũng đánh dấu một dấu mốc mới trong lịch sử xứ cờ hoa, khi quốc gia này dần lún sâu vào cuộc chiến dai dẳng với những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Tòa tháp Trung tâm thương mại Mỹ trong vụ tấn công khủng bố bằng máy bay dân sự ngày 11/9/2001. (Nguồn: Youtube) |
Cái giá quá đắt
Nắm quyền chưa tròn 8 tháng, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Bush đã vấp phải một thách thức, một mối đe doạ lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ mà chưa một Tổng thống nào trước đó phải đối mặt. Cuộc chiến không biên giới chống chủ nghĩa khủng bố trên phạm vi toàn cầu là cách mà vị Tổng thống này lựa chọn để đáp trả lại cho những mất mát của người Mỹ.
Tuy nhiên, cái giá mà nước Mỹ phải trả để đổi lấy sự bình yên là không hề rẻ. Chiến dịch này đã tiêu tốn của Washington hàng chục tỷ USD và tạo ra một làn sóng phản đối trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, Mỹ đã để lọt một thập kỷ đầu XXI vào Trung Quốc và đánh mất giai đoạn đơn cực huy hoàng sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc chiến chống khủng bố mà Tổng thống Bush phát động còn bị coi là "phi nghĩa" khi khiến hàng triệu người ngã xuống, chỉ để trả thù cho 2.392 người Mỹ thiệt mạng và khôi phục lòng tự tôn của quốc gia này.
Hai năm sau khi không còn ở cương vị Tổng thống, George W. Bush đã khẳng định trong cuốn hồi ký của mình: “Lịch sử có thể tranh luận về các quyết định tôi đưa ra, các chính sách tôi chọn và những công cụ tôi để lại. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng: Sau cơn ác mộng ngày 11/9, nước Mỹ đã trải qua bảy năm rưỡi mà không có bất kỳ ý đồ tấn công khủng bố nào được thực hiện thành công”.
Mặc dù Tổng thống Bush đã chấp nhận trả cái giá quá đắt cho cuộc chiến này, nhưng những kết quả nhận được chỉ là sự hỗn loạn. Nghiêm trọng hơn, an ninh của các đồng minh của Mỹ nói riêng và an ninh quốc tế nói chung cũng liên tục bị đặt trong tình trạng báo động.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục
Nghịch lý là Mỹ càng nỗ lực chống khủng bố, thì số vụ tấn công khủng bố với quy mô và mức độ nghiêm trọng càng gia tăng. Các hoạt động của những kẻ "tử vì đạo" ngày càng tinh vi, phức tạp và khó đoán định. Đặc biệt, khi thế giới còn chưa kịp "hồ hởi" vì sự kiện tiêu diệt Bin Laden thì đã phải hoang mang sợ hãi trước sự xuất hiện, lớn mạnh và mức độ tàn bạo của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với quy mô trải dài từ Trung Đông, châu Phi, châu Âu cho tới châu Á... lôi kéo hàng chục nghìn phần tử cực đoan tham gia.
Khủng bố không chỉ là mối đe doạ của riêng nước Mỹ, mà còn của toàn nhân loại. Các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga và tổ chức NATO cần đóng vai trò quan trọng và tích cực hơn trong việc đẩy lùi khủng bố. Mặc dù Mỹ, NATO và Nga đang trong giai đoạn khó khăn nhất của mối quan hệ, nhưng có lẽ thay vì để những tính toán riêng tạo không gian và thời gian cho chủ nghĩa khủng bố phát triển, tất cả các bên vẫn cần nhìn về một lợi ích chung nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và diệt trừ những kẻ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho thế giới này.