Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ cần có chiến lược táo bạo, đồng bộ tại Biển Đông

Mỹ không nên can thiệp vào tình hình Biển Đông bằng biện pháp quân sự mà cần có một chiến lược mới buộc Trung Quốc phải lui vào thế phòng thủ.
my can co chien luoc tao bao dong bo tai bien dong
Ảnh minh họa: Mỹ không nên can thiệp bằng quân sự vào Biển Đông. (Nguồn: AP)

Đó là quan điểm của các học giả tại hội thảo "Các động thái quân sự hóa Biển Đông và những hậu quả" do Hiệp hội Sinh viên và Giáo sư Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 2/4 tại trường Đại học Harvard, thành phố Boston, bang Massachusetts.

Tại hội thảo, các diễn giả đã nêu một số đề xuất để đối phó với những hành động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông. Bài tham luận có nhan đề "Đã tới lúc Mỹ cần phải có chiến lược mới tại Biển Đông" của ông Harry Kazianis, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (Mỹ), nhận được nhiều ý kiến phản hồi nhất tại hội thảo.

Theo ông Kazianis, chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Mỹ gồm hai trọng tâm chính: tập trung vào hợp tác thương mại và kinh tế với khu vực, và quan trọng hơn cả là đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, một loạt diễn biến trong nước cũng như quốc tế đã cản trở những tham vọng to lớn của chiến lược này. Cụ thể, ở trong nước Mỹ là những tranh cãi triền miên về ngân sách, ở ngoài nước là sự nổi lên của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tình hình Ukraine.

Trong khi cả thế giới tập trung xử lý những điểm nóng này thì Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông, bao gồm xây dựng các đảo nhân tạo, đưa giàn khoan vào gần bờ biển Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa Biển Đông, và có khả năng sắp thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ).

Đặc biệt, ông Kaziznis cảnh báo, với đà quân sự hóa hiện nay, Trung Quốc có thể biến Biển Đông thành khu vực cấm đi lại đối với hải quân và máy bay Mỹ trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, ông Kaziznis cho rằng Washington nên có một chiến lược mới táo bạo, đồng bộ, song không cần phải sử dụng nhiều nguồn lực, và nhất là không cần phải gây ra cuộc xung đột có vũ trang. Chiến lược đó có thể bắt Trung Quốc phải xem xét về những hành động của họ, đồng thời duy trì được nguyên trạng tại Biển Đông.

Chiến lược đó có các phần hành động sau: Thứ nhất là thông qua con đường luật pháp, khuyến khích các quốc gia phối hợp nỗ lực để đưa các tranh chấp ra tòa án quốc tế. Nếu cuối năm nay, Philippines thắng trong vụ kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA), đây sẽ là "tấm gương" để các quốc gia khác noi theo.

Thứ hai là chiến dịch khuyến khích ghi hình những vụ đụng độ trên biển (các vụ đâm tàu cá, va chạm với lực lượng bảo vệ bờ biển, đối đầu trên không) và phát rộng rãi trên các trang mạng xã hội hay youtube để thế giới thấy rõ những hành động của Trung Quốc.

Thứ ba là Mỹ nên bán tên lửa đối hạm cho các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ngay cả khi chưa thể bán, Mỹ vẫn nên đề cập đến khả năng này với báo chí.

Thứ tư là chiến lược hòa bình xanh. Trung Quốc đã làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên tại nhiều vùng biển ở Biển Đông. Do đó, Chính phủ Mỹ cần phải cung cấp nhiều thông tin hơn về thực trạng này.

Thứ năm là công khai nêu hoài nghi về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Lâu nay, Washington vẫn đang cân nhắc xem liệu có phải điều chỉnh mối quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng của họ với Trung Quốc mà hiện đang gây phương hại tới những lợi ích quốc gia của nước Mỹ hay không.

Theo chuyên gia Kaziznis, mục đích của chiến lược mới này là khiến Bắc Kinh phải lo lắng và lui vào thế phải phòng thủ, thay vì liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa trên biển.

Điểm chung của các học giả Mỹ trong hội thảo là không nêu đề xuất chính phủ Mỹ can thiệp vào tình hình Biển Đông bằng biện pháp quân sự.

Hằng Phạm (tổng hợp)