Ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Cuba kể từ sau chuyến thăm của cố Tổng thống Calvin Coolidge năm 1928. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xóa bỏ những rào cản còn tồn tại, đồng thời thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
Bước tiến dài
Nhìn lại lịch sử, Mỹ và Cuba là hai nước láng giềng ở châu Mỹ, cùng chịu ách thống trị của thực dân châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ giành được độc lập sớm hơn, từ năm 1776. Trong khi đó, Cuba phải đến đầu thế kỷ XX mới thoát khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha nhưng lại chịu nhiều hạn chế do bị Mỹ thao túng, các phe phái tranh giành quyền lực. Sau cuộc cách mạng Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro thành công năm 1959, Cuba mới thực sự trở thành “hòn đảo tự do”. Do chính sách cấm vận, thù địch của các Chính quyền Mỹ kế tiếp, Cuba gặp phải rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, quan hệ giữa hai nước liên tục căng thẳng, lạnh nhạt từ đó tới nay.
Bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, với những thay đổi trong môi trường quốc tế và khu vực, xu hướng hợp tác, đối thoại ngày càng nổi trội, Mỹ và Cuba đã có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ. Ngày 17/12/2014, hơn nửa thế kỷ sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba, Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Obama đã đồng thời tuyên bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, sau đó, hai nước đã mở các cơ quan đại diện tại thủ đô của nhau, từng bước nối lại các hoạt động thương mại, du lịch giữa hai bên.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama lần này (20-22/3) chính là bước cụ thể hoá quyết định tái thiết lập mối quan hệ ngoại giao đó, mở ra trang sử mới cho quan hệ hai nước. Nhiều người Mỹ cho rằng ông Obama đang nhượng bộ quá nhiều trước chính quyền Cuba và lợi dụng chuyến thăm để tạo dựng một di sản chính trị. Tuy nhiên, mục tiêu sâu xa của ông Obama là làm tất cả những gì có thể để đảm bảo các nỗ lực hòa giải với Cuba không bị tụt lùi, ngay cả trong trường hợp một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 8/11 tới.
Cú hích lớn
Bình thường hoá quan hệ Mỹ-Cuba mang lại lợi ích cho cả hai bên, phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, đa số người Mỹ ủng hộ việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba và tin rằng việc này sẽ mang lại những điều tốt cho Mỹ. Thực tế, Mỹ có thể thu được các lợi ích về kinh tế và chính trị từ việc hai nước bình thường hóa quan hệ, hoạt động du lịch, xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ sang Cuba cũng trở nên dễ dàng hơn. Một số cảng biển và cơ sở hạ tầng của Cuba sẽ thu hút các công ty Mỹ tiến vào thị trường Cuba.
Về phía Cuba, Chủ tịch Raul Castro nhận ra rằng khả năng bảo vệ thành quả xã hội của cuộc cách mạng nước này phụ thuộc vào việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Rõ ràng, tiến trình cải cách, hiện đại hoá nền kinh tế và thúc đẩy hội nhập của Cuba cần có sự hỗ trợ của về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực từ bên ngoài mà Mỹ là một trong những quốc gia có tiềm lực mạnh nhất, lại gần gũi về mặt địa lý. Những doanh nghiệp gia đình, người nông dân, thế hệ trẻ và các chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ sinh học của Cuba cũng đã sẵn sàng để gặt hái thành quả từ những thay đổi này. Bên cạnh đó, chuyến thăm của ông Obama diễn ra chỉ một tháng trước Đại hội Đảng Cộng sản Cuba, điều này cho thấy Chủ tịch Castro và các quan chức trong Chính quyền Cuba hoan nghênh một cú hích đối với việc khôi phục quá trình cải cách mà ông đã tuyên bố từ năm 2008.
Chuyến thăm cũng mang lại cho cả hai nhà lãnh đạo cơ hội hiếm có để bày tỏ với người dân hai nước rằng sự thay đổi này không phải từ một phía mà là sự thỏa hiệp chung và nhượng bộ lẫn nhau. Những quy định mới của Chính quyền Mỹ gần đây đã thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Mỹ với các thành phần kinh tế đang nổi và các doanh nghiệp nhà nước Cuba. Cuba cũng cần thực hiện một số bước đi tiếp theo để tạo điều kiện cho những hoạt động thương mại như vậy, trong đó có những vấn đề Quốc hội Mỹ rất quan tâm như tìm giải pháp cho các tuyên bố đòi tài sản của người Mỹ gốc Cuba có từ những năm 1960. Giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này có thể tạo ra lực đẩy mạnh mẽ khuyến khích khối cử tri tại Mỹ đòi chính quyền dỡ bỏ lệnh cấm vận và là dấu hiệu rõ ràng nhất để các nhà đầu tư nước ngoài tin rằng Cuba sẵn sàng thực hiện tôn trọng quyền sở hữu và các quy định pháp luật.
Chặng đường phía trước
Tuy nhiên, những lợi ích đó không đồng nghĩa với việc Cuba và Mỹ bỏ qua những khác biệt lớn còn tồn tại để đi đến bình thường hóa hoàn toàn. Hiện Mỹ vẫn chưa xóa bỏ lệnh cấm vận phi lý áp đặt lên đảo quốc này hơn nửa thế kỷ qua trong khi Đại hội đồng Liên hợp quốc trong nhiều khoá họp đều thông qua nghị quyết với số phiếu cao yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận. Ông Obama đã yêu cầu Quốc hội thông qua việc xóa bỏ lệnh cấm vận này song các nỗ lực của người đứng đầu Nhà Trắng cho tới nay vẫn gặp trở lực lớn từ phía các lãnh đạo của đảng Cộng hòa. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca Diaz cho rằng các nỗ lực của ông Obama “đang đi đúng hướng”, song “chúng ta không thể hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ nếu bao vây cấm vận vẫn còn hiệu lực và những vấn đề nổi cộm vẫn chưa được giải quyết”. Trong tương lai, đây sẽ là một chủ đề hết sức khó khăn bởi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận từ trước tới nay vẫn vấp phải rào cản lớn trong chính trường Mỹ, với nhiều nhân vật còn xem Cuba là kẻ thù.
Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Havana ngày 20/3. (Nguồn: CNN) |
Ngoài ra, Mỹ cũng chưa trả lại phần lãnh thổ Cuba bị Mỹ chiếm đóng làm căn cứ quân sự tại Vịnh Guantanamo. Đặc biệt, Mỹ vẫn thường chỉ trích Cuba trong các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền, ủng hộ cho các nhóm chống đối chính phủ Cuba, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình với nội dung, giọng điệu chống Cuba vào lãnh thổ nước này… Đây là những hành động can thiệp vào công việc nội bộ, gây bất ổn cho Cuba. Đáng chú ý, bản thân Tổng thống Obama, với quan điểm rất tích cực và có những bước đi cụ thể trong quan hệ với Cuba, vẫn công khai tuyên bố rằng chính sách mới của ông đối với đảo quốc Caribbean không phải là sự thay đổi về mục đích mà chỉ là thay đổi về cách thức tiến hành. Đây là một thông điệp cho thấy, Mỹ không thay đổi mục tiêu “chuyển hóa” Cuba trong việc bình thường hoá quan hệ với quốc đảo này.
Và đó chính là nguy cơ an ninh quốc gia không thể xem nhẹ đối với chính quyền Cuba. Chính vì vậy, Chính phủ Cuba luôn nhấn mạnh không từ bỏ bất cứ lý tưởng hay nguyên tắc cách mạng nào mà nhân dân Cuba đã hy sinh quá nhiều để xây dựng và giữ vững. Hình ảnh Chủ tịch Raul Castro từ chối cái ôm của Tổng thống Obama được truyền thông ghi lại có thể hiểu là sự “dè dặt” cần thiết của Cuba trước những chính sách còn cần thời gian kiểm chứng từ phía Mỹ.
Một sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn khiến Tổng thống Obama làm nên lịch sử. Nhưng rõ ràng, chặng đường bình thường hoá hoàn toàn quan hệ giữa hai nước còn cần thời gian và hành động thực chất từ cả hai bên. Dù thế nào, với tính biểu tượng của nó, đây cũng là chuyến thăm mang tính bước ngoặt lớn, vì nó đã chấm dứt “tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh tại châu Mỹ” như cách nói của Tổng thống Obama.