📞

Mỹ không nên thờ ơ với đàm phán liên Triều

16:47 | 08/01/2018
Washington cần cân nhắc việc tham gia tích cực hơn vào quá trình đàm phán giữa các bên trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 6/1, phát biểu tại trại David, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông “hoàn toàn” sẵn sàng điện đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là một sự đổi mới so với đường hướng đối ngoại trước đó, khi mà chỉ hai tháng trước, ông vẫn tin rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson đang lãng phí thời gian khi cố gắng đàm phán với Triều Tiên.

Dè dặt và hoài nghi

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley khẳng định sẽ không có “sự thay đổi hoàn toàn” nào trong chính sách của Washington đối với Triều Tiên: “Về cơ bản, chúng tôi sẽ điện đàm với Triều Tiên vào một thời điểm nào đó, nhưng họ phải ngừng thử nghiệm vũ khí. Họ phải sẵn sàng đối thoại về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân… Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng những gì đang diễn ra sẽ khiến nước Mỹ trở nên an toàn hơn, cũng như tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.

Khi được hỏi về các cuộc đàm phán theo kế hoạch giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vào ngày 9/1, bà Haley nhận định: “Tôi cho rằng, họ sẽ nói về Thế vận hội Olympics và không nói thêm về những điều khác. Tuy nhiên, hai nước cần phối hợp với nhau”. 

Về phần mình, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mike Pompeo cũng tỏ ra hoài nghi về đối thoại liên Triều: “Lịch sử đã cho thấy điều này sẽ không dẫn đến thay đổi thực sự trong tầm nhìn chiến lược của ông Kim. Ông sẽ tiếp tục muốn duy trì khả năng hạt nhân của ông, điều mà Tổng thống Trump không thể chấp nhận”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley cho rằng Triều Tiên cần bày tỏ thiện chí với Mỹ để Washington ngồi vào bàn đàm phán. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, theo Foreign Affairs, Mỹ nên ủng hộ mạnh mẽ hơn cho đối thoại trên bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên ông Kim bày tỏ thiện chí với Hàn Quốc, kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nắm quyền hồi tháng 5/2017. Ông Kim hy vọng Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội thành công, gợi ý sự tham dự của Triều Tiên, đồng thời đề xuất đàm phán ngay về vấn đề này, cũng như tìm cách làm “lắng dịu căng thẳng” trên bán đảo Triều Tiên.

Dẹp bỏ nghi ngờ

Sở dĩ đề xuất tham dự Thế vận hội của Triều Tiên gây chú ý bởi hai lý do: Thứ nhất, ông Kim lựa chọn đưa ra tín hiệu cụ thể rõ ràng; Thứ hai, Thế vận hội là chương trình nghị sự của ông Moon, chứ không phải của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đối với các nhà quan sát ngoài nước, nước cờ Thế vận hội dường như là “thủ đoạn” của ông Kim. Trên thực tế, cái chìa tay của ông Kim là cách phản ứng với các nỗ lực của ông Moon.

Mặc dù ông Trump đã đưa ra các thông điệp tích cực về khả năng tham gia đàm phán, nhưng có nhận định cho rằng ông Kim đang tìm kiếm một cơ hội để chia rẽ Mỹ - Hàn. Thoạt nhìn, Triều Tiên rất quan tâm đến việc làm suy yếu liên minh vốn được lập ra để ngăn chặn họ tấn công Hàn Quốc và nếu cần thiết, để đánh bại họ nếu chiến tranh xảy ra.

Tuy nhiên, quá khứ đã nhiều lần chứng minh tính “kiên cường” của mối quan hệ này khi Washington và Seoul vẫn tiếp tục là bạn tốt ngay cả sau cú sốc từ của chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon, sự tan rã bất ngờ của trật tự thời Chiến tranh Lạnh hay thách thức từ một Triều Tiên sở hữu hạt nhân. 

Đã đến lúc Mỹ giúp đỡ Hàn Quốc trong đối thoại Seoul - Bình Nhưỡng - Ảnh minh họa. (Nguồn: PTI)

Điều quan trọng ở đây là các nhà hoạch định chính sách và chiến lược gia của Mỹ nên thừa nhận rằng tương lai của hai miền Triều Tiên là do chính họ viết nên. Washington cần làm tốt vai trò giúp đỡ và phối hợp thực hiện sáng kiến của ông Moon, hay thậm chí hy vọng hiểu rõ hơn mọi việc thông qua đối thoại trực tiếp với Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán chuyên sâu này có thể mở ra cơ hội để hiểu về các ý định của ông Kim, giúp giới chức Mỹ và các nhà phân tích hiểu rõ hơn mục tiêu của họ, thay vì những thông tin mập mờ thu thập được qua vệ tinh do thám hay mạng lưới tình báo.

(theo Politico/Foreign Affairs)