Trong bối cảnh ấy, người ta ngày càng chú ý nhiều hơn tới Mỹ, một cường quốc đang có nguy cơ sa lầy trong vũng bùn Trung Đông khi không thể hiểu rõ các lợi ích của mình tại khu vực này.
Vòng xoáy nguy hiểm
Theo Tạp chí Foreign Policy, Syria bắt đầu bị chia rẽ nghiêm trọng từ khoảng giữa năm 2012 song hàng loạt sự kiện diễn ra trong 15 tháng qua đã khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Sự can dự của Nga vào cuộc chiến này từ tháng 9/2015 đã dập tắt mọi tia hy vọng giành chiến thắng và lật đổ Chính quyền Bashar al-Assad của quân nổi dậy.
Quân đội Mỹ đã từng chiếm ưu thế trong cuộc chiến tại Syria. (Nguồn: Sputnik) |
Với sự hậu thuẫn của Nga, Iran và nhiều lực lượng dân quân khác, Tổng thống Assad đã từng bước đánh bật quân nổi dậy khỏi các thành phố trọng yếu như Homs và Aleppo. Chính quyền đã củng cố quyền kiểm soát phía Tây Syria bằng một thỏa thuận ngoại giao thiết lập 4 vùng đệm để “giảm căng thẳng” - tiền đề cho việc tập trung nỗ lực để tái chiếm phía Đông đất nước.
Với ảnh hưởng ngày càng lớn, Chính quyền Assad đang bắt đầu đóng một vai trò cụ thể và quan trọng hơn trong cuộc chiến mà trước nay họ vẫn bị xem là “kẻ vô hình”: cuộc chiến giữa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và quân nổi dậy phía Nam với các tay súng thánh chiến của IS.
Thực tế là Mỹ và các đồng minh từng chiếm ưu thế trong cuộc chiến này. Nhiều người đã nhắc đến việc lực lượng Ả rập được phương Tây hậu thuẫn có thể phối hợp với các tay súng SDF ở miền Bắc. Các lực lượng này đã cùng nhau đánh bật IS khỏi thung lũng Sông Euphrates, đánh chiếm Raqqa, và giành được quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trước khi quân đội chính quyền và các đồng minh bắt đầu tăng cường hoạt động của mình.
Tạp chí Foreign Policy khẳng định, Damascus và Tehran có chung lợi ích trong cuộc chiến này. Iran muốn đảm bảo tuyến hành lang đi dọc phía Đông Syria và tới Iraq trong khi chế độ Assad muốn tái thiết sự hiện diện tại biên giới phía Bắc Syria. Quân đội chính quyền hiện đang hình thành hai mũi kìm siết chặt hướng về phía Đông: một từ thị trấn Palmyra, và một từ phía Nam Aleppo.
Gần đây nhất, ngày 18/6, máy bay của lực lượng Hải quân Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu của quân đội Syria. Vụ việc diễn ra sau khi quân chính quyền tấn công một thị trấn do SDF được Mỹ hậu thuẫn gần Tabqa, phía Bắc Syria. Máy bay của Syria thả bom ngay gần vị trí các tay súng của SDF, phớt lờ cảnh báo của Mỹ và sau đó bị bắn hạ. Động thái này báo hiệu một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Washington và Moscow.
Lạc lối
Khi Nga can thiệp vào Syria từ năm 2015 để hậu thuẫn Chính quyền Assad và hỗ trợ hỏa lực cho quân đội Syria, mục tiêu ban đầu là giúp ông Assad duy trì quyền kiểm soát Syria và ngăn nhà lãnh đạo thân Nga này bị lật đổ. Đồng thời, ngăn các cường quốc hậu thuẫn quân nổi dậy như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Saudi Arabia hay thậm chí là cả Mỹ đạt được mục tiêu thay đổi chế độ nhằm đạt được các lợi ích từ việc chia rẽ quốc gia này.
Tạp chí National Interest cho rằng, những nỗ lực của Nga đã đem lại kết quả, quân đội Syria giành lại nhiều vùng đất quan trọng, những tuyến đường nối liền với các đồng minh tại Iraq cũng như Iran cũng như kiểm soát một phần lớn ngành công nghiệp dầu mỏ.
Không chỉ vậy, những gì diễn ra tại Syria suốt 6 tháng qua đã phản ánh rõ nét hơn thất bại toàn diện trong chính sách Syria của Chính quyền Barack Obama. Mục tiêu xây dựng một liên minh tại Syria nhằm tiêu diệt IS và đồng thời lật đổ chế độ Assad mà không phải can dự quá nhiều đã sụp đổ hoàn toàn.
Chính quyền Trump dường như đang lạc lối trong vũng lầy Syria. (Nguồn: Getty Images) |
Trong khi đó, Chính quyền Donald Trump cho tới nay vẫn chưa có một chiến lược toàn diện và cụ thể để đối phó với cuộc chiến này. Thay vào đó, Washington lại liên tục có những hành động mâu thuẫn, như vừa tìm cách phối hợp với Nga trong cuộc chiến chống IS, song lại cam kết kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran và “bật đèn xanh” cho sự cứng rắn của Saudi Arabia.
Chính quyền Trump từng tuyên bố sẽ cứng rắn hơn những người tiền nhiệm, sẽ hiện thực hóa lời đe dọa trả đũa nếu các lằn ranh đỏ bị phá vỡ, chẳng hạn như vụ ném bom Syria sau khi Chính quyền nước này bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học, song việc không nắm rõ những lợi ích tại Syria khiến Mỹ đang có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến với Syria, Nga và Iran.
Hơn thế nữa, căng thẳng bùng phát trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Qatar đe dọa hủy hoại cấu trúc an ninh mà Mỹ muốn xây dựng tại vùng Vịnh, đồng nghĩa với việc Mỹ khó có thể dựa vào những đồng minh then chốt như Qatar hay Thổ Nhĩ Kỳ khi tình hình tại Syria trở nên tồi tệ hơn.
Cho đến nay dư luận vẫn chưa thể hiểu rõ ý đồ của Tổng thống Trump tại Syria, ông có thể quyết tâm giải quyết mớ bòng bong này tới đâu và sẽ chịu nhượng bộ những gì với các bên đối địch để bảo toàn các lợi ích của Mỹ trong khu vực, điều mà chính quyền mới cho đến nay vẫn chưa thể định rõ? Trong khi đó, Iran, Syria và Nga dường như ngày càng củng cố sức ảnh hưởng và tiến tới ngày một gần hơn các mục tiêu của mình.