Mỹ muốn kiếm chế Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Getty) |
Răn đe tích hợp
Hiện nay, Mỹ đang kêu gọi đồng minh và đối tác ở khắp nơi củng cố một trật tự thế giới tự do. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington được hình thành dựa trên ý tưởng về sự răn đe tích hợp mà theo như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đó là “sử dụng mọi công cụ quân sự và phi quân sự trong chiến lược với đồng minh và đối tác”.
Yếu tố thứ nhất của răn đe tích hợp là nhằm tăng cường khả năng tương tác lực lượng thông qua các thỏa thuận quân sự giữa các đồng minh thân cận và những đối tác được lựa chọn. Điều này có thể đạt được thông qua việc các đồng minh và đối tác mua lại khí tài quân sự của Mỹ, trao đổi, bố trí nhân sự, vị trí căn cứ và huấn luyện chung. Nhìn vào mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thấy rõ điều đó.
Quan hệ đồng minh Washington-Canberra có phần khác biệt và sâu sắc hơn, thể hiện ở cam kết của hai bên để nâng mối quan hệ đồng minh lên một cấp độ mới. Nỗ lực này bắt đầu từ thỏa thuận Gillard-Obama vào năm 2012 về luân chuyển quân đội Mỹ ở phía Bắc Australia và càng được củng cố hơn nữa bằng Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS), theo đó Mỹ chia sẻ cho Australia công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các nhà phân tích an ninh cho rằng AUKUS góp phần bổ sung sức mạnh răn đe cho Mỹ và thúc đẩy lợi ích quốc phòng và chiến lược của Washington.
Yếu tố thứ hai của của chiến thuật răn đe tích hợp mà Mỹ đang triển khai là xây dựng sự gắn kết giữa các quan hệ đồng minh chủ chốt và các đối tác trong một mục tiêu chiến lược chung nhất quán. Nỗ lực này không chỉ có thể tạo ra khả năng tương tác tam giác quân sự (ví dụ giữa quân đội Mỹ và các lực lượng phòng vệ Australia, Nhật Bản) mà còn có thể tạo dựng một khuôn khổ chung, xây dựng năng lực tập thể chống lại các mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Định hình quan hệ kinh tế
Các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á hoan nghênh các khía cạnh chính của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington và thừa nhận rằng an ninh và thịnh vượng của khu vực có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Tuy nhiên, can dự quân sự và phi quân sự của Mỹ vào khu vực vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Việc Washington định hình mối quan hệ kinh tế với các đồng minh và đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược răn đe tích hợp của Mỹ tại khu vực.
Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ khởi động Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) trong tháng này, nêu rõ các chiến lược kinh tế của chính quyền Mỹ đối với khu vực.
IPEF là cơ hội để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Mỹ với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại thời điểm địa chính trị quan trọng.
Thách thức hiện nay với chính quyền Washington là cần phải tìm ra con đường để đạt được một thỏa thuận tiêu chuẩn cao, phù hợp với nền kinh tế trong nước, đồng thời có tính hấp dẫn để thu hút các đối tác Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Mỹ, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã rời khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để ký kết Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Do đó, IPEF sẽ không đi theo hướng tạo ra khuôn khổ của hiệp định đa phương truyền thống cho khu vực mà thay vào đó bao gồm một tập hợp các thỏa thuận với các quốc gia (không bao gồm Trung Quốc). Theo đó, các quốc gia có thể lựa chọn những điều khoản đồng ý hoặc không.
Những vấn đề toàn diện và đầy tham vọng mà khuôn khổ IPEF dự kiến sẽ bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng sạch. Thành phần tham gia trong khuôn khổ có thể chỉ giới hạn trong các đối tác, liên minh của Washington như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và hay Singapore ở Đông Nam Á.
Mỹ cho rằng IPEF là khuôn khổ hợp tác chưa từng có để môi trường chiến lược của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được thay đổi cơ bản. Mục tiêu của IPEF cũng là đánh bật Trung Quốc ra khỏi mạng lưới kinh tế và công nghệ khu vực. Thế nhưng, hiện thực hóa mục tiêu này không phải điều dễ dàng.
Trung Quốc là trung tâm của chuỗi giá trị và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ở châu Á. Thị trường chính của Nhật Bản và Hàn Quốc là Trung Quốc và một phần lớn hàng nhập khẩu cũng từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài của chính những nước này có trụ sở tại đó.
Theo ước tính của OECD, việc đưa ASEAN ra khỏi mạng lưới sản xuất của Trung Quốc sẽ khiến GDP của khu vực bị ảnh hưởng 11%. Hầu hết các nền kinh tế là mục tiêu của IPEF (bao gồm cả Ấn Độ) đều hội nhập chặt chẽ với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cả Washington và Bắc Kinh cũng có những ràng buộc với nhau về kinh tế. Thương mại của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, tăng trưởng hơn 77 tỷ USD (khoảng 12%) trong giai đoạn 2019-2021. Đầu tư từ các công ty Mỹ và Nhật Bản đang đóng góp vào con số kỷ lục 661 tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc, bao gồm 334 tỷ USD đầu tư trực tiếp.
Do vậy, dù là bất kỳ chiến lược nào, Mỹ cũng cần hiểu rõ bản chất cũng như tầm quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong khu vực châu Á để có những bước đi rõ ràng, thực chất và hiệu quả.