📞

Mỹ-Nhật: Trung Quốc có được nhắc tên tại Đối thoại 2+2?

Hoài Sa 12:39 | 12/03/2021
TGVN. Chính phủ Mỹ và Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng (cuộc họp 2+2) tại Tokyo vào ngày 16/3.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Sekaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. (Nguồn: JCG)

Chính phủ Mỹ và Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng (cuộc họp 2 +2) tại Tokyo vào ngày 16/3 tới.

Xoay quanh vấn đề Trung Quốc

Quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản đang ngày càng tăng cường nhằm đối phó với Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra những chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật và an ninh quốc phòng.

Tại cuộc họp sắp tới, Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản sẽ lần lượt hội đàm với Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ.

Kể từ cuộc họp 2+2 giữa Mỹ và Nhật Bản được tổ chức vào tháng 4/2019 tại Washington, đây là lần đầu tiên quan chức cấp bộ trưởng đến thăm Nhật Bản sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nắm quyền.

Sau 7 năm, đây cũng là lần đầu tiên cuộc họp 2+2 diễn ra tại Tokyo. Việc sắp xếp để cùng lúc bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao công du nước ngoài là rất khó vì những quan chức này thường có những lịch trình riêng biệt.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19, cuộc họp 2+2 lần này càng thể hiện Mỹ coi trọng quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Chủ đề lớn nhất của cuộc họp lần này là vấn đề tăng cường khả năng kiềm chế đối với Trung Quốc. Bốn bộ trưởng Nhật-Mỹ có thể một lần nữa khẳng định áp dụng Điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ quy định nghĩa vụ phòng vệ của quân đội Mỹ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngoài ra, các bộ trưởng có thể sẽ đưa ra bình luận về luật hải cảnh của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 2/2021.

Cuộc họp 2+2 Nhật-Mỹ là cơ chế hợp tác cao nhất giữa Mỹ và Nhật Bản trong việc thống nhất các chính sách an ninh quốc phòng hai nước. Tính đến nay, chưa lần nào cuộc họp 2+2 ra tuyên bố chỉ trích đích danh Trung Quốc về hoạt động trên biển.

Rõ ràng, cả Mỹ và Nhật Bản đều phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng 2 nước không muốn quan hệ với Trung Quốc xấu đi vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế.

Tuyên bố chung của cuộc họp 2+2 Nhật-Mỹ năm 2019 đã thể hiện “quan ngại sâu sắc về các hành vi mang tính cưỡng ép hoặc đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng”. Mặc dù quan ngại về chính sách tiến ra đại dương của Trung Quốc, nhưng hai bên đã tránh chỉ đích danh Trung Quốc. Cuộc họp 2+2 Nhật-Mỹ năm 2017 cũng chỉ dừng ở mức thể hiện “tăng cường hợp tác Mỹ-Nhật để đảm bảo hòa bình và ổn định Biển Đông”.

Vì vậy, việc có thể đưa ra thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc tại cuộc họp 2+2 Nhật-Mỹ lần này có thể cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của hai nước trong quan hệ với Trung Quốc. Ngày 3/3, chính quyền ông Biden đã công bố chính sách an ninh quốc gia và xác định Trung Quốc là đối tác cạnh tranh duy nhất thách thức trật tự quốc tế trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Đối thoại 2+2 lần này càng thể hiện Mỹ coi trọng quan hệ đồng minh với Nhật Bản. (Nguồn: DC)

Thắt chặt mối quan hệ đồng minh

Chính quyền Biden cũng nhấn mạnh: “Chính Mỹ sẽ là quốc gia định hình các chuẩn mực và thỏa thuận quốc tế mới", đồng thời đưa ra các chủ trương nhằm xem xét lại mạng lưới cung ứng đất hiếm, pin điện, chất bán dẫn vốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Biden ban bố vào tháng 2/2021, Mỹ sẽ thúc đẩy nguồn cung từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đồng thời tăng cường mở rộng sản xuất tại Mỹ.

Ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã chỉ trích hành động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku khi cho rằng "điều đó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và gây ra thiệt hại vật chất". Có thể thấy việc hợp tác với Nhật Bản là điều không thể thiếu nếu chính quyền ông Biden muốn áp dụng chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Động thái của Mỹ cũng sẽ trở thành áp lực đối với Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc.

Tại vùng biển tiếp giáp khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư, sự xuất hiện của tàu công vụ thuộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã trở nên thường xuyên hơn. Với việc thực thi luật hải cảnh cho phép Cục hải cảnh được sử dụng vũ khí, trạng thái căng thẳng của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản trong việc chấp pháp ngày càng tăng lên.

Nhật Bản muốn phát đi thông điệp rằng việc áp dụng Điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ không chỉ dừng lại ở điều khoản “phát sinh sự việc” mà còn thể hiện sự can dự của Mỹ. Trong cuộc thảo luận trực tuyến cấp cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Nhật-Mỹ ngày 4/3, hai bên đã trao đối ý kiến về luật hải cảnh của Trung Quốc và chia sẻ quan ngại sâu sắc.

Tại cuộc họp 2+2 Nhật-Mỹ lần này, hai bên có thể khẳng định quan ngại đối với Trung Quốc trong vấn đề nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương và tình hình Hong Kong. Bên cạnh đó là các nội dung kiềm chế Triều Tiên phát triển hạt nhân, tên lửa đạn đạo, hợp tác phòng vệ trong lĩnh vực mới như vũ trụ, an ninh mạng. Mỹ và Nhật Bản sẽ tranh thủ khung hợp tác Bộ tứ gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Xung quanh vấn đề đối phó với Covid-19, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Mỹ có thể trao đổi về các chính sách nhằm đối phó với chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc vốn đang được triển khai mạnh mẽ.

(theo Nikkei)