Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Rome ngày 29/10/2021. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Với quan hệ đồng minh thân thiết đã được hàn gắn sau thỏa thuận Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) hồi tháng 9/2021, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về quan hệ song phương, cũng như một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Tuy nhiên, cố vấn của ông Emmanuel Macron cho rằng chuyến thăm kéo dài ba ngày có thể sẽ không “thuận buồm xuôi gió” . Nhận định là có cơ sở, nếu xét đến một số vấn đề còn tồn tại khác biệt giữa Mỹ và Pháp.
Đầu tiên, về xung đột Nga-Ukraine, cả hai duy trì cam kết ủng hộ chính trị, cũng như viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Kiev.
Tuy nhiên cách tiếp cận của Washington và Paris lại có khác biệt. Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ngay cả trong lúc cao điểm đã khiến Mỹ “nhíu mày”. Có thông tin cho rằng ông Putin và ông Macron sẽ điện đàm sau chuyến thăm Washington.
Ngược lại, các khoản viện trợ quân sự khổng lồ của Washington cho Kiev đã khiến nỗ lực tương tự của Paris và Berlin, hai nước lớn tại châu Âu bị “lép vế”.
Câu chuyện về tự chủ chiến lược cũng có thể xuất hiện trong cuộc thảo luận giữa Tổng thống Emmanuel Macron và người đồng cấp chủ nhà Joe Biden. Pháp là nước đề xuất và thúc đẩy khái niệm “tự chủ chiến lược” châu Âu, bất chấp nhiều cảnh báo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Celia Belin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng trong bối cảnh đó, chuyến thăm là dịp để ông Biden “xoa dịu” ông Macron: “Người Pháp không dễ thuyết phục, song khi cả Pháp và Mỹ nhất trí, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”.
Trung Quốc có thể là vấn đề cho thấy khác biệt giữa Pháp và Mỹ. Washington có lập trường gay gắt hơn với Bắc Kinh so với Paris. Trả lời AFP (Pháp), quan chức Mỹ thừa nhận quan điểm của hai bên về Trung Quốc là “không đồng nhất” và khẳng định cả Washington và Paris nên “có chung tiếng nói”.
Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi nhất trong chuyến thăm lại là kinh tế và thương mại. France24 (Pháp) nhận định “cái gai” này xuất hiện sau khi Mỹ thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), trong đó có khoản hoàn lại thuế lên tới 7.500 USD cho người mua các mẫu xe điện sản xuất tại xứ cờ hoa, bao gồm cả pin.
Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành xe điện Mỹ, cạnh tranh với Trung Quốc. Song nó cũng khiến các doanh nghiệp ô tô lớn của châu Âu như BMW (Đức) hay Renault (Pháp) thất thế trước Tesla (Mỹ) ở xứ cờ hoa.
Phát biểu trước đại diện 50 tập đoàn công nghiệp Pháp, chính ông Macron đã nói: “Tôi cho rằng điều này không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và không phù hợp với mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước”. Tương tự, Thủ tướng Elisabeth Borne nhận định rằng hành động của Mỹ có thể khiến Pháp mất các khoản đầu tư trị giá 10 tỷ Euro và hơn 10.000 việc làm.
Tương tự, hai bên cũng có thể thảo luận về giá dầu mỏ và khí đốt Mỹ xuất sang châu Âu, vốn đang ở mức “không thân thiện”, theo lời của chính ông Macron. Điện Elysee khẳng định Tổng thống Pháp sẽ thúc đẩy “tình đoàn kết xuyên đại dương” về chính sách đầu tư và tác động của xung đột tại Ukraine tới châu Âu. Đồng thời, Paris cho rằng Washington có nhiều phương án để hạ giá năng lượng.
Trước những khác biệt này, mối quan hệ Mỹ-Pháp có thể một lần nữa lại sóng gió. Sự thân tình giữa hai nhà lãnh đạo có thể là chìa khóa để Paris và Washington bỏ qua khác biệt, tái khẳng định tình đồng minh giữa biến động của thời cuộc.