Cả ba tàu sân bay này sẽ tổ chức diễn tập chung tại phía Đông Thái Bình Dương vào giữa tháng 11 tới.
Việc đưa ba tàu sân bay hạt nhân xuất hiện ở trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 được cho là thông điệp Mỹ muốn trấn an các đồng minh trong khu vực.
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz cùng các tàu hộ tống di chuyển tới vùng biển châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: US Navy) |
Lần gần đây nhất, Mỹ tiến hành các hoạt động tương tự là vào năm 2007, khi tàu USS Kitty Hawk, USS Nimitz và USS John C. Stennis tham gia chiến dịch diễn tập Valiant Shield tại địa điểm tương tự. Giống như những lần trước, hoạt động diễn tập lần này là cách mà Hải quân Mỹ nhấn mạnh sự hiện diện của mình ở vùng biển Ấn Độ Dương - châu Á – Thái Bình Dương.
Trung tướng Hải quân Mỹ Kenneth McKenzie, Trưởng ban Tham mưu Liên quân Mỹ, cho biết: “Đây là cơ hội hiếm có để ba tàu sân bay có thể tập trận chung. Việc ba tàu sân bay hiện cùng có mặt trong Hạm đội 7 thể hiện một năng lực mạnh mẽ khó có thể so sánh của Hải quân Mỹ trong việc đảm bảo an toàn cho đồng minh”.
Đáng chú ý, chiến dịch này diễn ra cùng thời điểm với chuyến công du tới nhiều nước châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có các đồng minh truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, nhiều nhà quan sát nhận định rằng việc điều ba tàu sân bay tới châu Á – Thái Bình Dương là cách mà Washington thể hiện cam kết, cũng như trấn an Seoul và Tokyo trước những bước đi táo bạo từ Bình Nhưỡng trong thời gian vừa qua.
Các chuyên gia cho rằng đây cũng là động thái đáp trả của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sự hiện diện của ba “tài sản chiến lược của Washington” trong khu vực chắc chắn sẽ được Bình Nhưỡng xem xét một cách kỹ lưỡng.
Trước đó, Triều Tiên chủ yếu theo dõi các hoạt động của tàu sân bay Mỹ dựa trên những báo cáo công khai hay thông cáo của Hải quân Mỹ. Vào đầu năm nay, khi có báo cáo sai lệch về vị trí của tàu USS Carl Vinson, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã cho rằng tàu sân bay của Mỹ đã rời khỏi khu vực Bán đảo Triều Tiên. Do đó, việc Washington phô trương thanh thế qua cuộc diễn tập quy mô lớn này được cho là lời cảnh cáo để Bình Nhưỡng “thấy khó mà lui”.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể nhận định rằng bước đi này của Washington là mang lại hiệu quả. Cùng lúc Mỹ triển khai ba tàu sân bay hạt nhân tới châu Á – Thái Bình Dương, ngày 26/10 một quan chức Triều Tiên cho biết nước này nhiều khả năng sẽ vẫn tiến hành kế hoạch thử bom Hydro (bom nhiệt hạch) “lớn nhất từ trước đến nay” như Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho từng úp mở hồi tháng Chín.
Một vụ thử hạt nhân nữa từ Bình Nhưỡng sẽ khiến căng thẳng tại Đông Bắc Á tiếp tục leo thang, đặc biệt là khi Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực này.