Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault tại cuộc họp về vấn đề Libya ở Paris ngày 13/3. (Nguồn: AFP) |
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các thể chế ở Libya tạo điều kiện hòa bình và trật tự cho công tác bàn giao quyền lực ở đây, cũng như để các nhà lãnh đạo mới của nước này có thể bắt đầu quản lý đất nước từ thủ đô của Libya", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói sau cuộc hội đàm cùng các quan chức Pháp, Italy, Anh và Liên minh châu Âu (EU) tại Paris (Pháp) vừa qua.
Trong một tuyên bố chung ngay sau cuộc họp, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây kêu gọi chính phủ thống nhất ở Libya được Liên hợp quốc hậu thuẫn nên nhanh chóng chuyển tới thủ đô Tripoli càng sớm càng tốt. "Sự thống nhất chính trị và một chính phủ toàn diện là cách duy nhất để chấm dứt sự bất ổn - điều đang giúp chủ nghĩa khủng bố ở Libya phát triển", hãng tin AFP (Pháp) dẫn tuyên bố chung của các Ngoại trưởng.
Cũng trong cuộc họp tại Paris, Mỹ và phương Tây đưa ra lời cảnh báo rằng bất kỳ cá nhân nào "phá hoai tiến trình chính trị" ở Libya sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt từ các cường quốc. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nêu rõ: "Chúng tôi đang làm việc với EU và Mỹ để nhanh chóng thống nhất việc trừng phạt nếu cần đối với những cá nhân ở cả hai phe muốn ngăn cản chính phủ mới ở Libya nắm quyền".
Trước đó, hôm thứ Bảy (12/3), Hội đồng Tổng thống Libya do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu đã kêu gọi các thể chế nước này bắt đầu chuyển giao quyền lực cho chính phủ đoàn kết dân tộc, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt đứt mọi hoạt động với các nhóm đối địch với chính phủ thống nhất mới ở Libya. Chính phủ thống nhất Libya cũng tuyên bố nắm quyền dù chưa được Quốc hội thông qua, cho rằng việc đa số các nghị sỹ ký đơn yêu cầu chính phủ hoạt động tương đương với phiếu tín nhiệm.
Thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết Libya đã được ký tại Morroco hồi tháng 12/2015. Tuy nhiên, nỗ lực chuyển giao quyền lực đã bị cản trở bởi những tranh cãi xung quanh cơ cấu của chính phủ mới và việc cân bằng quyền lực giữa các khu vực và ban lãnh đạo tương lai của các lực lượng vũ trang. Tháng trước, 100 nhà lập pháp thuộc Quốc hội được quốc tế công nhận ở Libya đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ thống nhất này, song đã bị “cản trở” trong quá trình bỏ phiếu tín nhiệm. Ngay bản thân Hội đồng Tổng thống cũng bị chia rẽ khi 2 trong số 9 thành viên của hội đồng không tham gia bỏ phiếu và 2 lần bác bỏ danh sách bộ trưởng đề xuất.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Chính cục diện phức tạp tại quốc gia Bắc Phi này đã tạo điều kiện cho các tổ chức cực đoạn, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng mạng lưới.