📞

Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở: Tương lai ảm đạm cho những nỗ lực kiểm soát vũ khí

Quang Đào 08:00 | 31/05/2020
TGVN. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở tiếp tục là hành động quyết đoán của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khi liên tục từ bỏ các hiệp ước quan trọng, bao gồm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Một chiếc Boeing OC-135 Open Skies, số hiệu 61-2670 do Không quân Mỹ vận hành theo Hiệp ước Bầu trời Mở. (Nguồn: Alamy)

Thế giới chứng kiến một bước lùi trong nỗ lực kiểm soát vũ khí khi ngày 21/5, Tổng thống Donald Trump xác nhận Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (Open Skies Treaty - OST). Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong ngày 22/5, Washington đã thông báo ý định rút lui tới tất cả 34 nước đã phê chuẩn hiệp ước và bắt đầu quá trình chính thức rút khỏi Hiệp ước trong vòng sáu tháng.

Việc Mỹ rút khỏi OST đã được dự đoán từ trước và cũng khiến chính quyền Trump nhận vô số chỉ trích đến từ cộng đồng quốc tế và trong nước. Ngày 22/5, 10 quốc gia châu Âu đã ra thông cáo chung bày tỏ sự hối tiếc trước quyết định này của Mỹ và khẳng định Hiệp ước là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tin từ nhiều thập kỷ vừa qua nhằm tăng cường sự minh bạch và an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Về phần mình, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ mô tả là một “món quà” của Mỹ gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì nó có thể khiến quan hệ giữa Washington và các đồng minh châu Âu ngày càng xa cách. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quyết định đơn phương rút khỏi hiệp ước này khi bối cảnh an ninh toàn cầu đang bị hủy hoại là một ví dụ khác cho thấy chính sách đối ngoại của Washington ngày một trở nên bất ổn.

OST là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Donald Trump loại trừ vai trò của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017. Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô năm 1988. Trong tất cả thông báo về việc rút khỏi các thỏa thuận, ông Trump đều đổ lỗi cho bên còn lại.

OST là đứa con tinh thần của hai Tổng thống Mỹ. Vào năm 1955, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đề xuất khái niệm “quan sát lẫn nhau trên không” để “chọc thủng” bức màn bí mật xung quan các chương trình quân sự của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc Moscow từ chối đã được dự đoán từ trước, khiến Washington càng tin rằng Liên Xô không thực sự trung thực về việc giải trừ quân bị.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tổng thống George H.W. Bush đã quay lại với ý tưởng này và hiệp ước mang tính bước ngoặt này cuối cùng cũng đã được ký kết vào năm 1992 giữa các thành viên NATO và các nước thuộc Khối Warsaw cũ và chính thức có hiệu lực năm 2002. Hiện đang có 35 quốc gia đã ký kết OST, trong đó có Nga, Mỹ và một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kyrgyzstan đã ký vào văn kiện này, song việc phê chuẩn vẫn chưa được thực hiện.

Nga tiếp tục là lý do

Với OST, Tổng thống Trump tiếp tục hướng sự chỉ trích tới Nga, giống như khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Trong buổi họp báo ngày 21/5, ông Trump giải thích lý do Mỹ rút khỏi Hiệp ước là do sự thiếu tuân thủ các điều khoản trong OST của Nga, cùng với lời cáo buộc Moscow đã hạn chế một cách phi pháp các chuyến bay trong phạm vi 500 km gần vùng Kaliningrad và không cho phép do thám dọc theo vùng Nam Ossetia và Abkhazia.

Ngoài ra, Mỹ cũng cáo buộc Nga lợi dụng Hiệp ước để thu thập thông tin chiến thuật quan trọng của Mỹ cũng như các nước khác. Theo New York Times, Tổng thống Trump đã từng tỏ ra không hài lòng khi thấy một máy bay trinh sát Nga bay qua sân golf của mình ở bang New Jersey năm 2017. Tuy nhiên, ông Trump cũng để ngỏ cơ hội các bên đưa ra một thỏa thuận mới hoặc “làm điều gì đó” để đưa bản thỏa thuận cũ quay trở lại, nếu như Nga cũng tuân thủ Hiệp ước.

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố, Nga đã lên án kế hoạch rút khỏi OST, nhận định rằng việc này sẽ gây phương hại đến an ninh của châu Âu và ảnh hưởng đến chính lợi ích các đồng minh của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko liên tục nêu rõ Nga không vi phạm hiệp ước và khẳng định: “Chừng nào hiệp ước này vẫn có hiệu lực, chúng tôi vẫn có ý định tuân thủ tất cả các quyền và nghĩa vụ của mình theo hiệp ước này”.

Hệ lụy trong tương lai

OST được ký vào năm 1992, trước khi xuất hiện công nghệ hình ảnh vệ tinh tiên tiến mà hiện tại đang là công cụ thu thập thông tin tình báo ưa thích của thế giới. Tuy nhiên, theo The Economist, công nghệ vệ tinh vẫn có một chút bất lợi hơn so với máy bay giám sát, ví dụ như không thể thu thập được dữ liệu ảnh nhiệt.

Ngoài ra, do chỉ riêng Mỹ mới có mạng lưới vệ tinh quân sự khổng lồ, các thành viên NATO sẽ phải dựa vào Washington để mua lại những dữ liệu tuyệt mật. Đây sẽ là bất lợi lớn cho các đồng minh của Mỹ do OST quy định, tất cả thông tin tình báo thu thập được từ các chuyến bay trinh sát buộc phải được chia sẻ rộng rãi tới các quốc gia thành viên.

Theo tờ The Hill, quyết định rút khỏi hiệp ước này đi ngược lại các lợi ích của Mỹ và gây tổn hại tới quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu. Nó sẽ khuyến khích Nga trở nên hung hăng hơn và khiến các lực lượng của Mỹ và các đối tác bị thu hẹp “chiếc ô bảo vệ” và giảm bớt sự hợp tác trong khu vực, cũng như làm gia tăng mối đe dọa từ Nga.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, hệ lụy nguy hiểm nhất đến từ việc Mỹ rút khỏi OST chính là những nghi ngờ bấy lâu nay về khả năng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ không được gia hạn trở thành sự thật. Việc Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn tồn tại bị đặt vào trạng thái để ngỏ đã cho thấy những dấu hiệu “mong manh và khó đoán định” trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân trên thế giới mà từ trước tới nay luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

Sau khi INF bị khai tử, New START vẫn được nhắc đến là một “chuẩn mực vàng” về giải trừ vũ khí hay công cụ chốt chặn cuối cùng giúp kìm hãm kịch bản chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào tháng Hai tới và chỉ có thể được gia hạn thêm thời gian năm năm nếu có sự đồng thuận từ cả Nga và Mỹ. Hiện Nga đã tỏ thiện ý sẵn lòng thực hiện điều này còn Mỹ thì vẫn đang lấp lửng và chưa đưa ra phản hồi chính thức.

Tổng thống Trump cũng nhiều lần kêu gọi New START chỉ được gia hạn một khi Trung Quốc đồng ý tham gia. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng điều này khó có thể xảy ra khi cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn đang leo thang do cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh không trung thực về đại dịch Covid-19.

Việc Mỹ rút khỏi OST không có nghĩa hiệp ước này sẽ bị hủy bỏ. Hãng ANSA ngày 22/5 cho biết, Italy cùng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong NATO khẳng định hiệp ước vẫn hoạt động và đem lại nhiều hữu ích. Thiếu OST, Mỹ vẫn còn mạng lưới vệ tinh tiên tiến hàng đầu thế giới dành cho các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo.

Có thể, đây là cách để Mỹ gây sức ép lên Nga cho việc đàm phán New START bởi suy cho cùng, không phải Tổng thống Trump bỗng dưng một sáng tỉnh dậy và muốn Mỹ rút khỏi OST, tất cả đều là những bước đi, những tính toán được thảo luận và nghiên cứu kỹ, phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà ông theo đuổi từ khi nhậm chức cho đến nay.

Hiệp ước Bầu trời Mở là gì?

Hiệp ước OST cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các hoạt động và lực lượng quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Các quốc gia thành viên cần phải thông báo thực hiện chuyến bay trinh sát 72 giờ trước khi đi vào không phận của quốc gia thành viên khác. Tất cả thông tin thu thập được, như tập trận quân sự, triển khai tên lửa phải được chia sẻ rộng rãi với 34 quốc gia thành viên.

Một tiêu chí chủ đạo của OST là tạo dựng lòng tin và hiểu biết giữa các nước thành viên tham gia, thông qua việc cùng tiến hành các chuyến bay do thám trên vùng trời của các nước khác. Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của văn kiện này là theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Theo thống kê của truyền thông, kể từ khi OST có hiệu lực vào năm 2002, hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của Hiệp ước này. Mặc dù vậy, một số khu vực tại Nga vẫn bị hạn chế viếng thăm đến thời điểm hiện tại.

(tổng hợp)