Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2/2019. |
Ngày 14/5, 5 ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố việc bắt giữ tàu chở hàng Triều Tiên “Wise Honest”, chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có lời đáp trả mạnh mẽ, cho đây là “hành vi ăn cướp bất hợp pháp”. Bình Nhưỡng khẳng định, động thái này là “sự mở rộng có tính toán của Washington” trong chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Triều Tiên, “phủ nhận tinh thần tuyên bố chung của Thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 tại Singapore”.
Trước đó, ngày 9/5, giải thích lý do việc bắt giữ “Wise Honest”, Mỹ cho rằng Triều Tiên đã sử dụng tàu này để xuất khẩu than, nhập khẩu máy móc hạng nặng, vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế của Mỹ và Liên hợp quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ bắt giữ một tàu chở hàng của Triều Tiên vì vi phạm lệnh trừng phạt.
Đáng chú ý, tuyên bố của Washington được đưa ra cùng ngày Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa tầm ngắn chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump cho rằng, hành động của Bình Nhưỡng không “bội tín” khi thử nghiệm vũ khí cơ bản, song giới quan sát lại cho rằng, hai bên đang “ăn miếng trả miếng”.
Thực trạng này có thể đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, vốn đã ít nhiều chững lại sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, đi vào bế tắc.
Phản ứng thận trọng của Washington sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa ngày 4/5 cho thấy, không loại trừ khả năng dù chưa có được tiếng nói chung về một giải pháp cơ bản, song hai bên đã xác định được “liều lượng” phù hợp trong hành động và ứng xử để không làm tổn hại tới đàm phán phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, hành động đáp trả của Mỹ cùng tuyên bố cứng rắn của Triều Tiên có thể phá vỡ sự đồng thuận hiếm hoi đó và đưa những thành quả đã đạt được trong quan hệ song phương về số 0.
Thêm vào đó, những khác biệt trong quan điểm về phi hạt nhân hóa, dỡ bỏ cấm vận, cộng thêm đòi hỏi của Bình Nhưỡng về “gạt” Ngoại trưởng Mike Pompeo khỏi đàm phán Mỹ - Triều đang khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên khó càng khó. Cả hai bên chủ trương “thà không có thỏa thuận còn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi” và tiếp tục giữ vững lập trường.
Tuy nhiên, thời gian đang không ủng hộ ông chủ Nhà Trắng. Chiến dịch vận động tranh cử cho bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần và ông Donald Trump vẫn mong muốn phá thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên, lấy thành tích đối ngoại làm bàn đạp để giành chiến thắng.
Trong bối cảnh đó, khi mà áp lực về quân sự và kinh tế vơi dần tác dụng, không loại trừ khả năng, Mỹ sẽ sớm có nhượng bộ nhất định. Cho tới lúc đó, quan hệ Mỹ - Triều nói chung và đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn chỉ dừng ở mức “kỳ kèo bớt một thêm hai” mà thôi.