Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh gói biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/11, theo đó Washington thông báo sẽ liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran.
Theo các nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nguồn thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với Iran. Tuy nhiên, động thái này sẽ tác động tiêu cực tới nguồn cung dầu mỏ của thế giới, bởi Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trước khi Chính phủ Mỹ hồi tháng 5 thông báo áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran khiến nhiều nước ngừng mua dầu của Iran, lượng xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này tháng 4 đã đạt mức 2,5 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của hãng UBS nhận định, cho dù Mỹ miễn trừ biện pháp trừng phạt đối với một số nước thì Washington cũng sẽ yêu cầu các nước này giảm mạnh lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Theo đó, nhà phân tích Staunovo dự báo giá dầu trên thị trường thế giới sẽ tăng.
Việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran có thể khiến thị trường dầu mỏ một lần nữa lao đao. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi đó, nhà phân tích Riccardo Fabiani thuộc Công ty Energy Aspects nhận định rằng nếu giá dầu bắt đầu tăng trở lại và các nhà sản xuất dầu mỏ khác gặp khó khăn, việc này có thể gây áp lực đối với Mỹ và Washington có thể phải áp dụng thêm các trường hợp miễn trừ.
Giá dầu đã giảm gần 15 USD trong chưa đầy một tháng qua, sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm rưỡi vào đầu tháng 10 vừa qua, trong đó giá dầu Brent ở mức trên 85 USD/thùng. Nguyên nhân một phần do lập trường không nhất quán của Mỹ. Ban đầu Washington khẳng định các biện pháp trừng phạt mới nhằm giảm lượng xuất khẩu dầu của Iran về 0. Tuy nhiên, ngày 2/11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chấp thuận để 8 nước tiếp tục mua dầu thô của Iran sau khi lệnh trừng phạt của Washington chính thức có hiệu lực từ ngày 5/11. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không công bố cụ thể những nước này.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới đã tuyên bố có thể bù đắp thiếu hụt dầu Iran, nhưng một số ý kiến lo ngại vương quốc này có thể phải khai thác cạn kiệt. Theo các chuyên gia, hiện tại Saudi Arabia chỉ sản xuất được dưới 11 triệu thùng/ngày, nếu cố gắng có thể tăng lên 12 triệu thùng. Trong khi đó, Mỹ đang trên đường trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và có thể đáp ứng một phần nhu cầu, song nước này thiếu khả năng xuất khẩu.