Ngày 14/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức đưa Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem đi vào hoạt động đúng Quốc khánh của Israel. Trong khi con gái, con rể ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cùng nhiều quan chức cấp cao của Israel dự khai trương công trình mang tính biểu tượng cao này, các cuộc biểu tình, đụng độ giữa hàng vạn người biểu tình Palestine với lực lượng cảnh sát Israel đã nổ ra. 58 người biểu tình thiệt mạng, gần 3.000 người khác bị thương, trong đó có cả trẻ em.
Ngay trước sự kiện này, Người Phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định động thái của Washington chỉ gây bất ổn trong khu vực, đồng thời loại trừ vai trò trung gian hòa giải của Mỹ tại Trung Đông. Paris, đồng minh thân cận của Washington tại châu Âu, cũng chỉ trích quyết định dời Đại sứ quán về Jerusalem của Tổng thống Donald Trump là “coi thường luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi Israel kiềm chế hành động gây thương vong với người Palestine. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn yêu cầu Đại sứ Israel tại Ankara về nước để phản đối chiến dịch trấn áp người biểu tình.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại lễ khai trương Đại sứ quán Israel tại Jerusalem ngày 14/5. (Nguồn: TPS) |
Khi Mỹ không còn có vị thế trung gian, “tiến trình hòa bình tại Trung Đông” mà Tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn sẽ khó có thể bắt đầu, đặc biệt là khi lòng tin của các quốc gia Ả rập vào Mỹ đang dần suy giảm một cách nghiêm trọng.
Kẻ lên người xuống
Nhiều cuộc chiến liên miên, “Mùa xuân Ả rập” và sự lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố đã làm các nước Ả rập suy yếu, tạo nên những khoảng trống quyền lực. Trong khi đó, một Israel ổn định về nội bộ và nhận được sự ủng hộ từ Mỹ đã tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế chi phối các diễn biến ở Trung Đông. Những vụ tấn công đầy táo bạo của không quân Israel ở Syria cho thấy Tel Aviv tiếp tục là thế lực quân sự đáng nể ở khu vực. Việc thỏa thuận chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Syria bị dừng lại sau chuyến thăm Nga của Thủ tướng Benjamin Netanyahu càng khiến Israel như “hổ mọc thêm cánh”.
Bên cạnh đó, thông qua việc xây dựng liên minh chống Iran, Israel đã từng bước đưa Saudi Arabia vào thế có lợi cho mình, thậm chí khiến Riyadh âm thầm cộng tác với Nhà nước Do Thái để kiềm chế Iran. Ràng buộc lợi ích giữa Israel và các nước Ả rập khác như UAE ngày càng khăng khít, bất chấp những tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Ngoài ra, quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem của ông Trump một lần nữa khẳng định sức mạnh khổng lồ của cộng đồng gốc Do Thái trong nền chính trị Mỹ.
Đối với các nước Ả rập trong khu vực, “Mùa xuân Ả rập” khiến sự phụ thuộc về quân sự vào Mỹ của họ ngày càng lớn. Tâm lý thù địch với Iran khiến Saudi Arabia không thể đổi phe hay phản ứng gay gắt với Washington. Những khoản viện trợ từ Mỹ và Saudi Arabia giúp Ai Cập phục hồi kinh tế sau “Mùa xuân Ả rập” khiến nước này chỉ có phản ứng về mặt ngoại giao. Ngoài ra, căng thẳng ngoại giao với Qatar cho thấy, nội bộ khối Sunni cũng tồn tại mâu thuẫn nhất định khiến họ không thể đưa ra phản ứng có tính tập thể nhằm phản đối hành động của Mỹ và Israel.
Đối với Mỹ, quyết định tăng cường khai thác dầu trong nội địa và những tiến bộ trong công nghệ xử lý đá phiến đã giúp Mỹ chủ động hơn ở Trung Đông, nhờ giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu lửa. Tuy nhiên, trước khi chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem, chính quyền Trump đã “thử” các nước Ả rập bằng việc tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái. Phản ứng hời hợt từ các nước Ả rập đã khiến Mỹ và Israel càng tự tin trong việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem. Tuy nhiên, hành động của Washington đã tạo nên tiền lệ xấu, đưa tình hình khu vực ngày một bế tắc.
Khi lòng tin phai nhạt
Người dân Ả rập vốn dĩ đã không ủng hộ việc Mỹ hỗ trợ cho Israel trong khu vực, hay những hành động quân sự của phương Tây tại Trung Đông, giờ đây lại càng thêm phẫn uất trước việc Washington chuyển Đại sứ quán Israel tới Jerusalem, bất chấp những ý nghĩa tâm linh của thành phố này đối với người Hồi giáo. Hành động của Mỹ không những vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc, làm xói mòn luật pháp quốc tế mà còn là hành động chống lại người Ả rập.
Hình ảnh những người biểu tình Palestine yếu thế trước lực lượng cảnh sát Israel được trang bị đầy đủ càng khiến cho người Ả rập thêm nghi ngờ lời lẽ mỹ miều của Mỹ về hòa bình tại Trung Đông. Nguy hiểm hơn, đây có thể là cái cớ để tàn dư khủng bố của IS hay Al-Qaeda cổ súy lập luận chống Mỹ, kích động các hành động bạo lực mới.
Trong khi đó, chính quyền các nước Ả rập đang mất dần lòng tin vào những cam kết của Mỹ tại khu vực, cho rằng Washington đang kiến tạo một nền hòa bình có lợi cho người Do Thái, chứ không phải là một nền hòa bình cân bằng cho tất cả các bên. Một số còn cho rằng Mỹ và Israel đang lợi dụng các nước Ả rập, tạo ra mâu thuẫn giữa họ để phục vụ lợi ích bản thân, chứ không hề đóng góp cho hòa bình khu vực. Tâm lý chống Mỹ đã và đang hình thành ngay trong nội bộ chính quyền các nước Ả rập. Washington và Tel Aviv có thể tiếp tục duy trì ưu thế bằng sức mạnh “cứng”, chứ khó có thể chinh phục được người Ả rập bằng sức mạnh “mềm”, yếu tố then chốt để xây dựng hòa bình khu vực và thế giới.