📞

Mỹ và nước gỡ bí cho thế cờ Triều Tiên

10:27 | 05/08/2017
Có nhiều ý kiến nghi ngờ về những đòn cấm vận kinh tế mà Washington áp dụng lên Bình Nhưỡng, khi Triều Tiên đã là một trong những quốc gia bị cô lập nhất trên thế giới.

Triều Tiên hiện đang chịu một loạt các biện pháp trừng phạt quốc tế, trong đó có việc ngăn cấm buôn bán thiết bị quân sự và hàng xa xỉ. Các lệnh trừng phạt này được kì vọng là sẽ đánh vào hệ thống tài chính của Triều Tiên và cắt đứt những nguồn ngoại tệ đổ về nước này.

Tuy nhiên, trên thực tế, những tác động của cấm vận đến từ cộng đồng quốc tế đã không ảnh hưởng quá nhiều tới Bình Nhưỡng, cũng như chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia này. Ngay cả những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào các cá nhân hợp tác với Triều Tiên và các hoạt động buôn bán vũ khí, vi phạm nhân quyền, rửa tiền của Bình Nhưỡng đều được cho là không có nhiều ý nghĩa.

Ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục đia (ICBM) đêm ngày 28/7 do phía Triều Tiên cung cấp. (Nguồn: AP)

Quân bài Trung Quốc

Điều này khiến phía Mỹ cho rằng, Trung Quốc là nhân tố chủ chốt trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa liên lục địa (ICBM), chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quay sang chỉ trích Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã không gây áp lực đối với Bình Nhưỡng.

Ông cho rằng, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã không có bất cứ động thái nào trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley và Phó Tổng thống Mike Pence đều kêu gọi Trung Quốc “sử dụng ảnh hưởng của mình để khuyến khích Triều Tiên hội nhập với các quốc gia”.

Tuy nhiên, có lẽ người Mỹ đã quá kì vọng vào ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Ông Abraham Denmark, cựu Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á dưới thời Obama cho rằng: “Phương Tây có thể đã đánh giá đúng về ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng họ đã quá đề cao cách mà Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng của mình”.

Ông Denmark cũng chỉ ra rằng, phần lớn nguồn vốn nước ngoài của Triều Tiên đến từ các hoạt động thương mại với Trung Quốc, điều mà trước đây từng được dùng làm đòn bẩy chống lại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không tối đa hóa việc sử dụng đòn bẩy này vì lo ngại Triều Tiên có thể sụp đổ. Theo ông Denmark, Trung Quốc sẵn sàng gây tổn hại cho nền kinh tế Triều Tiên, nhưng sẽ không đến mức có thể đe dọa sử ổn định của chế độ của Chủ tịch Kim Jong-un. Điều này phần nào giải thích tại sao Trung Quốc tiếp tục kìm hãm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Đông Á Abraham Denmark. (Nguồn: strausscenter.org)

Điểm yếu của Triều Tiên

Tuy nhiên, Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao của khu vực Đông Bắc Á tại Heritage Foundation, người từng làm việc hơn 20 năm tại CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng, cho rằng Mỹ có thể dùng những biện pháp tài chính có chủ đích hơn để đơn phương trừng phạt Triều Tiên. Theo ông, phần lớn các giao dịch tài chính trên thế giới, kể cả Triều Tiên, đều đi qua các Ngân hàng Mỹ do Bộ Tài chính điều hành: “Điều đó cho phép nước Mỹ có thể đóng băng các hoạt động giao dịch thương mại của phía Triều Tiên với các tổ chức và cá nhân khác tại Ngân hàng Mỹ. Động thái này sẽ không chỉ khiến Bình Nhưỡng rùng mình, mà còn có thể khiến quốc gia này khó khăn hơn trong việc tìm bạn hàng giao dịch”.

Klingner chỉ ra rằng, Mỹ từng khiến ngân hàng châu Âu tổn thất 12 tỷ USD vì lý do rửa tiền cho Iran, nhưng vẫn chưa trừng phạt các tổ chức tài chính của Trung Quốc đã rửa tiền cho Triều Tiên, dù có bằng chứng chống lại Triều Tiên và Trung Quốc vi phạm luật pháp Mỹ.

Ông Klingner nhấn mạnh, đã đến lúc Mỹ cần phải bảo vệ và thi hành luật pháp của mình: “Trung Quốc và Triều Tiên và các cơ quan khác đang có các hành vi rửa tiền tại các Ngân hàng Mỹ. Nếu như không thực thi luật lệ của mình, chúng ta đã cho họ quyền miễn trừ khỏi luật pháp của Mỹ, chỉ đơn giản vì họ là người Trung Quốc”.

Đòn trừng phạt của Mỹ sẽ khiến cả Trung Quốc và Triều Tiên "đứng ngồi không yên"?. (Nguồn: DNA India)

Đòn chí mạng

Về phần mình, ông Denmark cho rằng, chính quyền Obama đã đưa ra một số lệnh trừng phạt quốc tế mạnh mẽ nhất chống lại Triều Tiên, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tăng cường trừng phạt Triều Tiên và Đạo luật Cải thiện Chính sách năm 2016. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ có thể mạnh hơn nữa.

Theo ông, các lệnh trừng phạt mới cần tập trung vào các tổ chức, cá nhân đến từ các nước thứ 3 làm ăn với Triều Tiên. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Mỹ thực hiện lộ trình này. Chính quyền Trump đang bắt đầu áp dụng cách tiếp cận này: Tháng 6 vừa qua, Mỹ đã có động thái trừng phạt nhằm vào hai công dân Trung Quốc, một công ty vận tải Trung Quốc và một ngân hàng Trung Quốc có liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ở thời điểm hiện tại, khó có thể biết rằng liệu những áp lực ngoại giao có thể buộc Bình Nhưỡng thay đổi hành vi của mình không. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã cho thấy rằng ông ta sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân hay tên lửa của mình bằng mọi giá, ngay cả khi phải chịu áp lực từ phía cộng đồng quốc tế.

Ở bên kia chiến tuyến, Tổng thống Donald Trump cũng sẽ không lùi bước. Phát biểu tại một cuộc họp nội các ngày 31/7, nhà lãnh đạo Mỹ kiên quyết: “Chúng tôi có khả năng và sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên một cách tốt đẹp”. Hy vọng rằng với hướng đi mới trong trừng phạt kinh tế, ông chủ Nhà Trắng có thể sớm hiện thực hóa tuyên bố của mình.

(theo The Atlantic)