📞

Năm lực lượng không quân “khủng” nhất thế giới

17:00 | 26/09/2016
Không quân là một trong những thước đo tiềm lực quân sự của mỗi nước. Trong cuộc chạy đua trang bị quốc phòng trên thế giới hiện nay, tạp chí The National Interest đã lựa chọn ra 5 quốc gia có lực lượng không quân với tiềm lực vượt trội.­

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều nguy cơ xung đột, bất ổn tiềm tàng, các cường quốc trên thế giới luôn phải chuẩn bị cho riêng mình một số kịch bản phòng vệ, từ việc tiến hành chiến dịch không kích chống một loại mục tiêu nào đó cho đến việc triển khai kế hoạch tác chiến quy mô lớn. Và tất nhiên, việc làm chủ bầu trời luôn là một trong những lợi thế hàng đầu trong bất cứ cuộc xung đột quân sự nào.

Trong danh sách top 5 lực lượng không quân mạnh nhất thế giới cho đến năm 2030 do tạp chí The National Interest bình chọn dựa trên tiềm năng và chiến lược phát triển không quân đã được công bố, ngoài những “gương mặt quen thuộc” như Mỹ, Nga và Anh thì Trung Quốc và Israel nổi lên như những đối thủ đáng gờm.

Đặc biệt, quốc gia đang mua sắm mạnh mẽ máy bay như Ấn Độ hay quốc gia sở hữu lực lượng không quân mạnh nhất châu Âu hiện nay như Pháp lại “mất hút” trong bảng xếp hạng này.

Không quân Mỹ

Đứng đầu danh sách không ai khác vẫn sẽ là Không quân Mỹ với hàng nghìn máy bay chiến đấu thế hệ 4-5, lực lượng máy bay vận tải tầm xa, vượt đại châu hùng hậu.

Hiện tại, Quân đội Mỹ có 3 lực lượng không quân riêng biệt, gồm: Không quân, Không quân Hải quân và Không quân thuộc Thủy quân lục chiến quy mô bậc nhất thế giới.

Máy bay chiến đấu của Mỹ Lockheed Martin F-35 Lightning II.

Khi đó, Không quân Mỹ sẽ sở hữu 187 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor. Hơn thế nữa, lực lượng này sẽ còn sở hữu 178 máy bay chiến đấu F-15C được nâng cấp lớn về radar và bộ cảm biến hồng ngoại. Ngoài ra, cường quốc số 1 thế giới cũng sẽ mạnh tay mua thêm 1.763 tiêm kích đa nhiệm F-35A để thay thế tiêm kích F-16C và cường kích A-10.

Đồng thời, Không quân Mỹ cũng sẽ trẻ hóa đội tàu bay của mình với 100 máy bay tiếp liệu trên không KC-46 Pegasus mới, trong khi oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 5 B-21 sẽ bắt đầu được sản xuất với số lượng khoảng 100 chiếc theo đơn đặt hàng.

Trong khi đó, Không quân Hải quân Mỹ được chuẩn hóa bằng máy bay F-35C và F/A-18E/F Super Hornet. Các đơn vị máy bay không người lái MQ-25 sẽ tăng cường năng lực thu thập tình báo, trinh sát, thực hiện nhiệm vụ cho máy bay F-35C có người điều khiển, còn máy bay lưỡng thể V-22 Osprey sẽ đảm bảo khả năng tiếp tế và liên lạc cho các tàu sân bay trên biển.

Cuối cùng, Không quân thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được trang bị phiên bản F-35B với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Không quân Trung Quốc

Điều bất ngờ nhất trong danh sách này là Trung Quốc được xếp ở vị trí thứ hai, chỉ sau Mỹ. Theo đó, sau hơn một thập kỷ tới, lực lượng Không quân (PLAAF) và Không quân Hải quân (PLANAF) Trung Quốc sẽ vươn đến thời kỳ đỉnh cao sức mạnh.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên kế hoạch cải tổ quân đội nhằm tăng cường khả năng tác chiến ở những khu vực xa xôi, không quân Trung Quốc đã được đầu tư mạnh mẽ và có những bước phát triển lớn.

Máy bay chiến đấu J-10.

Nhìn chung, số lượng máy bay của không quân Trung Quốc đang suy giảm nhưng thay vào đó, chất lượng chiến đấu cơ thế hệ 4+ như Su-30, J-11, J-15 và J-10 lại đang được tăng cường. Tuy nhiên, để bắt kịp Mỹ và các cường quốc khác, Trung Quốc sẽ phải tính toán đầu tư hơn nữa để phát triển thành công các tiêm kích thế hệ 5 như J-20 và J-31.

Không chỉ dừng lại ở đó, lực lượng không quân chiến đấu mới chỉ là một phần sức mạnh của Không quân Trung Quốc. Đến năm 2030, quốc gia châu Á này tham vọng phát triển máy bay vận tải Y-20 cho phép không vận tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tăng cường số lượng và chất lượng các máy bay hỗ trợ như máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không.

Với những căng thẳng gia tăng liên tiếp trên biển phía Đông và Đông Nam Trung Quốc, dự báo quốc gia này sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng cường cả về số lượng và chất lượng các máy bay thu thập tình báo, trinh sát và giám sát, đặc biệt là máy bay không người lái như Thần Điêu.

Không quân Nga

Hiện tại, triển vọng của Không quân Nga khó có thể xác định. Kịch bản tốt nhất là đến năm 2030, nếu nền kinh tế của Nga được phục hồi, giá dầu và hàng hóa xuất khẩu tăng cao và hàng rào cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây được dỡ bỏ, thì Không quân Nga sẽ giữ vững vị trí thứ hai thế giới.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA của Nga.

Hiện Không quân Nga có hai chương trình kỹ thuật hàng không quân sự quan trọng nhất là phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA và oanh tạc cơ chiến lược thế hệ 5 PAK-DA. Tiêm kích PAK-FA hay T-50, được đánh giá có uy lực sánh ngang tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ, sẽ là nòng cốt giúp Nga giảm bớt sự phụ thuộc vào các tiêm kích thế hệ cũ như Mig-29, Su-27/30/34. Trong khi đó, PAK-DA là dòng máy bay ném bom tàng hình chiến lược có khả năng thay thế các đơn vị máy bay ném bom siêu âm Tu-22 và Tu-160 đã tương đối lạc hậu.

Tuy nhiên, nếu rơi vào kịch bản xấu, với tình trạng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cấm vận, ngân sách quốc phòng eo hẹp, nạn quan liêu và tham nhũng, tới năm 2030, Không quân Nga có lẽ sẽ chỉ dừng chân ở top 10.

Không quân Israel

Hiện nay, Không quân Israel đang sở hữu 58 máy bay chiến đấu F-15A và F-15C, 25 máy bay ném bom chiến đấu F-15I và 312 máy bay chiến đấu đa dụng F-16. Đến năm 2030, khả năng cao Không quân Israel vẫn là lực lượng không quân hùng mạnh nhất của toàn bộ khu vực Trung Đông.

Máy bay chiến đấu chiến thuật F-15 Eagle.

Mặc dù vậy, để đạt được vị trí này, Israel cần phải tiến hành công cuộc “thay máu” quyết liệt đội ngũ máy bay với nhiều khung máy đã có tuổi đời trên 40 năm của mình. Tuy nhiên, đáng tiếc là họ chưa tìm được giải pháp thích hợp, trong khi sản phẩm Tel Aviv mong muốn là F-22 thì Mỹ đã dừng sản xuất từ năm 2011.

Chính vì vấn đề trên, Không quân Israel có thể phải chuyển nhiệm vụ giành ưu thế trên không từ máy bay F-15 sang máy bay F-35 vốn không phải được thiết kế cho nhiệm vụ không chiến chuyên nghiệp cho tới khi “người thay thế F-22” là máy bay thế hệ thứ 6 được Mỹ đưa vào sản xuất.

Israel hiện đang có kế hoạch thiết lập hai phi đội F-35 (32 chiếc) vào năm 2021, tiến tới mục tiêu mua thêm phi đội F-35 thứ ba vào năm 2030, với tổng số hơn 200 chiếc. Nhiều khả năng phi đội chiến đấu cơ của nước này sẽ được bổ sung thêm các máy bay không người lái tối tân có thể thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ như tình báo, trinh sát, giám sát, chế áp phòng không và tiếp liệu trên không.

Không quân Anh

Tới năm 2030, Không quân Anh được dự báo sẽ đạt tới “điểm rơi phong độ” sau hàng thập kỷ phát triển. Trong số này, phải kể đến khoảng 160 tiêm kích chiếm ưu thế trên không Eurofighter Typhoon, được trang bị thêm các loại bom dẫn đường bằng laser và tên lửa Brimstone. Thêm vào đó, máy bay không người lái tàng hình tối mật trong chương trình Taranis sẽ được triển khai vào năm 2030 để sát cánh cùng các chiến đấu cơ có người lái của nước này.

Máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon.

Trong khi đó, các tiêm kích Panavia Tornado GR4 sẽ được “cho về vườn” và thay thế bằng 138 tiêm kích đa nhiệm phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng F-35B. Các chiến đấu cơ này sẽ được biên chế cho Không quân Hoàng gia và Hải quân Hoàng gia Anh cũng như được trang bị cho các tàu sân bay thế hệ mới HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales.

Không loại trừ khả năng cho đến năm 2030, Không quân Hoàng gia và lực lượng đường không Hải quân Hoàng gia Anh sẽ sở hữu khoảng 300 máy bay chiến đấu và trở thành lực lượng không quân có quy mô lớn nhất, thực lực mạnh nhất Tây Âu.

(theo The National Interest)