Xuyên suốt lịch sử loài người, bất kỳ cuộc cạnh tranh nào giữa các cường quốc cũng sẽ tập trung về cuộc chạy đua xây dựng hải quân. Lần này, cuộc cạnh tranh đó lại lấp ló xuất hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau gần 1/4 thế kỷ im ắng, các nhà máy đóng tàu đang bắt tay vào xây dựng các loại tàu khu trục và thậm chí là cả tàu thủy cỡ lớn.
Trong phân hạng tàu chiến, tuần dương hạm là những tàu mặt nước có kích thước lớn và được trang bị nhiều vũ khí mạnh. Hiện nay, tuần dương hạm chỉ còn hoạt động trong một số ít quốc gia như Mỹ, Nga...
Tờ National Interest đã liệt kê 5 mẫu tàu chiến mạnh nhất hành tinh, được mô tả là có thể kết thúc cuộc cạnh tranh trên biển giữa các cường quốc quân sự thời hậu chiến (Mỹ, Nhật Bản) và các quốc gia quân sự mới nổi (Nga, Trung Quốc).
Tàu Tuần dương lớp Kirov Pyotr Velikiy. (Nguồn: Pinterest) |
Tàu Tuần dương lớp Kirov
Được coi là chiến hạm đội lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến II, Tàu lớp Kirov bao gồm những tàu tuần dương hạng nặng, vũ trang mạnh. Tàu lớp Kirov dài 252m, rộng 28,5m, với lượng giãn nước 28.000 tấn lúc mang đầy đủ vũ khí và đạt tốc độ 30 hải lý do hệ thống động cơ CONAS (nguyên tử kết hợp hơi nước), tạo ra công suất 600 MW.
Chúng thường được các phương tiện truyền thông phương Tây gọi là tuần dương thiết giáp, liên tưởng tới các thiết giáp hạm có kích thước lớn hồi nửa đầu thế kỷ XX. Lớp tàu tuần dương Kirov được phát triển từ năm 1974. Năm 1980, chiếc thứ nhất được đưa vào hoạt động. Dự án phát triển lớp tàu tuần dương Kirov kết thúc vào năm 1998, chủ yếu do vấn đề ngân sách.
Hiện tại, trong số 4 tàu đã được sản xuất, chỉ còn 2 chiếc còn đang được sử dụng: Pyotr Velikiy và Admiral Nakhimov. Các tàu ban đầu được trang bị 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit (tên mã NATO: SS-N-19 Shipwreck), mỗi tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn nổ nặng 680kg. Ban đầu, các tàu Kirov có nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ mang đầu đạn hạt nhân, vốn có thể đe dọa tàu ngầm tên lửa của Moscow và lãnh thổ Liên Xô cũ.
Tàu Petr Velikiy hiện đang phục vụ cùng Hạm đội phương Bắc của Nga, trong khi tàu Admiral Nakhimov đang được đại tu và sẽ được trang bị tên tên lửa siêu thanh Zircon thế hệ mới và hệ thống tên lửa không đối đất S-500. Admiral Nakhimov dự kiến sẽ sẵn sàng phục vụ vào năm 2021-2022 và gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu tuần dương lớp Ticonderoga. (Nguồn: Military.com) |
Tàu tuần dương lớp Ticonderoga
Hiện nay, Hải quân Mỹ chỉ có 1 lớp tàu tuần dương duy nhất là Ticonderoga với hạm đội gồm 22 chiếc (trước đó 5 trước cũ hơn đã không còn được sử dụng từ sau Chiến tranh Lạnh). Các tàu lớp Ticonderoga bắt đầu được đóng từ năm 1980-1994, chiều dài 173m, rộng 16,8m; lượng giãn nước đầy tải 9.800 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ turbin khí General Electric LM2500 giúp đạt tốc độ tối đa 33,2 hải lý/h, tầm hoạt động 3.300 hải lý, vỏ tàu được trang bị lớp giáp Kevlar tại một số vị trí quan trọng.
Mặc dù được coi là tàu đa năng có khả năng tham gia chống tàu ngầm và chống tàu mặt nước, nhưng nhiệm vụ chính của tàu lớp Ticonderoga là bảo vệ các tàu sân bay và các mục tiêu có giá trị cao của Mỹ khỏi các cuộc tấn công trên không.
Ngoài ra, đây cũng là lớp tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis với các radar mảng pha AN/SPY-1 lắp vào phần thượng tầng. Ngoài radar AN/SPY-1, tuần dương hạm lớp Ticoderoga còn được trang bị nhiều loại radar khác như radar cảnh giới đường không AN/SPS-49, radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG-62...
Vũ khí trang bị trên tuần dương hạm lớp Ticonderoga bao gồm: 2 pháo hạm Mk-45 cỡ nòng 127mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon bố trí phía sau đuôi tàu. Ngoài ra, các tuần dương hạm Ticonderoga còn trang bị 2 hệ thống CIWS Phalanx, 2x3 ống phóng ngư lôi Mk-32 cỡ 324mm cùng các tên lửa chống ngầm bố trí trong bệ phóng Mk-41, ở đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm SH-60B.
Tàu khu trục lớp Kongo. (Nguồn: Wikipedia) |
Tàu khu trục lớp Kongo
Được thiết kế theo nguyên mẫu khu trục hạm Arleigh Burke Flight I của Hải quân Mỹ, Tàu khu trục lớp Kongo dài 160m, lượng giãn nước đầy tải 9.400 tấn. Tàu được trang bị 90 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk 41 dùng để bắn tên lửa phòng không SM-2/3, tên lửa chống ngầm RUM-139; 8 tên lửa chống hạm Harpoon; 2 hệ thống phòng thủ tầm ngắn Phalanx, 1 pháo 127mm Oto Breda và 6 ngư lôi Mk 46.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) khi đối mặt với nhiệm vụ bảo vệ đất nước khỏi các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên đã sử dụng 4 tàu khu trục lớp Kongo. Tuy nhiên, chỉ cần hai tàu lớp Kongo là có thể bảo vệ phần lớn đất nước khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Lễ hạ thủy khu trục hạm Type 055 của Trung Quốc. (Nguồn: The Diplomat) |
Tàu khu trục Type-055
Mặc dù Trung Quốc phân loại là khu trục hạm, nhưng thực chất Type 055 chính là một tuần dương hạm mang tên lửa (do Lầu Năm Góc xếp hạng) có điều khiển và cũng là loại tàu mới và lớn nhất của Hải quân Trung Quốc. Theo National Interest, Type 055 có thể coi là đối trọng của lớp tàu Ticonderoga của Mỹ.
Cũng giống như đối thủ của mình, tàu lớp Type 055 có thể được sử dụng để bảo vệ cho hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc, với khả năng đảm nhận vai trò tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước khi cần thiết.
Về kích thước cơ bản, chiếc Type 055 có chiều dài 180m, lượng giãn nước đầy tải 13.000 tấn. Về hệ thống điện tử, cảm biến chính trên khu trục hạm Type 055 là 4 mảng radar điện tử quét chủ động Type 346B được bố trí quay về đủ 4 góc, mang lại khả năng giám sát toàn diện tới 360 độ.
Một tính năng khác khiến Type 055 lọt vào danh sách này bởi số lượng vũ khí khổng lồ: 112 silo phóng tên lửa, bao gồm nhiều loại khác nhau như: tên lửa hành trình chống hạm YJ-18A và YJ-100, tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 hoặc tên lửa phòng không tầm xa HQ-9B. Ngoài ra, chúng còn có thể bắn các tên lửa đất đối không tầm ngắn HHQ-10 và được trang bị hệ thống pháo phòng thủ tầm gần H/PJ-11.
Trung Quốc đã ra mắt 2 chiếc Type 055 vào tháng 7/2018 và đang đóng thêm 6 chiếc nữa.
Tàu khu trục Arleigh Burke. (Nguồn: Defense World) |
Tàu khu trục Arleigh Burke
Được đặt theo tên của Đô đốc lừng danh Arleigh Burke (1901-1996) của Mỹ, đây là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mạnh nhất và đông đảo nhất thế giới hiện nay. Đây là những chiến hạm làm nền tảng cho sức mạnh của hải quân Mỹ trên đại dương. Theo nhiều cách, đây có thể coi là phiên bản thu nhỏ thành công các cảm biến và vũ khí của tàu lớp Ticonderoga (trừ một khẩu pháo 127mm và 26 silo phóng tên lửa) vào một chiếc tàu nhỏ hơn.
Con tàu đầu tiên trong lớp Arleigh Burke được hạ thủy vào năm 1988, đưa vào biên chế năm 1991 và liên tục được đóng mới từ đó cho tới nay (ngoại trừ khoảng thời gian ngắn những năm 2010). Lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight): 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm 3 tàu (DDG-124 đến DDG-126) mới bắt đầu quá trình đóng mới từ năm 2018.
Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m.
Bản vẽ dựng tàu khu trục Arleigh Burke Flight III. (Nguồn: Huntington Ingalls Industries) |
Mỗi chiếc Burke được trang bị 1 khẩu pháo 127mm, 96 silo phóng tên lửa, radar SPY-1, hệ thống chiến đấu Aegis. Mỗi tàu có hai2 cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn. Vào cuối những năm 1990, mỗi chiếc Burke được trang bị trên 2 bãi đáp trực thăng.
Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B, giống như người đàn anh lớp Ticonderoga.
Với phiên bản Flight III, tàu Arleigh Burke sẽ sử dụng hệ thống radar phòng thủ tên lửa tiên tiến SPY-6 thay cho SPY-1. Mỹ hiện có tổng cộng 62 tàu khu trục Burke, với 14 chiếc đang được đóng hoặc đã ký hợp đồng nhưng chưa đi vào khâu sản xuất.
Các chuyên gia cho rằng lớp Arleigh Burke vẫn giữ vai trò quan trọng trong thành phần hạm đội tàu nổi Mỹ, nhất là khi nước này đang dần loại biên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga, còn dự án siêu tàu khu trục lớp Zumwalt bị cắt giảm chỉ còn ba chiếc so với 32 tàu theo kế hoạch ban đầu.