Ngày 6/3 vừa qua, máy bay AN-26 của Nga đã gặp tại nạn khi đáp xuống sân bay quân sự Khmeimim tại Syria khiến toàn bộ 6 thành viên đội bay và 33 hành khách thiệt mạng.
Vụ tai nạn là thiệt hại lớn nhất của quân đội Nga trong một sự kiện đơn lẻ tại Syria. Đáng chú ý, trong số danh sách những người thiệt mạng có Thiếu tướng Vladimir Yeremeyev, một đại tá, 6 sỹ quan cấp tá, 2 đại úy, 29 sỹ quan trẻ và quân nhân nghĩa vụ.
Máy bay vận tải AN-26 của Nga. (Nguồn: Reuters) |
Ít giờ sau vụ tai nạn, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về kết quả điều tra ban đầu: Chiếc máy bay được sản xuất năm 1980. Vụ tai nạn được cho là do lỗi của phi công hoặc lỗi kỹ thuật. Không lâu sau sự việc, nhóm Jaish al-Islam nhận trách nhiệm gây ra vụ việc, rằng nhóm này đã bắn máy bay Nga khi chuẩn bị hạ cánh. Vụ tấn công được cho là nhằm trả đũa chiến dịch quân sự của quân đội Syria được Nga hậu thuẫn tại Đông Ghouta.
Nỗ lực không đạt kết quả mong đợi
Theo tờ Al-Monitor, một quan chức Kremlin cho biết có các “bằng chứng rõ ràng” về việc Mỹ tìm cách làm mọi thứ thêm phức tạp đối với Nga và Washington đã không đưa ra được sáng kiến nào có tính xây dựng để đưa Syria thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng quan ngại về việc “Mỹ và các nước phương Tây muốn gây áp lực” lên Jabhat Fatah al-Sham và các nhóm cực đoan khác, sử dụng các nhóm này chống lại Assad. Theo ông, Nga “nhận được nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau về việc Mỹ đã thành lập một nhóm có nhiệm vụ thúc đẩy các kế hoạch về phá hoại Nhà nước Syria”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Nguồn: GLP) |
Trong các buổi gặp gần đây với Tổng tham mưu trưởng Nga, Tướng Valery Gerasimov và Thứ trưởng Sergey Ryabkov, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman nhấn mạnh “mức độ tin tưởng lẫn nhau thấp” giữa hai nước đòi hỏi phải tăng cường các cuộc giao tiếp chứ không phải là cắt giảm.
Tuy nhiên, chúng dường như chưa thể khiến Moscow bớt lo ngại. Theo đó, Nga đã tập trung thiết lập khu vực giảm căng thẳng, sử dụng công ty quân sự tư nhân (PMC) và tiếp cận nhóm đối lập nhưng các nỗ lực này đã không mang lại kết quả như mong muốn.
Thay đổi về mặt quân sự
Tuy nhiên, theo al-Monitor, có vẻ như Nga sẽ không lùi bước trước thách thức, thậm chí có thể phải chịu thiệt hại về vật chất và tinh thần. Thay vào đó, Nga sẽ xem xét lại chính sách của nước này. Moscow đang thay đổi chiến lược quân sự và ngoại giao đối với Syria. Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch sử dụng “vùng xám” - một khu vực như thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa hòa bình và một cuộc chiến quy ước.
Thời điểm chiếc máy bay Nga gặp tai nạn, Tướng Gerasimov đang có mặt tại căn cứ quân sự Khmeimim. Nếu không có vụ tai nạn, có lẽ sự hiện diện của ông tại Syria sẽ không được tiết lộ. Điều này cho thấy Moscow đang tiến hành thay đổi cách tiếp cận về mặt quân sự.
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã có mặt tại Syria vào thời điểm xảy ra vụ rơi máy bay Nga. (Nguồn: Sputnik) |
Báo cáo điều tra của hãng truyền thông Nga Znak cho thấy có ít nhất 150 lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner sẽ được triển khai tại Syria trong những tuần sắp tới. Nếu báo cáo này chính xác, đây rõ ràng là một diễn biến mới đáng lưu ý vì nó có thể mở đầu cho nhiều động thái quân sự tiềm năng mà Moscow đang tính đến.
Thúc đẩy đối thoại
Trong các tuần gần đây, Nga tiếp tục tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Ngày 6/3, các đại diện của 3 nước đã tổ chức tham vấn tại Nga với Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura. Giám đốc Cục Trung Đông và Bắc Phi thuộc Bộ Ngoại giao Nga, Sergey Vershinin điều hành các cuộc tham vấn về mục đích cao nhất của Nga. Ông đã vận động cho các quyết định được thông qua vào cuối tháng 1/2018 tại Đại hội đối thoại dân tộc Syria tổ chức tại Sochi. Hội nghị này đã nêu ra đề xuất tiến hành đàm phán Geneva dưới các cơ chế do Nga điều phối.
Với việc Iran tiếp tục theo đuổi các mục tiêu riêng và ít khi lên tiếng về vai trò của nước này tại Syria, quan điểm của Ankara về các vấn đề này hết sức quan trọng. Tổng thống Tayyip Erdogan lâu nay vẫn bị chỉ trích vì thất bại trong chiến lược tại Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có vai trò chủ chốt đối với cả Nga lẫn Mỹ. Sau phiên thảo luận của nhóm chuyên trách Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngày 8 - 9/3 tại Washington, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sẽ tới Nga để tham dự hội nghị của Nhóm kế hoạch chiến lược chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức vào ngày 12 - 14/3. Ông cũng sẽ tới Kazakhstan vào ngày 16/3 để tham dự hội nghị 3 bên của các nước bảo trợ cho đàm phán Astana với người đồng cấp Lavrov và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đóng vai trò then chốt trong những diễn biến mới tại Syria. (Nguồn: AFP) |
Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách sử dụng mối quan hệ với Mỹ và Nga để phục vụ tối đa lợi ích nước này. Moscow và Washington đang tìm cách thuyết phục Ankara “đổi phe”. Vì vậy, những quyết định của Tổng thống Erdogan có thể định hình vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria thời gian tới.
Trong cuộc khủng hoảng Syria, vị thế trên bàn đàm phán đang thay đổi liên tục. Moscow cho rằng điều chỉnh chiến lược là cần thiết, nhằm đạt được những thành quả mong muốn, cũng như đáp ứng được thay đổi mới trong tình hình tại Damascus. Tuy nhiên, Nga cũng rất thận trọng, nhất là thời điểm bầu cử 18/3 không còn xa. Nhiều khả năng những điều chỉnh chiến lược này sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn một khi ông Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.