Lực lượng Không quân Nga vừa tiếp nhận nhiều mẫu tên lửa mới với nhiều đường bay phức tạp và khả năng thay đổi linh hoạt. (Nguồn: IDF) |
Theo đó, những tên lửa này rất khó bị phát hiện và đánh chặn nhờ khả năng bay theo nhiều quỹ đạo phức tạp và thường xuyên đổi hướng khi tiếp cận mục tiêu. Đáng chú ý, nhiều phiên bản của loại vũ khí này đã được Nga đưa vào tác chiến trong cuộc xung đột với Ukraine.
Ban đầu, khi được phóng đi từ máy bay, những tên lửa này sẽ bay lơ lửng trên một không phận nhất định. Sau đó, các tên lửa sẽ tiếp nhận thông tin về tọa độ của mục tiêu, thay đổi hướng bay nhiều lần trước khi tiến hành việc tiếp cận.
Theo chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev, tên lửa mới của Nga có khả năng tác chiến như vậy là nhờ vào sự phát triển của khoa học điện tử, cũng như hệ thống định vị và dẫn đường vệ tinh.
Ông Kornev cũng cho biết thêm, toàn bộ quỹ đạo bay của những tên lửa này đã được lập trình từ trước, và mục tiêu được chỉ thị sau khi tên lửa đã được phóng đi. Nếu tổ hợp trinh sát - tấn công bắt đầu hoạt động, khoảng thời gian tính từ lúc mục tiêu bị phát hiện cho đến khi bị tiêu diệt là rất ngắn.
Ví dụ, khi máy bay của Nga phát hiện hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ viện trợ cho Ukraine, thời gian để tấn công mục tiêu này chỉ có từ 5 đến 10 phút, trong đó tính cả thời gian truyền thông tin mục tiêu cho tên lửa đang bay ở chế độ chờ lệnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov còn tiết lộ rằng, khi nâng cấp tên lửa hành trình tầm trung và tầm xa Kh-555, Kh-BD, Nga đã cài đặt thêm nhiều chế độ khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến. Cụ thể, khi đặt ở chế độ "thay đổi nhiệm vụ tấn công" (trong lúc tên lửa còn đang bay), mục tiêu đó có thể đã bị tiêu diệt bởi phương tiện hỏa lực khác.
Nếu ở chế độ "tấn công theo nhóm", các tên lửa có thể đồng loạt tấn công từ nhiều hướng khác nhau, khi nhắm vào các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt. Một tên lửa có nhiệm vụ thu hút sự chú ý của đối phương, trong khi các tên lửa còn lại thực hiện nhiệm vụ tấn công.
Cuối cùng, tên lửa có thể được cài đặt trong chế độ "bay lơ lửng" để chờ thời cơ tấn công. Tất cả những tính năng trên đều đã được thử nghiệm ở Ukraine.
Truyền thông địa phương từng đưa tin, một tên lửa của Nga đã bay nhiều vòng rồi vụt đi. Thời điểm tên lửa này bay vòng tròn chính là lúc hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ cung cấp cho Ukraine lóe sáng, và cũng là khoảng thời gian tên lửa siêu thanh của Nga bay tới.
Theo chuyên gia Leonkov, những tính năng mới trong tên lửa của Nga sẽ có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai, bởi đối phương sở hữu hệ thống phòng không tích hợp, nghĩa là chia đều mục tiêu cho từng hệ thống hỏa lực, và hệ thống vũ khí cũng có thể bố trí ở những nơi bất ngờ nhất.
Để kích hoạt hệ thống vũ khí đó, tên lửa của Nga phải được khởi động ở chế độ cho phép cơ động linh hoạt thực hiện mọi quyết định.