Nhỏ Bình thường Lớn

Nga-Ukraine căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng: Lợi cả đôi đường

Trong lúc căng thẳng Nga-Ukraine đang ở khúc cao trào, việc Thổ Nhĩ Kỳ bất chợt tuyên bố ủng hộ Ukraine rõ ràng không phải là chuyện ngẫu nhiên. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Giữa lúc căng thẳng Nga-Ukraine đang ngày một nóng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến làm khách tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tuần qua và gặp Tổng thống chủ nhà Recep Tayyip Erdogan nhân 10 năm quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Trong họp báo ngày 10/4, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận “việc sát nhập Crimea (vào Nga)”, ủng hộ Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và “Nền tảng Crimea”, dự án nhằm thu hồi bán đảo của Ukraine.

Nhà lãnh đạo này nhận định việc tuân thủ các Thỏa thuận Minsk sẽ giảm căng thẳng ở Đông Ukraine, mong rằng quá trình này sẽ được thúc đẩy và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng góp sức vì một Biển Đen “hòa bình, yên tĩnh và ổn định”.

Còn ông Zelensky nhận định sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với công cuộc khôi phục chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là vô cùng quan trọng. Đâu là nguyên do cho chuyện này?

(04.13) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung cuối tuần qua tại Istanbul. (Nguồn: Phủ Tổng thống Ukraine)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung cuối tuần qua tại Istanbul. (Nguồn: Phủ Tổng thống Ukraine)
Quan hệ Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ: Ai đang cần ai?

Quan hệ Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ: Ai đang cần ai?

Khẳng định vị thế

Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện dụng ý loại bỏ mối đe dọa từ Nga ở Crimea, khẳng định vị thế tại khu vực, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh.

Về mặt lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ đặc biệt với Crimea, nhất là với người Tatars tại đây, một nhóm thiểu số nói tiếng Thổ chiếm 13% dân số trên bán đảo này. Từ thế kỷ XV-XVIII, Crimea là một nhà nước vệ tinh của Đế chế Ottoman và Chiến tranh Crimea có thể được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế này.

Tuy nhiên, người Tatars ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi bán đảo này là một phần của “thế giới Thổ”. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có ảnh hưởng lớn hơn đây, một khu vực có ý nghĩa về mặt lịch sử và chính trị là có thể hiểu được.

Quan trọng hơn, sau khi sát nhập Crimea năm 2014, Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tại đây, đồng thời xây dựng lực lượng hải quân gồm tàu ngầm và tàu trang bị tên lửa hành trình Kalibr có khả năng đánh chặn ở khoảng cách 2.400 km, đặt thủ đô Istanbul trong tầm ngắm.

Phát biểu năm 2016, khi quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nguội lạnh, ông Erdogan đã tuyên bố Biển Đen đang “trở thành cái hố của Nga” và nếu không hành động, “lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta”.

Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ coi Ukraine là vùng đệm quan trọng chống lại ảnh hưởng của Nga và ủng hộ nhiệt thành nỗ lực giúp Kiev gia nhập NATO.

Đồng thời, Kiev và Ankara đẩy mạnh hợp tác quốc phòng. Năm 2018, trong khuôn khổ thỏa thuận quốc phòng trị giá 69 triệu USD, Ukraine mua 6 máy bay không người lái Bayraktar TB2 và 200 tên lửa chính xác cao từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái, Kiev chốt mua 4 tàu hộ tống lớp MILGEM Ada của Ankara, tàu chiến nhỏ có khả năng cơ động cao.

Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong sản xuất các động cơ diesel cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và xe tăng chiến đấu chủ lực.

Phát biểu năm 2016, khi quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nguội lạnh, ông Erdogan đã tuyên bố Biển Đen đang “trở thành cái hố của Nga” và nếu không hành động, “lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta”.

Các hợp đồng mua vũ khí này không chỉ giúp Ukraine củng cố lực lượng trước Nga, mà còn phần nào xây dựng uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ như một quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực máy bay không người lái.

Giai đoạn 2010-2019, xuất khẩu vũ khí của Ankara tăng trưởng 240%, với các thị trường lớn 5 năm qua là Pakistan, Malaysia, Oman, Qatar và Azerbaijan.

Quan trọng hơn, hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Ukraine có thể sẽ không chỉ dừng ở việc cung cấp vũ khí.

Theo ông Bilgehan Ozturk, nhà phân tích của Quỹ SETA - tổ chức tư vấn thân cận với chính quyền Tổng thống Erdogan có trụ sở tại Ankara, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều các cố vấn kỹ thuật và kỹ thuật viên đến Ukraine như ở Azerbaijan nhằm tư vấn về mặt chiến thuật và cách sử dụng hiệu quả các máy bay chiến đấu không người lái do nước này sản xuất.

Nếu thành sự thật, kịch bản này có thể khiến đối đầu Nga-Ukraine phức tạp hơn nhiều.

Duy trì quan hệ, tìm kiếm lợi ích

Tuy nhiên, tăng cường quan hệ với Ukraine song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ tốt với Nga.

Bởi lẽ, Nga vẫn là một trong những đối tác quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2019, Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow bất chấp đe dọa từ Washington, đồng minh trong NATO.

Hai nước duy trì hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, từ Syria tới Venezuela.

Về kinh tế, Nga là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2020, Nga hoàn thành dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép Moscow vận chuyển khí đốt tới Nam Âu qua Ankara mà không cần qua Ukraine. Vận chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phần nào giúp ích cho tham vọng của Ankara để trở thành trung tâm năng lượng khu vực.

Đồng thời, Moscow tích cực tham gia vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

(04.13) Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara sẽ không vì Kiev mà từ bỏ mối quan hệ này - Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara sẽ không vì Kiev mà từ bỏ mối quan hệ này. (Nguồn: Reuters)

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn làm tổn hại quan hệ với Nga. Trước khi ông Zelensky đặt chân tới Ankara, ông Erdogan đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về căng thẳng biên giới Nga-Ukraine, trong đó có sự kiện Mỹ đưa tàu chiến tới Biển Đen.

Điều này ít nhiều giải thích tại sao ông Erdogan lại khẳng định hợp tác quốc phòng với Ukraine không nhắm vào bên thứ ba nào.

Cuối cùng, thông qua việc đẩy mạnh quan hệ với Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ có thể giành thêm được sự tin tưởng từ phía Liên minh châu Âu (EU). Thượng đỉnh giữa Tổng thống Erdogan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuần qua đã cho thấy sự bế tắc trong tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau khi kết thúc, bà Leyen đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu, nhấn mạnh vấn đề nhân quyền cần được giải quyết sớm nếu như nước này muốn làm thành viên EU.

Nếu như chuyện gia nhập EU đau đầu với Ankara bao nhiêu thì căng thẳng Nga-Ukraine cũng nan giải với Brussels bấy nhiêu.

Do đó, với việc ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã thể hiện rằng Thổ Nhĩ Kỳ và EU có cùng quan điểm về căng thẳng Nga-Ukraine, khiến Thổ Nhĩ Kỳ ít nhiều ghi điểm trong mắt các lãnh đạo EU.

Tuyên bố khéo léo về Ukraine, vì thế là nước cờ hay của Ankara nhằm gia tăng lợi ích trong quan hệ với Kiev, Brussels mà không tổn hại quan hệ với Moscow. Lợi cả đôi đường là vậy.

TIN LIÊN QUAN
Nga: Nguy cơ 'chiến' rất lớn, Mỹ hãy tránh xa Nga và bán đảo Crimea
Tự nhận là 'tuyến phòng thủ chống Nga' của phương Tây, Ukraine mời gọi Mỹ mang tên lửa Patriot đến 'nhà'
Quan hệ Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ: Ai đang cần ai?
Gốc rễ căng thẳng Nga-Ukraine và câu chuyện 'ăn miếng trả miếng'
Estonia đề cập tình hình Ukraine kèm hiệp ước biên giới Nga-Estonia trong điện đàm 2 ngoại trưởng, Nga đáp trả ẩn ý