📞

Nga – Ukraine hậu Thể thức Normandy: 4 tháng, 5 phút, khí đốt và Crimea

21:00 | 10/12/2019
TGVN. Thể thức Normandy tại Paris đã kết thúc, song dư âm sẽ tiếp tục đọng lại và tác động tới miền Đông Ukraine nói riêng và quan hệ Nga – Ukraine nói chung. Phân tích của Thế giới & Việt Nam.
Lãnh đạo bốn nước tham dự Thể thức Normandy tại buổi họp báo chung cuối sự kiện. (Nguồn: Reuters)

Sáng sớm ngày 10/12 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kết thúc Thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ Normandy tại Paris (Pháp). Ngay sau khi kết thúc sự kiện tại Điện Elysee, lãnh đạo 4 nước này đã họp báo chung để thông báo vắn tắt về nội dung và kết quả, cũng như quan điểm về giải quyết khủng hoảng ở Đông Ukraine.

Tổng thống chủ nhà Emmanuel Macron khẳng định Thể thức Normandy lần này đã đạt nhiều kết quả và cho biết, Hội nghị tiếp theo sẽ được tổ chức sau 4 tháng nữa. Thủ tướng Đức Angela Merkel tin rằng sự kiện đã giúp các bên vượt qua “giai đoạn ru ngủ” trong giải quyết khủng hoảng, khi nhất trí thực thi tổng thể giải pháp trong thỏa thuận Minsk, bao gồm tiến hành bầu cử địa phương.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky cảm ơn người đồng cấp Pháp với sáng kiến tổ chức Thể thức Normandy tại Paris, nhấn mạnh giải pháp tổng thể nhằm giải quyết tình hình tại Donbass không thể thiếu việc đảm bảo an ninh. Ông khẳng định sẽ không nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ hay liên bang hóa đất nước; Kiev và Moscow đã thống nhất triển khai trao trả tù nhân ngày 24/12 tới. Song nhà lãnh đạo này cũng “tiếc” khi chưa thể giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng.

Cuối cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ nỗ lực đóng góp vào tiến trình giải quyết khủng hoảng ở Đông Ukraine, tiến hành trao đổi tù nhân, rút quân khỏi 3 điểm nóng ở khu vực giới tuyến theo thỏa thuận Minsk II đã ký kết tháng 2/2015.

Phát ngôn của người trong cuộc đã phác họa viễn cảnh tương đối “sáng” về miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, tại các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn, Tuyên bố chung hay phát biểu tại họp báo đôi lúc chỉ mang tính ngoại giao, giảm nhẹ né tránh bất đồng, xung đột nhạy cảm giữa các bên và không phản ánh thực chất những gì diễn ra trước, trong và sau sự kiện đó. Liệu Thể thức Normandy lần này có phải là một sự kiện như vậy?

4 tháng và 5 phút

Có một vài điểm đặc biệt về Thể thức Normandy lần này.

Thứ nhất, các bên không đưa ra Tuyên bố chung như thường thấy tại các sự kiện, diễn đàn quốc tế lớn. Điều này có thể được lý giải khi Thể thức Normandy là diễn đàn nhỏ với 4 nước tham dự; các lần trước cũng kết thúc mà không có Tuyên bố chung. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp có đề cập việc tổ chức Thể thức Normandy sau 4 tháng nữa. Như vậy, 120 ngày này sẽ là thời gian để các bên trong thỏa thuận Minsk II, Ukraine và Nga, triển khai cam kết đã thống nhất tại Paris. Quãng thời gian này là ngắn so với khoảng thời gian 8 tháng tới 1 năm giữa các lần Thể thức Normandy liên tiếp (7/2014 – 2/2015 – 10/2015 – 10/2016). Như vậy, không loại trừ khả năng Nga và Ukraine vẫn bất đồng, và 4 tháng là thời gian để họ giải quyết trước khi gặp trở lại.

Thứ hai, cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không “kịch tính” như cách nhiều người mong muốn. Theo đó, các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp đã có 2 cuộc làm việc tại Điện Elysee, bao gồm cuộc họp kéo dài 2 tiếng 20 phút và “bữa tối làm việc”; hội đàm song phương Nga – Ukraine “lọt thỏm” trong khung thời gian này và chỉ kéo dài trong 5 – 10 phút.

Có hai cách lý giải cho sự ngắn ngủi này: Trước đó, quan chức Nga và Ukraine có thể đã đàm phán kín và đạt thỏa thuận cần thiết – cuộc gặp cấp lãnh đạo chỉ mang tính hình thức, xây dựng quan hệ làm tiền đề cho hợp tác về sau. Đây là điều thường thấy trong công tác ngoại giao, khi lãnh đạo cấp cao gặp gỡ nhằm thể hiện nhất trí về mặt nguyên tắc, xây dựng quan hệ cá nhân; chi tiết về thỏa thuận sẽ được đàm phán kỹ hơn bởi các đoàn làm việc.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng khi tiếp xúc, hai bên đã đạt thỏa thuận do bất đồng còn tồn tại và phải ngưng hội đàm. Trên thực tế, quan điểm giữa Nga và Ukraine trong nhiều vấn đề, từ Donbass tới Crimea, vẫn ở thế đối đầu và điểm chung hiếm hoi chưa thể dung hòa khác biệt này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm ngắn ngủi tại Thể thức Normandy năm nay. (Nguồn: EPA)

Crimea hay chuyện về khí đốt

Thứ ba, vấn đề chủ quyền Crimea không được đề cập trong tuyên bố của 4 nhà lãnh đạo và trong suốt quá trình diễn ra Thể thức Normandy. Chỉ duy nhất khi kết thúc sự kiện, Tổng thống Ukraine Zelensky đã khẳng định sẽ không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ cũng như việc liên bang hóa đất nước. Tuyên bố này không chỉ nói về Donbass, mà ẩn ý về Crimea. Như vậy, dường như Crimea là vấn đề đã được nhất trí không đề cập trong phát biểu trước báo giới, tránh khơi ra những khác biệt còn tồn tại.

Thứ tư, trong lúc diễn ra Thể thức Normandy, ngày 9/12, báo Thương gia (Nga) dẫn nguồn quan chức Nga giấu tên chuyên trách về Ukraine cho biết Moscow muốn phát triển quan hệ với Kiev theo mô hình Gruzia. Khi ấy, xung đột sẽ không được giải quyết triệt để (như Abkhazia và Nam Ossetia), song quan hệ song phương vẫn được bảo đảm; Nga và Ukraine sẽ hợp tác về kinh tế và giải quyết các vấn đề mới nổi theo định dạng đặc biệt.

Thật vậy, bất chấp những bất đồng chính trị, ông Putin và ông Zelensky có thể đã thảo luận về vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine tới EU sau ngày 1/1/2020. Trước đó, ông Zelensky từng khẳng định thỏa thuận này là một ưu tiên đối với Ukraine và đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu. Về phần mình, trong cuộc họp báo chung trước khi Thể thức Normandy ở Paris, ông Putin cũng đã ẩn ý rằng Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Ukraine với giá rẻ hơn 25% so với hiện nay một khi quan hệ hai nước tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp.

Như vậy, có thể thấy quan hệ Nga – Ukraine hậu thể thức Normandy chia làm 2 hướng. Một mặt, hai bên đã đạt được một số tiến triển nhất định như thống nhất một số nguyên tắc về giải quyết chiến sự miền Đông Ukraine, tiến hành trao đổi tù nhân và nối lại hợp tác kinh tế trong lĩnh vực khí đốt. Mặt khác, giữa Moscow và Kiev vẫn tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt xung quanh việc triển khai thỏa thuận ngừng bắn Minsk II, tổ chức bầu cử tại vùng Donbass và Crimea. Xét về tổng thể, quan hệ Nga – Ukraine hậu Thể thức Normandy đã có tiến triển, song là chưa nhiều và khó duy trì trong dài hạn. Vì thế, giấc mơ hòa bình tại Donbass hay nỗi ước vọng của cộng đồng quốc tế về một Đông Ukraine vắng tiếng súng sẽ phải chờ tới Thể thức Normandy 4 tháng tới.