📞

Nga - Ukraine trước thềm Thể thức Normandy: Thoát “bĩ” khó khả dĩ

14:24 | 04/12/2019
TGVN. Lần này, liệu Nga, Ukraine, Đức và Pháp có thể nhất trí nguyên tắc về chấm dứt chiến sự tại miền Đông Ukraine, hay lại lạc vào lối mòn 3 năm trước? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc phỏng vấn với tờ Time ngày 30/11. (Nguồn: Time)

Ngày 9/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ hội ngộ tại Paris (Pháp) theo Thể thức Normandy để tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến sự miền Đông Ukraine.

Song chiến sự miền Đông Ukraine là vô cùng phức tạp, khi đã kéo dài hơn 5 năm và khiến hơn 13.000 người thiệt mạng. Nỗ lực của các bên liên quan, từ thỏa thuận ngừng bắn Minsk I (2014) và Minsk II (2015), tới 5 lần gặp gỡ trước của Thể thức Normandy đều không cải thiện tình hình. Gần đây, quan hệ Nga - Ukraine có cải thiện nhưng nhất trí ngừng bắn và chấm dứt xung đột trong 48 giờ là không tưởng. Khi ấy, Thể thức Normandy hướng tới tìm kiếm đồng thuận song phương về chủ trương chấm dứt xung đột, song điều tưởng không khó này, trên thực tế lại khó không tưởng bởi 3 lý do sau.

Thứ nhất, Thể thức Normandy vắng sự hiện diện của Mỹ. Cơ chế này được thiết lập năm 2014, khi lãnh đạo 4 nước gặp tại kỷ niệm 70 năm Ngày Đổ bộ (D-Day) của quân Đồng minh vào bờ biển Normandy trong Thế chiến II. Tuy nhiên, họ lại “quên” rằng tại chiến dịch đổ bộ năm nào, Mỹ đã đóng vai trò trung tâm, từ khâu lên kế hoạch, điều động và triển khai chiến dịch. Tổng Tư lệnh Đồng minh, Tướng Dwight D. Eisenhower sau đó đã trở thành Tổng thống Mỹ.

Vận đổi, sao dời, song ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu còn đó: Chẳng khó để thấy vai trò của Washington trong chính sách của Kiev qua cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zahorodniuk, vụ việc không tác động nhiều tới quan hệ Mỹ - Ukraine và dòng tiền từ Washington sẽ tiếp tục đổ về Kiev cho đến khi xung đột tại Đông Ukraine chấm dứt. Trong cuộc phỏng vấn với Time ngày 30/11, chính ông Zelensky cũng thừa nhận rằng thiếu vắng sự giúp đỡ của Mỹ, giành lại lãnh thổ từ Nga là bất khả thi.

Duy trì lập trường cứng rắn với Nga là điều Quốc hội song phương đã nhất trí và sẽ không đổi thời gian tới. Khi ấy, dù ông Zelensky và ông Putin có đồng thuận về chấm dứt chiến sự tại Donbass, Kiev vẫn gặp khó với Quốc hội và Washington.

Thứ hai, bất chấp tiến triển trong thời gian gần đây, quan hệ Nga - Ukraine vẫn căng thẳng. Lần đầu tiên kể từ năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận sẽ tham dự Thể thức Normandy. Ngày 18/11, Nga đã trao trả 3 tàu Ukraine cùng thủy thủ đoàn bắt giữ gần bán đảo Crimea, Biển Đen một năm trước. Tuy nhiên, đấu khẩu tái diễn khi Kiev tố Moscow gỡ vũ khí và trang thiết bị các tàu này. Thiếu vắng sự tin tưởng nên dù ông Zelensky đánh giá ba cuộc điện đàm trước đó với ông Putin là “hiệu quả”, song ông cho rằng “chính trị chẳng phải khoa học chính xác” và không kỳ vọng quá nhiều vào gặp gỡ lần này, đặc biệt là chấm dứt xung đột hay chủ quyền Crimea. Khi ấy, Ukraine ưu tiên thỏa thuận để tiến hành trao trả tù binh trong khung thời gian cụ thể.

Cuối cùng, sự thận trọng của ông Zelensky có cơ sở bởi ngoài 2 nhân tố trên, vai trò trung gian hòa giải của Pháp và Đức là chưa rõ ràng. Gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Angela Merkel đã tích cực hóa giải căng thẳng Nga - Ukraine. Tuy nhiên, Pháp và Đức vẫn là thành viên NATO và từng phê chuẩn trừng phạt Nga vì tham chiến tại miền Đông Ukraine và sát nhập Crimea. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ tư cách trung gian hòa giải của họ.

Xét 3 nhân tố trên, có thể thấy xác suất thành công của Thể thức Normandy sắp tới là không nhiều. Tuy nhiên, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi từng viết: “Càn khôn bĩ rồi lại thái – Nhật nguyệt hối rồi lại minh”. Câu nói này tổng kết quy luật vận động của lịch sử, rằng thịnh, suy là điều tất yếu. Quan hệ Nga - Ukraine có thể đã qua thời “bĩ”, song liệu cuộc gặp Thể thức Normandy liệu đã là bước mở đầu cho đoạn “thái” hay không, chưa ai khẳng định được.