Vua Charles III sẽ chính thức đăng quang vào ngày 6/5 tại London, Anh. (Nguồn: New York Times) |
Bảo vật hàng thế kỷ
Một nét dễ thấy trong Lễ đăng quang của Vua Charles III là sự xuất hiện của những bảo vật có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.
Trong số đó, trước hết là những chiếc xe ngựa lịch sử sẽ đưa các thành viên Hoàng gia Anh qua trung tâm của London. Trong Lễ đăng quang này, Vua Charles III và phu nhân Camilla, người sẽ được sắc phong hoàng hậu, được cho là sẽ mang đến sự thay đổi khi di chuyển từ Điện Buckingham tới Tu viện Westminster trên chiếc xe ngựa Diamond Jubilee hiện đại, vốn được thiết kế và sử dụng trong lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II.
Sau đó, họ sẽ trở về từ Tu viện trong Lễ đăng quang trên chiếc xe ngựa Gold State Coach có tuổi đời 260 tuổi, nặng 4 tấn và cần được kéo bởi 8 con ngựa. Phương tiện này lần đầu tiên được sử dụng bởi Vua George III để dự Lễ Khai mạc Quốc hội năm 1762 và đã xuất hiện trong mọi Lễ đăng quang kể từ thời Vua William IV vào năm 1831.
Tuy nhiên, với tuổi đời như vậy, chiếc xe này chỉ có thể di chuyển với tốc độ tương đương với đi bộ. Dù vậy, khoảng cách di chuyển trong Lễ đăng quang của Vua Charles III là không dài và chỉ bằng 1/3 so với chặng đường 7,2 km của Mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II năm 1953, với sự tham dự và theo dõi của hàng triệu người dân Anh trên khắp đường phố London, cùng 4.000 binh sĩ tham gia việc chuẩn bị và bảo đảm an ninh.
Chiếc xe ngựa Gold State Coach với nhiều họa tiết bằng vàng sẽ xuất hiện trong Lễ đăng quang của Vua Charles III. (Nguồn: Alamy) |
Bên cạnh đó, chắc chắn không thể thiếu sự hiện diện của chiếc ngai vàng đã tồn tại hơn 7 thập kỷ. Ngồi trên chiếc ghế này, bên cạnh những quả cầu, quyền trượng đá quý cùng kiếm và nhẫn, Vua Charles III sẽ tiếp nhận Vương miện St. Edwards có tuổi đời 360 năm từ Tổng Giám mục Canterbury. Nặng 2,2kg, chiếc Vương miện này thay thế cho phiên bản gốc có niên đại từ thế kỷ thứ 11.
Giáo sư Kate Williams, sử gia chuyên nghiên cứu về Hoàng gia Anh cho biết: “Đây có lẽ là cách đặc biệt nhất để bạn ‘ký hợp đồng làm việc’ của đời mình… Khoảnh khắc trọng đại mà mọi người sẽ nói đến nhiều nhất, xuất hiện trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội thường xuyên hơn cả, là khi vương miện được đặt ở trên đầu của nhà Vua".
Nghi lễ có một không hai
Trong Lễ đăng quang, Vua Charles cũng sẽ được xức dầu thánh, làm từ quả Olive ở Núi Olive (Hy Lạp) và ban phước ở Jerusalem.
Bắt nguồn từ Cựu ước của Kinh Thánh, mô tả việc Linh mục Zadok và Nhà tiên tri Nathan đã xức dầu cho Vua Solomon trong Lễ đăng quang, truyền thống này đã được duy trì từ đó đến nay để nhấn mạnh vị trí tâm linh của các quốc vương. Dầu thánh sẽ được đựng trong bình Ampulla được làm từ vàng và đúc theo hình một con đại bàng xòe rộng cánh. Lần đầu được dùng trong lễ đăng quang của Vua Charles II năm 1661, chiếc bình này được Thợ kim hoàn Robert Vyner đúc dựa trên một truyền thuyết từ thế kỷ XIV.
Ông Charles Farris, sử gia thuộc Cung điện Hoàng gia Lịch sử (Anh) cho biết: “Đây được cho là phần thiêng liêng nhất của buổi lễ. Đó là một nghi lễ cổ xưa và mang tính biểu tượng… Về mặt lịch sử, nó giống như việc xức dầu cho các linh mục và giám mục… Đó là cách nhà thờ củng cố mối quan hệ của họ với vị vua mới, đồng thời đánh dấu vị thế đặc biệt của bậc quân vương này trước tất cả những người có mặt tại buổi lễ."
Về phần âm thanh, Lễ đăng quang sẽ giới thiệu 12 tác phẩm mới nhất do đích thân Vua Charles III đặt hàng hoặc lựa chọn, bao gồm một bài ca đăng quang mới của Andrew Lloyd Webber, tác gia người Anh nổi tiếng với các vở nhạc kịch như Bóng ma trong Nhà hát (1986), Đại lộ Hoàng Hôn (1993) hay Cinderella (2021).
Bên cạnh đó, kèn và các lễ nhạc truyền thống trong các lễ đăng quang trước sẽ tiếp tục xuất hiện lần này. Trong số đó, nổi bật hơn cả có lẽ là bản “Linh mục Zadok” của nhà soạn nhạc Frideric Handel. Lần đầu tiên xuất hiện trong Lễ đăng quang của Vua George II năm 1727, bài hát này đã trở nên phổ biến với công chúng Anh. Nhiều người hâm mộ môn thể thao vua hẳn sẽ nhận ra đây chính là giai điệu quen thuộc được sử dụng trong các trận đấu của Giải Bóng đá Vô địch các Câu lạc bộ châu Âu (UEFA Champions League).
Dự kiến, hàng triệu người sẽ có mặt tại London để theo dõi Lễ đăng quang của Vua Charles III. (Nguồn: Shutterstock) |
Sau khi quay trở lại Điện Buckingham, sự kiện quan trọng cuối cùng, cho dù đó là đám cưới, lễ kỷ niệm hay các sự kiện lớn khác của Hoàng gia Anh – là sự xuất hiện của các thành viên Hoàng gia quan trọng trên ban công của tòa nhà này.
Các máy bay chiến đấu của quân đội Anh, bao gồm đội biểu diễn Red Arrows của Không quân Hoàng gia Anh và các máy bay chiến đấu từ Thế chiến II, cũng sẽ xuất hiện.
Mặc dù nhà vua và hoàng hậu mới đăng quang sẽ là trung tâm của Lễ đăng quang, song không ít người quan tâm tới việc liệu Hoàng tử Harry có xuất hiện hay không, trong bối cảnh quan hệ giữa nhân vật này với phần còn lại của Hoàng gia Anh có nhiều trắc trở.
Mọi người cũng sẽ theo dõi Hoàng tử Louis, con út của Hoàng tử William. Cậu bé đã thu hút sự chú ý với biểu hiện vừa khó chịu, vừa dễ thương trước các loạt máy bay diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Sự xuất hiện của hai nhân vật này chắc chắc cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua trong Lễ đăng quang ngày 6/5 tới của Vua Charles III.