📞

Ngoại giao đẳng cấp và sự “gia cố” liên minh

08:40 | 17/02/2017
Đằng sau cái bắt tay dài 19 giây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cuối tuần qua không chỉ là tài ngoại giao của các nhà lãnh đạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đằng sau cái bắt tay dài 19 giây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cuối tuần qua không chỉ là tài ngoại giao của các nhà lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới mà còn cho thấy một điều: Liên minh Mỹ-Nhật "không gì phá vỡ nổi"!

Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng làm cho các đồng minh lâu đời của Mỹ trong NATO, Nhật Bản và Hàn Quốc... "thất kinh" khi thẳng thừng yêu cầu các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng tài chính, quân sự nhiều hơn để bảo vệ an ninh cho chính mình. Lập luận của ông Trump khá đơn giản và cũng rất thuyết phục người đóng thuế Mỹ: các đồng minh của Mỹ giờ giàu có ngang ngửa Mỹ. Nếu họ muốn đảm bảo an ninh thì phải san sẻ bớt gánh nặng cho Mỹ. Nhật Bản là một trong những đối tượng được ông Trump "ưu ái" nhắc đến nhiều nhất. Điều này đã tạo ra tâm lý cực kì bất an trong giới lãnh đạo Nhật Bản – những người không bao giờ quên bài học quá khứ cách đây chưa lâu, khi Nhật phải cùng lúc đối mặt với ba cú sốc (Nixon Shock) do Chính quyền Nixon tạo ra, còn Nhật thì bị động đối phó.

(Nguồn: dnaindia.com)

Tuy là một cường quốc kinh tế, nhưng do không có vũ khí hạt nhân răn đe hiệu quả, lại ở bên cạnh hai cường quốc quân sự Trung, Nga với mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, rồi bên cạnh là “thùng thuốc súng” Triều Tiên..., Nhật thấy được cái giá phải trả sẽ rất đắt khi liên minh quân sự Mỹ-Nhật và ô an ninh của Mỹ rạn nứt.

Bởi vậy, chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, Thủ tướng Abe đã liên tục "xách ca táp" đi Mỹ chỉ để khẳng định Nhật là đồng minh tin cậy nhất của Mỹ và liên minh Mỹ - Nhật có lợi cho cả Mỹ chứ không chỉ có Nhật.

Đầu tiên là chuyến đi Mỹ gặp ông Trump tại Trump Tower ngày 17/11/2016 - chưa đầy 10 ngày sau khi ông Trump thắng cử để xây dựng quan hệ cá nhân ban đầu. Với cuộc gặp này, ông Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp tân Tổng thống đắc cử ngay sau cuộc bầu cử ngày 8/12/2016. Đó là chưa kể trước đó ông Abe cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện thoại chúc mừng ông Trump ngay sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống.

Tiếp đó là chuyến thăm thứ 2 của Abe đến Hawaii gặp Tổng thống Obama ngày 28/12/2016 và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật đặt vòng hoa tưởng nhớ binh lính và người dân Mỹ đã thiệt mạng nhân kỷ niệm 75 năm trận chiến Trân Châu Cảng.

Và trong chuyến thăm Mỹ thứ 3 cách chuyến thứ nhất chưa đầy ba tháng từ 10-12/2, ông Abe đã có được những thứ mình muốn, những thứ mà lãnh đạo và người dân Nhật Bản muốn nghe từ chính ông Trump: "Liên minh Mỹ-Nhật không gì phá vỡ nổi", "Tôi sẽ thông báo cho ông biết nếu có sự thay đổi trong liên minh Mỹ-Nhật, nhưng tôi không nghĩ sẽ có thay đổi".

Để xây dựng mối quan hệ mới với Tổng thống và nội các của ông Trump - người vẫn đang thích nghi trong vai trò mới và trong khi vẫn đang có những đánh giá khác nhau về các tuyên bố, chính sách của Tổng thống mới và để ông Trump có nhiều phát ngôn có lợi cho Nhật như vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn cho thấy sự khác biệt và đẳng cấp của ngoại giao Nhật Bản.

Không chỉ nhấn mạnh đến các lợi ích song trùng giữa hai quốc gia, các nhà ngoại giao Nhật Bản còn biết sở thích đánh golf của ông Trump để thu xếp cuộc đánh golf giữa hai nguyên thủ mà tại đó không chỉ các vấn đề quan trọng được bàn thảo, mà quan hệ cá nhân cũng được củng cố. Đáng chú ý, golf không phải là sở trường của ông Abe.

Trước đây, vào tháng 6/2006, các nhà ngoại giao Nhật đã bố trí để Thủ tướng Nhật khi đó là Junichiro Koizumi cùng Tổng thống George Bush - hai "fan ruột" của Elvis Presley, đi thăm Graceland ở Memphis, Tennessee, quê hương của Ông hoàng nhạc Rock "n" Roll, và tại đó ông Koizumi đã nhảy theo kiểu Elvis Presley và hát bản nhạc nổi tiếng "Love Me Tender" của Ông hoàng… Việc này một lần nữa cho thấy các nhà ngoại giao Nhật "làm bài tập" rất giỏi khi tìm hiểu kỹ sở trường của đối tác.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Ngoại giao