📞

Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Quang Trang 19:00 | 09/04/2022
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, vốn đang gánh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ trước đó, nhiều khả năng rơi vào khủng hoảng.
Cánh đồng lúa mì ở Tbilisskaya, Nga. (Nguồn: AP)

Xung đột Nga-Ukraine hiện vẫn là tâm điểm chú ý, khiến thế giới trải qua những cơn “sốc” trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, kinh tế, thể thao... cho đến năng lượng.

Các nhà kinh tế, tổ chức viện trợ và các chính phủ cảnh báo rằng, thế giới sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới: thiếu lương thực.

Nỗi lo chung

Hệ thống an ninh lương thực, đặc biệt là thị trường nông sản thế giới đã có những biến động lớn và để lại nhiều hậu quả khôn lường không chỉ về kinh tế, chính trị mà còn về thương mại và chất lượng cuộc sống của người dân tại nhiều nơi trên thế giới.

Ngày 28/3, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo, xung đột ở Ukraine không những tạo ra “thảm họa chồng thảm họa” mà còn có tác động toàn cầu, vượt ra khỏi những gì mà nhân loại chứng kiến kể từ Thế chiến II.

Theo ông Beasley, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, WFP đã nỗ lực để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ trên khắp thế giới. Thế nhưng, cơ quan này bắt đầu phải cắt giảm khẩu phần của họ, bởi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng cao.

Giám đốc WFP cho biết tổ chức này buộc phải cắt giảm 50% khẩu phần của khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng cuộc chiến tại Yemen. Ngoài ra, WFP đang hỗ trợ lương thực cho khoảng 1 triệu người ở Ukraine, con số này sẽ là 2,5 triệu trong vòng bốn tuần tới, 4 triệu vào cuối tháng Năm và 6 triệu vào cuối tháng Sáu.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina cũng cảnh báo, an ninh lương thực của châu lục này sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cuộc khủng hoảng do nhập khẩu lúa mì chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại 4 tỷ USD của châu Phi với Nga.

Giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số tiêu chuẩn của Liên hợp quốc đã tăng hơn 40% trong hai năm. Năm vừa qua, giá lúa mì tăng 69%. Giá ngô và lúa mạch tăng lần lượt 36% và 82%. Một số quốc gia còn thực hiện bảo vệ nguồn cung lượng thực của chính họ, làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng đói toàn diện.

Những tháng tới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) ước tính giá lương thực có thể tăng tới 20%, mức tăng đột biến có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Tầm quan trọng của Ukraine và Nga

Khủng hoảng nổ ra ở một trong những “giỏ bánh mì” lớn nhất thế giới, cộng thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga khiến cho chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn.

Nga và Ukraine là hai nước sản xuất các mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất trên thế giới. Cả hai quốc gia đều xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp và đều là những nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường toàn cầu về thực phẩm và phân bón, thứ mà chỉ ít các quốc gia có thể làm được.

Vai trò quan trọng mà Nga và Ukraine đóng góp trong nông nghiệp toàn cầu càng rõ ràng hơn từ góc độ thương mại quốc tế.

Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón nitơ và là nhà cung cấp thứ hai về cả phân bón potassic và phốt pho.

Các nước phụ thuộc vào nguồn cung lúa mỳ của Nga và Ukraine sẽ chịu tác động nghiêm trọng bởi sự gián đoạn nguồn cung. Hiện tại, Nga xuất khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới, còn Ukraine đứng thứ 5.

Cả hai nước xuất khẩu 19% nguồn cung lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô của thế giới, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới.

Đặc biệt, nhiều quốc gia phụ thuộc phần lớn vào thực phẩm và phân bón nhập khẩu rơi vào nhóm các quốc gia kém phát triển nhất và quốc gia có thu nhập thấp, vẫn đang dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm của Ukraine và Nga để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của họ. Nhiều nước trong số này đã phải vật lộn với những tác động tiêu cực của giá thực phẩm và phân bón quốc tế cao ngay từ trước cuộc xung đột.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Washington đang lo ngại về tình hình an ninh lương thực ở các quốc gia như Lebanon, Pakistan, Libya, Tunisia, Yemen và Morocco, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực từ Ukraine.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 283 triệu người ở 81 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc có nguy cơ cao, với 45 triệu người trên bờ vực của nạn đói.

Những vấn đề hiện nay

Gián đoạn sản xuất

Người nông dân Ukraine sẵn sàng trồng trọt bất cứ khi nào, nhưng giao tranh đang diễn ra có thể khiến họ không trồng hoặc thu hoạch được những loại cây trồng đã gieo.

Ở Ukraine, xung đột dẫn đến việc đóng cửa cảng, đình chỉ hoạt động nghiền hạt có dầu và đưa ra các yêu cầu cấp phép xuất khẩu cho một số loại cây trồng. Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật của nước này trong những tháng tới.

Nguồn cung nông nghiệp quan trọng từ khu vực Biển Đen đến các thị trường trên thế giới cũng trì trệ. Từ lúa mì, dầu thực vật đến phân bón, tất cả đều bị gián đoạn do các cảng của Ukraine bị đóng cửa và tàu thuyền không thể tiếp cận.

Nguồn cung phân bón bất ổn

Phân bón là yếu tố quan trọng đối với hầu hết các loại cây trồng. Giá phân bón đã tăng trên toàn thế giới trước khi chiến sự bùng nổ. Nguồn cung đứt gãy và sản xuất gặp khó khăn càng đẩy giá lên cao.

Nga là nhà cung cấp lớn mọi loại phân bón thiết yếu cho cây trồng. Quốc gia này đã kêu gọi các nhà sản xuất phân bón trong nước cắt giảm xuất khẩu trong tháng Ba, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vốn rất quan trọng đối với người trồng trọt.

Động thái trên của Nga gây thêm bất ổn cho thị trường toàn cầu khi nông dân Brazil, nước nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, đang gặp khó khăn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ cung cấp phân bón cho các quốc gia có “quan hệ hữu nghị”, mặc dù trước hết Nga vẫn cần đảm bảo nguồn cung cho chính thị trường nội địa.

Giá năng lượng tăng

Năng lượng và thực phẩm có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hệ lụy từ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ và phương Tây đối với Nga đã khiến giá năng lượng tại châu Âu tăng cao kỷ lục. Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Đây là nhiên liệu đầu vào chính để sản xuất phân đạm. Điều này đã buộc các cơ sở phải cắt giảm sản xuất. Giá nhiên liệu mà nông dân dùng để sưởi ấm chuồng trại và vận hành các thiết bị sản xuất thực phẩm cũng tăng chóng mặt.

Giá khí đốt tăng mạnh buộc công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê ở châu Âu xuống còn 45% công suất. Chính việc giảm bớt hai thành phần thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp này có thể sẽ tác động mạnh đến nguồn cung lương thực toàn cầu.

Theo ước tính của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế có thể tăng từ 8% đến 20% và làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu. Số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022-2023.

Xuất hiện chủ nghĩa dân tộc lương thực

Lo sợ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, nhiều quốc gia ưu tiên thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu, động thái có thể làm trầm trọng thêm mối đe dọa đối với an ninh lương thực thế giới.

Hungary, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Ai Cập đều đã áp đặt hoặc cảnh báo giới hạn đối với xuất khẩu nông sản, từ lúa mì đến dầu ăn, để giảm giá lương thực trong nước và bảo vệ nguồn cung thực phẩm nội địa.

Dòng chảy thương mại bị gián đoạn ở Biển Đen có thể sẽ gây tổn hại cho các quốc gia châu Phi và châu Á, vốn dựa vào “giỏ bánh mì” của châu Âu để nuôi sống người dân. Ví dụ, Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất với 86% nguồn cung của họ trong năm 2020 là từ Nga và Ukraine.

Hiện vẫn chưa có những đánh giá cụ thể rằng liệu tình trạng hiện nay có thể coi là một cuộc khủng hoảng lương thực ở mức toàn cầu hay không. Tuy nhiên, nếu tình hình tại Ukraine không thể hạ nhiệt trong thời gian tới, cú sốc về kinh tế này rất có thể sẽ lan nhanh chóng sang các khu vực khác trên thế giới.

(tổng hợp)