📞

Nguyên nhân nào dẫn đến căng thẳng giữa chính phủ Ethiopia và vùng Tigray?

Thiều Trâm 09:14 | 25/11/2020
TGVN. Tình hình Ethiopia đang ngày càng trở nên căng thẳng và khả năng về một cuộc nội chiến đẫm máu giữa chính phủ và vùng Tigray ngày một rõ hơn.

Ethiopia hiện đang có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu khi căng thẳng ngày càng leo thang giữa chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed ở Addis Ababa và các nhà lãnh đạo từ vùng Tigray phía bắc của đất nước này.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người từng đạt giải Nobel Hòa bình năm 2019, hiện đang điều hành một đất nước bị chia rẽ bởi xung đột. (Nguồn: AP)

Lực lượng Tigray và quân đội quốc gia đã có nhiều cuộc xung đột gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng, đáng chú ý là một vụ thảm sát dân thường. Bằng chứng của vụ thảm sát đã được Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) ghi lại và các báo cáo cho biết, hàng trăm người đã thiệt mạng cùng hàng chục nghìn người đã phải tị nạn sang nước láng giềng Sudan.

Thậm chí, ngày 22/11, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã kêu gọi lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đầu hàng một cách hòa bình trong vòng ba ngày tới.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo của TPLF Debretsion Gebremichael cho rằng ông Abiy đang cố gắng che đậy những thất bại của quân đội chính phủ trên chiến trường trước lực lượng vũ trang của người Tigray và đang cố gắng kéo dài thời gian.

Căng thẳng leo thang

TPLF - một đảng chính trị từng có ảnh hưởng lớn trên cả nước - hiện đang chiếm giữ và cai trị khu vực cao nguyên ở Tigray với dân số khoảng 5 triệu người. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người từng được trao giải Nobel Hòa bình, đã lên tiếng cáo buộc TPLF có hoạt động khủng bố và phản quốc. Trong khi đó, TPLF tuyên bố chính quyền ông Abiy Ahmed đàn áp người dân Tigray kể từ khi ông này nhậm chức vào tháng 4/2018.

Căng thẳng ngày càng leo thang khi vào đầu tháng 11, khi ông Abiy Ahmed cáo buộc phiến quân Tigray tấn công một căn cứ quân sự quốc gia và để đáp trả lại hành động này, ông đã triển khai quân đội đến khu vực đang bị phiến quân Tigray kiểm soát.

Vài ngày sau đó trong một chương trình phát sóng trên truyền hình, ông Abiy Ahmed thông báo rằng quân đội Ethiopia đã ném bom vào Tigray, phá hủy kho vũ khí gần thủ phủ Mekele của vùng này.

Lá cờ của vùng Tigray được sơn trên hàng rào tại thủ phủ Mekele. (Nguồn: AFP)

Theo Tổ chức AI, hàng trăm người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng dao và rựa ở thị trấn Mai-Kadra trong vài ngày sau đó. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ai là người phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công đẫm máu này.

"Chúng tôi xác nhận rằng một vụ thảm sát đã diễn ra và một số lượng lớn người dân đã thiệt mạng. Họ chỉ là những người lao động bình thường và hề tham gia vào cuộc tấn công quân sự đang diễn ra", ông Deprose Muchena, giám đốc Đông và Nam Phi của AI, cho biết trong một tuyên bố.

Tổ chức này hiện đang yêu cầu cả hai bên ưu tiên sự an toàn của người dân và kêu gọi chính phủ khôi phục thông tin liên lạc với khu vực Tigray, nơi đã đã bị cắt liên lạc vào đầu tháng 11.

Bên cạnh đó, vào hôm 14/11, lực lượng Tigray đã bắn tên lửa vào các mục tiêu ở Eritrea. Lãnh đạo Tigray Debretsion Gebremichael gọi đây là hành động trả đũa của phiến quân khi cáo buộc rằng Eritrea đã điều quân đội và xe tăng qua biên giới vào Tigray để hỗ trợ chính phủ Ethiopia. Tuy nhiên, Reuters đưa tin rằng ông Gebremichael đã không cung cấp bằng chứng để chứng minh cho các cáo buộc của mình.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Abiy Ahmed đã viết trên mạng xã hội hôm 16/11 rằng, chính phủ Ethiopia sẵn sàng “tiếp nhận và tái hòa nhập những người Ethiopia đang di cư sang các nước láng giềng”. Tiếp đó, ngày 17/11, ông Abiy Ahmed cho biết các lực lượng Ethiopia sẽ tiến quân với "giai đoạn cuối cùng và quan trọng" trong chiến dịch quân sự của mình.

Thủ lĩnh Mặt trận giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) tại Ethiopia Debretsion Gebremichael. (Nguồn: Getty)

Mâu thuẫn nội bộ

Cuộc xung đột trong nội bộ Ethiopia là hệ quả trực tiếp của những căng thẳng giữa chính quyền của Thủ tướng Abiy Ahmed và các nhà lãnh đạo TPLF. Sau khi nhậm chức năm 2018, ông Abiy Ahmed đã thành lập Đảng Thịnh vượng (PP) nhằm loại bỏ liên minh cầm quyền lâu đời do TPLF lãnh đạo. Từ đây, một cuộc tranh chấp chính trị đã nổi lên, khiến cho quyền lực của chính quyền của ông Ahmed suy yếu do thiếu đi sự ủng hộ của đảng phái có ảnh hưởng nhất quốc gia.

Các chuyên gia nhận định, hành động này của ông Ahmed khiến TPLF phải đứng giữa hai lựa chọn: gia nhập Đảng Thịnh vượng hoặc chấp nhận rời bỏ vũ đài chính trị. Cuối cùng, TPLF quyết định không thoả hiệp.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính quyền của ông Abiy Ahmed quyết định hoãn lại cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, các quan chức vùng Tigray lại khăng khăng phản đối động thái này và vẫn tiến hành tổ chức cuộc một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 9 ở đây, bất chấp lệnh cấm của chính phủ. Đáp lại, Thủ tướng Abiy Ahmed từ chối công nhận kết quả.

Thêm vào đó, vào tháng 10 vừa, các nhà lập pháp Ethiopia đã thông qua kế hoạch ngừng phê duyệt ngân sách liên bang cho Tigray, làm căng thẳng giữa hai bên ngày một gia tăng.

Ảnh hưởng tới an ninh khu vực

Xung đột đã khiến hàng trăm người thuộc hai phía thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải chạy qua biên giới phía Bắc Ethiopia để sang Sudan lánh nạn. Theo ông Payton Knopf, cố vấn cấp cao tại Viện Hòa bình Mỹ nhận định, với tình hình hiện tại, xung đột tại Ethiopia có thể tiếp tục gia tăng, dẫn đến mất ổn định khu vực và tình trạng di cư hàng loạt ở đất nước 110 triệu dân này. Trong trường hợp xấu nhất, Ethiopia có thể phải chứng kiến cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử.

Ngoài ra, quyết định phóng tên lửa vào Eritrea của phiến quân Tigray là yếu tố khiến cho xung đột mang tính quốc tế, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn hơn ở vùng Sừng châu Phi. Thế nhưng, rất ít khả năng Eritrea sẽ trực tiếp đưa quân sang Tigray để hỗ trợ chính phủ Ethiopia, bởi động thái này sẽ khiến Tigray nghĩ rằng ông Ahmed đang thua cuộc và phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người hàng xóm.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Tuần vừa qua, người phát ngôn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Babar Baloch, cho biết cơ quan này nhìn nhận tình hình tại Ethiopia là một “cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện.”

Ông Baloch cho biết trong một cuộc họp báo ở Geneva: “Những người đang di cư khỏi Ethiopia đang vô cùng sợ hãi và lo lắng khi chạy trốn khỏi các trận giao tranh ác liệt và không có dấu hiệu dừng lại.”

Trong khi đó, ngày 17/11 vừa qua, 17 thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư lên cho Ngoại trưởng Mike Pompeo và kêu gọi Washington nên tham gia trực tiếp vào các nỗ lực khôi phục hòa bình cho khu vực. Bức thư trích dẫn những lo ngại chính về cuộc khủng hoảng nhân đạo và bạo lực leo thang, đồng thời lưu ý rằng cuộc xung đột còn “đe dọa trực tiếp đến hàng trăm công dân Mỹ, nhà báo và nhân viên cứu trợ ở khu vực Tigray và khu vực xung quanh."

Bên cạnh đó, các quốc gia khác trên thế giới đang thúc giục ông Abiy Ahmed tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, theo như Reuters đưa tin hôm 16/11. Đồng thời, các quan chức ở các nước láng giềng như Uganda và Kenya cũng tiếp tục kêu gọi đối thoại để giải quyết xung đột này một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể.

Ông Abiy Ahmed từng giành giải Nobel Hòa bình năm 2019 cho những nỗ lực trong việc bình thường hóa quan hệ với Eritrea, quốc gia láng giềng tiếp giáp khu vực Tigray. Eritrea từng thuộc về lãnh thổ Ethiopia trước khi giành được độc lập năm 1993 sau 30 năm đấu tranh dai dẳng.

Từ năm 1998 đến năm 2000, Ethiopia và Eritrea từng xảy ra giao tranh khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Từ đó, hai quốc gia vẫn luôn trong trạng thái đối đầu cho đến năm 2018, khi hai nước chính thức ký kết "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị", qua đó mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau hai thập kỷ thù địch. Hai nước chính thức nối lại quan hệ tháng 7/2018.

(theo Washington Post)