Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh (1928-2021). |
Góp phần làm nên “thắng lợi ngoại giao lớn nhất trong lịch sử”
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh sinh năm 1928 tại Quảng Trị. Trước khi chuyển sang ngành Ngoại giao, ông Huỳnh có nhiều năm công tác trong môi trường quân đội.
Sự nghiệp ngoại giao của ông gắn liền với một giai đoạn quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Về cơ duyên trở thành thành viên Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Hiệp định Paris 1973, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh từng kể:
Đêm mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, khi cuộc chiến đang nổ ra, đài đang phát tin về tình hình chiến sự thì Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gọi vài người vào, trong đó có ông Phan Hiền, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, ông Trần Hoàn. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh thông báo ngắn gọn: "Chuẩn bị đàm phán" rồi không nói gì thêm.
Sau cuộc gặp trên, ông cùng một số đồng nghiệp khác ở trong nước làm nhiệm vụ theo dõi và nghiên cứu các đề án đấu tranh cho đoàn ta ở Hội nghị Paris, chính thức bắt đầu từ tháng 5/1968. Đến tháng 6/1969, ông Huỳnh được điều sang Pháp, bổ sung vào đoàn đàm phán Hội nghị Paris.
Ông Huỳnh nhận định: “Cuộc đàm phán Paris là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nền ngoại giao. Một bên là nền ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ với những chuyên gia sắc sảo, mưu mẹo. Trong khi đó nền ngoại giao của ta mới hình thành từ năm 1945, chủ yếu dựa trên tính nhân văn trong cách xử thế”.
Nhiệm vụ của ông Huỳnh lúc đó là nghiên cứu phản ứng và động thái của các quốc gia đối với đàm phán, tổng hợp lại các ý kiến. Ông thường đi gặp gỡ các nhà ngoại giao của Đại sứ quán các nước để nắm bắt tình hình.
Cái khó là đoán xem đoàn của Mỹ sẽ nói gì, thái độ ra sao để mà chuẩn bị phương án. “Cả tập hồ sơ, chúng tôi chắt lọc ra để đưa cho đoàn đàm phán những tư liệu như ném bom ở đâu, bắt bớ thế nào, phát biểu gì…", Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh từng chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh (hàng thứ hai, ngoài cùng, bên trái) tại Hội nghị Paris. |
Theo nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh, Hiệp định Paris là thắng lợi ngoại giao lớn nhất trong lịch sử; là thành quả tổng hòa các mặt quân sự, chính trị và ngoại giao để làm tiền đề cho chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris không chỉ mở đường đến thống nhất đất nước mà còn mở ra thời đại mới. Với đàm phán Paris, Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế hơn, hiểu phương Tây hơn và cũng làm thế giới hiểu Việt Nam hơn. Từ đó, nền ngoại giao Việt Nam đã có bước trưởng thành, đổi mới tư duy, thấy rõ được tầm quan trọng của quan hệ quốc tế.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông Nguyễn Khắc Huỳnh giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Mozambique, Zimbabwe và Zambia.
"Cây đại thụ" về nghiên cứu ngoại giao
Trong thời gian đang công tác và cho đến trước khi mất, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, tổng kết hoạt động ngoại giao.
Ông là tác giả nhiều bài báo và các cuốn sách như "Ngoại giao Việt Nam - Phương sách và nghệ thuật đàm phán", "Ngoại giao Việt Nam, Góc nhìn và suy ngẫm, "Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris" và đồng tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về ngoại giao Việt Nam và các vấn đề quốc tế.
Trước khi mất, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh vẫn cần mẫn viết sách, viết báo, đi địa phương và cả nước ngoài để dự các hội thảo về chiến tranh, lịch sử và thỉnh giảng tại các trường quân sự, ngoại giao.
Ở tuổi 90, hiếm người như Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh. Trong căn phòng nhỏ, một chồng sách báo, một chén trà thơm, một cây ba-toong, ông miệt mài viết sách, tiếp báo chí hằng ngày và tham dự hội thảo.
Năm 2018, ông tham dự buổi gặp mặt thân mật và ý nghĩa giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2018).
Trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình, Đại sứ Huỳnh tự hào nhất là giai đoạn ông tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Paris. Hàng chục năm trôi qua, ông vẫn tâm đắc về dự thảo văn bản Hiệp định đã thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của Việt Nam từ nội dung, biện pháp đến ý tứ, câu chữ.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông nói: “Chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với dự thảo Hiệp định Paris cũng cực kỳ chặt chẽ, có những câu chữ phải xin ý kiến từ Hà Nội, từng điều khoản, từng câu từng chữ đều rất chặt chẽ. Đến nay sau 45 năm, nếu có đọc lại cũng khó có thể thay thế được một câu chữ nào tốt hơn hay đắt hơn”.
Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp cho hòa bình và xây dựng đất nước.
Các tác phẩm nghiên cứu của ông có giá trị tham khảo lớn và bài học quý giá cho các thế hệ ngoại giao Việt Nam.