📞

Nhân tố đóng góp cho hoà bình và an ninh khu vực

11:25 | 25/08/2016
Thật khó tin nhưng Việt Nam đã khẳng định thành công vị thế của mình, khi biết nắm lấy cơ hội hội nhập kinh tế toàn cầu.  

Tôi là giáo viên tiếng Anh ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh 1967-1968. Tôi đến thăm Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1981, khá lâu trước khi Việt Nam triển khai Công cuộc Đổi mới.

Thành công nối tiếp

Tôi đã thấy, không chỉ hội nhập sâu rộng, Việt Nam còn chủ động hội nhập với các tổ chức đa phương lớn, và với tất cả các nước không phân biệt hệ thống chính trị.

Việt Nam đã trở thành một trong những trụ cột của ASEAN cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Giáo sư Carl Thayer tại Hội nghị quốc tế về tranh chấp Biển Đông Nam Á, Manila, Philippines, tháng 3/2015.

Sau sự kiện Campuchia hồi tháng 9/1989, Việt Nam đã theo đuổi thành công chính sách đối ngoại đa phương để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995, gia nhập ASEAN năm 1995, được Nhật Bản và EU xoá bỏ các hạn chế về hỗ trợ phát triển. Thành công tiếp nối thành công. Việt Nam đã đạt được cơ chế bình thường hoá vĩnh viễn thương mại với Hoa Kỳ và sau đó gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Có lẽ, thành tựu lớn nhất của Việt Nam là được các nước châu Á thống nhất đề cử vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Cũng trong thời gian này, Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC, Hội nghị cấp cao ASEAN và cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+.

Cam kết ngày càng tăng

Sau khi bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cường quốc ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á, Việt Nam theo đuổi chính sách quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.

Dần dần, một số các quan hệ đối tác chiến lược đã được nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (với Trung Quốc), đối tác chiến lược toàn diện (với Nga) và đối tác chiến lược sâu rộng (với Nhật Bản). Việt Nam cũng có quan hệ đối tác chiến lược với các nước châu Âu như Pháp, Đức và Vương quốc Anh; các nước Đông Á như Hàn Quốc; và một số thành viên ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Carlyle Alan Thayer (hay Carl Thayer) sinh ngày 5/11/1945, là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng, được biết đến qua các nghiên cứu và ấn phẩm viết về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông cũng được biết đến là chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Australia. Tuy đã chính thức nghỉ hưu từ cuối năm 2010 song ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu và xuất bản sách. Ông đã xuất bản 380 ấn phẩm, cả cá nhân và hợp tác với đồng sự.

Hầu hết các mối quan hệ đối tác chiến lược đều có cơ chế cấp cao để giám sát quan hệ song phương và một kế hoạch hành động nhiều năm nhằm thực hiện các mục tiêu trên một số lĩnh vực bao gồm cả chính sách kinh tế đối ngoại, giáo dục, khoa học và công nghệ, quốc phòng-an ninh và giao lưu nhân dân.

Theo tôi, một trong những thành công lớn trong đường hướng quan hệ song phương của Việt Nam là khẳng định được vai trò của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong vấn đề đối ngoại. Ông Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trên cương vị Tổng Bí thư. Ông và Tổng thống Barack Obama đã có cuộc gặp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Hai bên cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Di sản này có nghĩa là các nhà lãnh đạo đảng mới có thể ghé thăm các quốc gia và nâng cao lợi ích quốc gia trong cuộc gặp trực tiếp với người đứng đầu các nhà nước và chính phủ.

Theo tôi, thành tựu lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là đã thiết lập được mối quan hệ song phương với tất cả các cường quốc (Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ) trong khi vẫn giữ vững quyền tự chủ và độc lập của mình. Tất cả các quốc gia, nền kinh tế lớn đều muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt hơn với Việt Nam một phần vì họ là đối thủ của nhau, nhưng cũng bởi họ coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Việt Nam được coi như một nhân tố đóng góp mạnh mẽ cho hòa bình và an ninh khu vực thông qua ASEAN và chính bản thân mình. Việt Nam cũng được xem là một quốc gia có đóng góp ngày càng lớn trên cấp độ toàn cầu, biểu tượng bằng các cam kết ưu tiên ngày càng tăng trong vấn đề gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong những năm tới.

Cuộc đấu giữa David và Goliath

Sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán phân định biên giới đất liền và biên giới biển trong vùng Vịnh Bắc Bộ. Điều này thiết lập rõ ràng toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam dọc theo đường biên giới.

Vấn đề Biển Đông cho thấy Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do những tranh cãi về vấn đề chồng lấn chủ quyền với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.

Đến năm 2014, tranh chấp ở Biển Đông đã lan ra và ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc một cách sâu rộng hơn. Dù vậy, ban chỉ đạo chung Việt Nam-Trung Quốc về quan hệ song phương đã thành công khi giúp cả hai bên phát triển một mối quan hệ nhiều mặt trên diện rộng.

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5-7/2014 làm suy yếu niềm tin chiến lược giữa hai quốc gia. Việt Nam buộc phải đấu tranh với Trung Quốc để khẳng định quyền tài phán của mình. Cuối cùng, Việt Nam đã chiến thắng bởi biết khéo léo khai thác truyền thông thế giới tuyên truyền về cuộc đấu tranh có thể ví như giữa David (Việt Nam) và Goliath (Trung Quốc). Việt Nam đã giành được thiện cảm và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc buộc phải rút HD-981 sớm hơn so với công bố.

Vẫn cần nhiều nỗ lực

Sau đó, Việt Nam và Trung Quốc đã dần dần khôi phục lòng tin chiến lược và phát triển mối quan hệ vì lợi ích chung theo chiều rộng. 

Hiện một trong những khó khăn chủ yếu về quan hệ hai nước liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Phán quyết đưa đến những thuận lợi áp đảo cho Philippines, trở thành một phần của luật pháp quốc tế và tất cả các tranh chấp hàng hải tương lai theo UNCLOS sẽ phải tính đến vấn đề này. Việt Nam, tuy là một bên thụ hưởng lợi ích của vấn đề nhưng có thể vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc. Cái khó đối với Việt Nam là làm thế nào để cùng với các quốc gia khác trong khu vực vẫn hợp tác với Trung Quốc và giữ thể diện để quản lý tranh chấp lãnh thổ một cách phù hợp nhưng lại không ảnh hưởng đến việc kêu gọi thực thi phán quyết.

Việt Nam cần cố gắng hơn trong nỗ lực vực dậy sự gắn kết và đoàn kết trong ASEAN trong khi vẫn phải thúc đẩy và nâng tầm đối tác chiến lược với mỗi nước thành viên lên mức cao hơn để đáp ứng tiềm năng hợp tác với các bên.