📞

Nhập cư lậu sang Anh: Hành trình nguy hiểm và giấc mơ không thành hiện thực

Quang Đào 12:39 | 26/10/2019
TGVN. Người nhập cư lậu sang Anh đều mong một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng thực tế, họ phải trải qua một hành trình đầy rẫy nguy hiểm để rồi phải làm việc chui lủi, thậm chí bị bóc lột sức lao động.
Người dân Anh đặt hoa tại nơi phát hiện 39 thi thể trong xe container. (Nguồn: PA)

Làn sóng những người tuyệt vọng và mạo hiểm mọi thứ để đến châu Âu với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn là vấn đề thu hút sự chú ý của thế giới từ năm 2015. Đó là khởi đầu của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, khi trong một năm, hơn 1 triệu người bị đàn áp và bần cùng từ Syria, Afghanistan, Eritrea và các quốc gia khác liều mình vượt biển sang châu Âu.

Các quốc gia châu Âu tìm mọi cách để phản ứng, Hungary có xu hướng bài người nhập cư, Hy Lạp thì bất lực và không xử lý nổi số lượng người nhập cư khổng lồ. Các quốc gia bắt đầu xây dựng các bức tường ngăn cách biên giới. Rồi các chính sách nhập cảnh, cư trú bị thắt chặt... Đức có thể coi là quốc gia duy nhất có chính sách tương đối mở với người nhập cư.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đàm phán với các quốc gia được coi là điểm trung chuyển: với Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn chặn dòng người di cư từ Địa Trung Hải và hỗ trợ đưa người di cư về nước, với Libya cũng như trên khắp châu Phi.

Giờ đây, mọi sự chú ý lại hướng về Vương quốc Anh, khi ngày 23/10, tại hạt Essex ở phía Đông Bắc London, cảnh sát Anh đã bắt giữ một chiếc xe tải vận chuyển hàng lạnh và phát hiện 39 thi thể bên trong container.

Hiện cảnh sát Anh đã bắt giữ 4 người, trong đó có tài xế điều khiển xe đầu kéo và hai vợ chồng được cho là chủ của chiếc xe nói trên. Nghi phạm thứ 4 là một người đàn ông 48 tuổi, bị bắt tại sân bay Stansted của London, theo hãng tin Reuters.

Telegraph, một tờ báo uy tín của Anh, gọi thảm kịch là hậu quả của một vụ buôn người thất bại và nghi ngờ do băng đảng người Trung Quốc tổ chức. Ngày 25/10, tờ này tiếp tục dẫn các nguồn tin riêng cho biết, thám tử Anh đã bắt đầu để ý tới một băng đảng Ireland và đã khoanh vùng được ít nhất 3 nghi phạm.

Người nhập cư lậu là nữ giới thường được đưa vào các salon làm móng tay ở Anh. (Nguồn: The Guardian)

"Thiên đường" của người nhập cư lậu...

Theo Wikipedia, Vương quốc Anh được coi là “thiên đường” của người nhập cư bất hợp pháp thông qua các băng nhóm buôn người. Hầu hết, những người này đến từ châu Phi, châu Á và Đông Âu, bị đưa tới Anh bất hợp pháp để làm nhiều công việc khác nhau, từ xây dựng, nông nghiệp, làm móng, rửa xe, cho đến các công việc phạm pháp như bóc lột tình dục và các trang trại trồng cần sa.

Theo Washington Post, mỗi quốc gia có định nghĩa riêng về nạn buôn người, nhưng về cơ bản, buôn người là việc mua bán con người với mục đích lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục, hoặc bóc lột tình dục đem lại lợi ích tài chính cho kẻ buôn người hoặc những người khác. Những người di cư giống như ở vụ việc tại Essex được coi là nạn nhân của nạn buôn người khi, ban đầu họ đồng ý để được vận chuyển sang Anh, nhưng lại không hiểu rõ về các tình huống hoặc bị lợi dụng bởi những kẻ buôn lậu trên đường đi.

Theo báo cáo năm 2018 của Văn phòng Cảnh sát châu Âu (Europol), tuy số lượng người di cư đến bên ngoài biên giới EU đã giảm, nhưng nạn buôn bán người trong EU lại càng tăng. Phương pháp chủ yếu của các băng nhóm buôn người là giấu người di cư trong cốp xe hơi, thùng xe tải... và sử dụng tuyến đường biển Balkans và kênh đào Anh.

Các quan chức an ninh Anh mới đây giải thích, bọn buôn người giấu các nạn nhân vào thùng container đông lạnh để qua mặt lực lượng kiểm tra. Lý do là Lực lượng biên giới Anh thường sử dụng máy quét nhiệt để phát hiện người trốn qua biên giới song thiết bị này lại không hiệu quả với thùng đông lạnh.

"Thiết bị quét nhiệt không hoạt động với các thùng container đông lạnh bởi chúng quá lạnh và máy không thể phát hiện thân nhiệt của những người nấp bên trong. Bọn buôn người biết điều đó... Chúng liên tục tìm kiếm lỗ hổng và buồn thay, điều đó khiến những người này thiệt mạng", tờ Mail Online của Anh dẫn lời một nhân viên lực lượng biên giới.

... và giấc mơ bị ‘lỗi hẹn’

Luật sư về nhập cư Harjap Bhangal từng làm việc với nhiều di dân tới Anh. Ông mô tả hành trình điển hình đầy nguy hiểm của những người chọn con đường chết chóc này như sau: “Họ băng qua những cánh rừng, phải tá túc trong những căn lều gỗ. Việc thiếu thốn nhà vệ sinh khiến nhiều người đổ bệnh”.

“Rất nhiều người không biết họ đang đi đâu, số phận phụ thuộc vào những băng đảng buôn người. Hành trình thường bắt đầu bằng vay nợ. Nếu nạn nhân không trả nợ cho băng đảng buôn người, chúng sẽ bắt cóc và giữ gia đình họ làm con tin. Đây là tình cảnh chung của nhiều di dân Trung Quốc”.

“Những di dân bị nhốt trong xe tối, không được gây tiếng động. Tất cả những gì họ biết là xe đang di chuyển, cho tới khi nó dừng lại. Những kẻ buôn người hành động hết sức tàn nhẫn. Nếu ai đó khiến nhóm di cư bị chậm lại, chúng sẵn sàng giết chết người đó. Nhiều người đã không thể đi trọn hành trình”.

Một "nhà máy" trồng cần sa bị cảnh sát Anh đột kích ở London. (Nguồn: Alamy Stock Photo)

Theo các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề di cư, người nhập cư lậu là nữ giới được hứa hẹn làm việc trong các salon móng cao cấp ở Anh. Trong khi đó, nam giới thường bị ép làm trong các trang trại trồng cần sa, bị nhốt trong những tòa nhà kín không có ánh sáng mặt trời và bắt buộc phải trông nom cây cần sa cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, cả nam lẫn nữ nhập cư lậu đều có nguy cơ phải làm những công việc liên quan đến tình dục như đi bán dâm.

Đây là một hiện thực đáng báo động, diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” tại xã hội Anh. Những người nhập cư lậu biết rằng, họ đang ở bất hợp pháp và có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào, nếu bị cảnh sát phát hiện. Vậy nên, dù có biết là bản thân đang bị bóc lột, họ cũng không dám lên tiếng.

Một số người thậm chí có thể không nhận ra rằng chính mình là nạn nhân của nạn buôn người. Vì họ có thể đã tự nguyện đến Anh để tìm việc làm và đã sẵn sàng trả tiền cho một tay buôn người để tổ chức việc đi lại và tìm việc tại đây.

Ngoài ra, theo tờ The Guardian, để có thể sang Anh, người di cư lậu phải trả các khoản phí từ 10.000 đến 40.000 USD cho những kẻ buôn người. Họ bắt buộc phải làm việc tại những nơi có điều kiện lao động thấp vì biết rằng, gia đình họ đang nợ nần chồng chất để trả cho chuyến “di cư” sang nước ngoài. Kết quả là họ bị kẹt trong vòng xoáy nợ nần hàng năm trời và không dám tìm kiếm sự giúp đỡ.

Vì quá sợ những kẻ buôn người, nạn nhân thường không hợp tác với cảnh sát và thường bị coi là tội phạm nhập cư bất hợp pháp chứ không phải là nạn nhân, họ sẽ bị trục xuất mà không cần tra hỏi nhiều. Cùng vì lý do đó, nạn nhân ít khi chia sẻ những trải nghiệm đau thương của mình, khiến cho vấn đề này không được xã hội biết đến nhiều và làm cản trở quá trình điều tra của cảnh sát.

Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết, ngày 23/10, cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể ở khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía Đông Bắc London, Anh. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh làm việc với cảnh sát Anh xác minh thông tin về quốc tịch của các nạn nhân.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cục Lãnh sự làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương, cung cấp thông tin liên quan từ Việt Nam để hỗ trợ xác nhận quốc tịch nạn nhân. Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đang theo dõi sát tình hình, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan chức năng của Anh và Việt Nam thúc đẩy quá trình xác nhận danh tính nạn nhân và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh là: +44 7713 181501 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân là: +84981 8484 84.