📞

Nhật Bản và công cuộc sửa đổi Hiến pháp

09:00 | 30/07/2016
Trước những thay đổi căn bản của cục diện thế giới, sự cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang dần hiện thực hóa việc sửa đổi bản “Hiến pháp hòa bình”.

Không còn phù hợp

Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Mỹ (là một trong những nước thắng trận) đã thay Nhật Bản lập ra hiến pháp với tên gọi: “Hiến pháp hòa bình” (có hiệu lực từ năm 1947). Bản Hiến pháp này còn được biết đến với tên là “Hiến pháp MacArthur” vì nó do Tướng Douglas MacArthur - Tư lệnh quân Mỹ tại Nhật Bản lúc đó soạn thảo. Mục đích của Hiến pháp hòa bình là nhằm loại bỏ nguy cơ tái xuất hiện của một Phe Trục mới trong tương lai.

Biểu ngữ trong một cuộc biểu tình phản đối sửa đổi Hiến pháp hòa bình Nhật Bản tại Tokyo ngày 30/06/2014. (Nguồn: Reuters).

Tuy nhiên, ý đồ của Mỹ lúc đó tuy sâu mà không xa, bởi chỉ mấy chục năm sau, khi Nhật trở thành đồng minh thân cận của Mỹ thì chính điều luật này lại là thứ “trói chân, trói tay” Tokyo trong việc trợ giúp người đồng minh Washington về mặt quân sự.

Đặc biệt, Điều 9 của Hiến pháp nêu rõ: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xuất hiện tại một buổi vận động cho cuộc bầu cử Thượng viện. (Nguồn: WSJ).

Như vậy, có thể thấy rõ ràng là “Hiến pháp hòa bình” đã hạn chế đáng kể chính sách phát triển quốc phòng của Nhật Bản trong bối cảnh nó ngày càng cần được mở rộng. Chừng nào còn “Hiến pháp hòa bình” thì chừng đó Nhật Bản chỉ có thể tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình ở mức hạn chế.

Sau gần 70 năm thực hiện “Hiến pháp hòa bình”, trước những thay đổi to lớn của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Chính phủ Nhật Bản đã tỏ rõ mong muốn sửa đổi bản Hiến pháp nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. Người đi đầu trong xu thế cải cách Hiến pháp này chính là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Từ lâu, ông Abe đã bày tỏ quan điểm rằng Nhật Bản cần có một bản Hiến pháp do “chính tay người Nhật” xây dựng để trở thành “một nước có chủ quyền thực sự”.

Vô vàn rào cản

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp ở Nhật Bản không hề đơn giản khi phải vượt qua nhiều rào cản lớn.

Thứ nhất, bất cứ thay đổi Hiến pháp nào cũng cần 2/3 số phiếu tại hai viện Quốc hội thông qua. Thứ hai, những thay đổi này chỉ trở thành luật nếu được đa số phiếu thông qua tại một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc.

Thêm vào đó, ý tưởng này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập và một bộ phận dân chúng Nhật Bản. Họ cho rằng Nhật Bản có được sự trỗi dậy về mặt kinh tế như hiện nay là nhờ vào ý tưởng kiên trì phát triển hòa bình, đứng ngoài các cuộc tranh chấp xung đột, tập trung tinh lực để phát triển kinh tế và lấy nâng cao đời sống nhân dân làm cốt lõi. Hơn nữa, họ lo ngại rằng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ dẫn đến việc tiền thuế của người dân sẽ được sử dụng vào tăng cường quân đội thay vì cho phúc lợi xã hội như hiện nay.

Năm 2012, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã công bố bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó đề xuất một loạt những thay đổi để đáp ứng “yêu cầu của thời đại” và “phản ánh rõ hơn lịch sử và văn hóa Nhật Bản vốn tôn trọng sự hài hòa”. Bản dự thảo này cũng nhấn mạnh và đề cao ba nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp thời hậu chiến là chủ quyền, chủ nghĩa hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên, các đảng đối lập và một số học giả cảnh báo rằng những thay đổi này có thể không chỉ hủy hoại chủ nghĩa hòa bình nêu trong Hiến pháp mà còn biến Nhật Bản thành một đất nước quá chú trọng vào quyền lực nhà nước và trật tự xã hội thay vì các quyền lợi cá nhân.

Tất nhiên, vấn đề “nhạy cảm” nhất vẫn nằm ở việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản. Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, LDP đã xóa bỏ việc “cấm” Nhật Bản tính đến phương án chiến tranh, cũng như những hạn chế mà bản Hiến pháp thời hậu chiến đã áp đặt đối với việc thực thi quyền phòng vệ của Nhật Bản, trong đó có quyền phòng vệ tập thể, hoặc bảo vệ đồng minh cả trong những trường hợp Nhật Bản không phải là mục tiêu bị tấn công trực tiếp. Đề xuất này lại càng khiến phe đối lập sục sôi, nhất là sau khi nhiều chính đảng không hài lòng với việc Quốc hội nước này thông qua Luật an ninh vào năm ngoái, cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể, dù vẫn còn ở mức hạn chế.

Bên cạnh đó, bản dự thảo cũng bổ sung một “điều khoản khẩn cấp” cho phép Thủ tướng có nhiều quyền hạn hơn trong các trường hợp như thiên tai nghiêm trọng hoặc Nhật Bản bị nước khác tấn công vũ trang. Điều khoản này cũng có thể bao gồm cả việc cho phép Nội các ban hành các sắc lệnh có hiệu lực pháp lý và buộc người dân “phải tuân thủ sự chỉ đạo của nhà nước và các cơ quan công quyền khác” để bảo vệ sinh mạng và tài sản khi Thủ tướng tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, không ít người quan ngại những sửa đổi như vậy có thể đồng nghĩa với việc dỡ bỏ những quy định hạn chế quyền lực của Chính phủ trong Hiến pháp. Ngoài ra, các điều khoản của bản dự thảo Hiến pháp cũng tăng cường một số quyền lợi cho người dân và các biện pháp bảo vệ môi trường.

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc cải cách hiến pháp, ông Shinzo Abe chắc chắn đã lường trước được con đường chông gai phía trước. Khi đưa ra bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, vị Thủ tướng Nhật Bản xác định không kỳ vọng nó “sẽ được thông qua một cách suôn sẻ”, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng xúc tiến các cuộc thảo luận nhằm hướng tới một bản Hiến pháp được đông đảo người dân chấp nhận.

Chiến thắng mở đường

Trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra hôm 10/7 vừa qua, liên minh cầm quyền của đảng LDP và đảng Komeito đã giành chiến thắng áp đảo. Thắng lợi này được đánh giá sẽ mở đường cho việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản bởi LDP cùng đảng đối tác Komeito của ông Shinzo Abe trong liên minh cầm quyền và những lực lượng ủng hộ việc thay đổi Hiến pháp đã giành được 2/3 trong 242 ghế Thượng viện. Theo đó, trên nguyên tắc, họ đã có thể tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp.

Các nhà quan sát dự kiến Thủ tướng Shinzo Abe sẽ bắt đầu xúc tiến thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp trong phiên họp Quốc hội bất thường vào mùa Thu tới. Trọng tâm của việc sửa đổi Hiến pháp vẫn là điều 9 và chắc chắn Thủ tướng Nhật Bản sẽ hành động hết sức cẩn trọng. Nhiều chuyên gia tin rằng đảng LDP có thể sẽ xúc tiến chiến lược sửa đổi Hiến pháp theo từng giai đoạn. Ban đầu Chính phủ của ông Abe đề xuất sửa đổi Hiến pháp với lý do để đối ứng với những tình huống nguy cấp như tai nạn nghiêm trọng, sau đó tiếp cận điều khoản trọng tâm trong Hiến pháp.

“Chúng ta đang nói về quá trình chính trị đầy tranh cãi và hết sức phức tạp của Nhật Bản. Sẽ rất khó để đoán được ông Abe hiện đang có thể làm gì và muốn làm gì”, Tobias Harris, chuyên gia phân tích về hệ thống chính trị Nhật Bản của Công ty tư vấn Teneo Intelligence, nhận định.

Theo các chuyên gia, trước mắt ông Abe cần phải làm mềm hóa điều khoản 9 trong Hiến pháp Nhật Bản. Dường như là sự trớ trêu khi đối tác trong liên minh cầm quyền với LDP là Komeito lại là đảng theo tư tưởng Phật giáo và tôn sùng hòa bình. Về nguyên tắc, Komeito sẽ không phản đối việc sửa đổi Hiến pháp Nhật nhưng nếu có sửa đổi thì không phải theo cách mà ông Abe mong muốn. Đảng này chỉ muốn sửa đổi một số điều khoản liên quan đến việc bảo vệ môi trường, quyền cá nhân của người Nhật chứ không phải sửa đổi điều khoản chống chiến tranh.

Về phần những người dân, quan điểm của họ liên quan đến cải cách Hiến pháp đang có những mâu thuẫn nhất định. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận xã hội mới được hãng truyền hình lớn nhất Nhật Bản NHK tiến hành, có đến 1/3 cử tri Nhật Bản ủng hộ tiến hành một số sửa đổi đối với Hiến pháp Nhật. 1/3 lại cho rằng không cần thiết phải có các sửa đổi này. Số còn lại hiện vẫn chưa sẵn sàng đưa ra ý kiến của mình.

Vậy con đường nào là phù hợp cho việc cải cách hiến pháp? Những điều khoản nào còn phù hợp và những điều nào cần thay đổi? Hiến pháp sửa đổi sẽ thay đổi cán cân quyền lực giữa Nhật Bản với các nước khác như thế nào? Quyền lợi của dân chúng Nhật Bản có được giữ vững hay đổi khác?

Câu trả lời vẫn đang bỏ lửng trong tương lai như ông Abe đã nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình khi cuộc kiểm phiếu bầu cử Thượng viện đang diễn ra: “Tôi còn hơn hai năm nhiệm kỳ (lãnh đạo LDP) và đó là mục tiêu của LDP nên tôi muốn giải quyết vấn đề này một cách bình tĩnh”.

(tổng hợp)