📞

Nhìn lại "Mùa Xuân Ảrập"

08:53 | 11/05/2012
Những tưởng “Mùa Xuân Ảrập" sẽ mang tới cho các quốc gia nơi nó đi qua sự tự do, dân chủ..., song những gì đã và đang diễn ra ở Trung Đông - Bắc Phi hiện nay lại cho thấy nhiều trái ngược.
Cuộc biểu tình của người dân Ai Cập trong cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ảrập”.

Đã hơn một năm kể từ khi các cuộc biểu tình của hàng triệu người nổ ra tại các quốc gia Ảrập và Bắc Phi, tạo nên một làn sóng nổi dậy có sức lan tỏa đến chóng mặt khắp khu vực mà người ta quen gọi là "Mùa Xuân Ảrập" (Arab Spring). Thế nhưng, chính những người tạo ra "mùa xuân" ấy nay lại đặt câu hỏi: Bao giờ mùa xuân đích thực mới đến với mình?

Cách mạng cho... “trái đắng"

Mùa Xuân Ảrập khởi đầu từ cuộc biểu tình của lực lượng lao động Tunisia vào ngày 14/1/2011 nhằm bày tỏ sự đoàn kết và cảm thông với một thanh niên bán trái cây trẻ tuổi tên là Mohamed Bouazizi, người đã tự thiêu vì tuyệt vọng trước chế độ mà anh ta đang sống. "Ngọn lửa" phản kháng ấy đã nhanh chóng lan khắp khu vực, kéo theo sự sụp đổ của những thể chế tồn tại hàng chục năm qua ở châu Phi như Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen… Thực tế, kể từ cuộc cách mạng châu Âu năm 1848, thế giới chưa từng chứng kiến một phong trào nổi dậy nào lan sang nhiều quốc gia với tốc độ nhanh chóng như thế. Song hơn một năm đã trôi qua, những gì diễn ra ở các quốc gia vốn được xem là "thực hiện thành công cuộc cách mạng" như Tunisia, Ai Cập và Libya… lại cho thấy cuộc sống của người dân còn khó khăn hơn trước.

Cụ thể, ở chính đất nước khởi đầu Mùa Xuân Ảrập Tunisia, các số liệu thống kê của nước này cho thấy nghèo đói và thất nghiệp vẫn bao trùm. Nếu như trước khi diễn ra cách mạng Mùa Xuân Ảrập, Tunisia có khoảng 600.000 người thất nghiệp thì nay đã tăng lên 850.000 người. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2010 là 3%, thì sang năm 2011 chỉ còn… 0%.

Tại Ai Cập thời kỳ "hậu Mubarak", người dân vẫn sống trong nghèo đói, sản xuất giảm sút nặng nề. Các chính sách cải cách xã hội, việc làm vẫn chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của số đông người lao động, nên hàng nghìn người Ai Cập vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình đòi công bằng xã hội. Nếu như trước đây người dân ủng hộ phe nổi dậy vì hy vọng vào một viễn cảnh tươi sáng hơn từ chính quyền mới, thì giờ lại thất vọng vì một chính quyền phụ thuộc vào thế lực bên ngoài và trì trệ trong cải cách. Theo Thiếu tướng Amos Yadlin, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, Đại học Tel Aviv, các đảng Hồi giáo chính trị như Huynh đệ Hồi giáo và Salafists - đã giành 75% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tự do, công bằng, trong khi chính những người đi đòi tự do lại đứng ngoài tầm ảnh hưởng chính trị tại Ai Cập. Theo các chuyên gia, mặc dù cuộc cách mạng đã kết thúc, nhưng sự chia rẽ vẫn còn đó trong dân chúng của quốc gia này.

Còn ở Libya, Mùa Xuân Ảrập với sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài đã cuốn quốc gia này đi theo một quỹ đạo không mong muốn, đầy rối ren. Còn nhớ, trước khi các cuộc biểu tình rầm rộ chống nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi diễn ra, Libya là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này vẫn chưa đạt được sản lượng như trước. Bên cạnh đó, nhiều ngành sản xuất quan trọng khác lại đang bị trì trệ. Nhiều thị trấn và thành phố vẫn chìm trong đống đổ nát hoang tàn và chưa được chính phủ chuyển tiếp đề ra kế hoạch tái thiết. Mặc dù chính quyền mới đã được thành lập, nhưng hàng nghìn người dân vẫn liên tục xuống đường biểu tình đòi dân chủ, công ăn việc làm… Bà Huda Hussein, một người dân Libya nói: "Cho đến nay, cuộc cách mạng lật đổ ông Gaddafi chưa đáp ứng được các yêu cầu của chúng tôi. Chính phủ chuyển tiếp vẫn chưa làm được gì cho người dân Libya".

Chưa hết, do thiếu lực lượng an ninh chính quy, các nhóm vũ trang tại Libya vẫn đảm nhiệm việc duy trì trật tự trên đường phố cũng như quản lý nhiều cơ sở quan trọng của chế độ cũ. Nhiều nhóm vũ trang không chịu giao nộp vũ khí cũng như không bàn giao quyền kiểm soát khu vực do mình quản lý cho chính quyền mới được thành lập. Bộ trưởng Nội vụ Libya Fawzy Abdilal thừa nhận rằng chính phủ lâm thời hiện chưa thành công trong việc kết hợp các lực lượng dân quân từ các thành phố khác nhau thành một lực lượng an ninh quốc gia.

Tại sao vậy?

Sau bước khởi đầu thành công khi lật đổ chính quyền ở Tunisia và Ai Cập, rồi tiếp tục lan rộng sang Libya, Syria, Yemen và Bahrain..., Mùa Xuân Ảrập dường như không còn duy trì được những cách thức và phương hướng ban đầu (tự do và công bằng). Thay vào đó, theo các nhà phân tích chính trị, nó dần bị biến đổi dưới nhiều hình thức khác nhau dựa trên những điều kiện chính trị đặc trưng của từng quốc gia.

Ví dụ như ở Libya, Mùa Xuân Ảrập đã trở thành một cuộc nội chiến đẫm máu giữa các bộ lạc, trong khi ở Syria, nơi mà đến giờ vẫn chìm trong bạo lực, và xung đột giữa cộng đồng người thiểu số Alawi nắm quyền và người Sunni. Cụ thể hơn, ở Libya, Mỹ sử dụng cách thức can thiệp quân sự để lật đổ bằng được chính quyền Đại tá Muammar Gaddafi, song lại tuyên bố thẳng thừng là "không can thiệp quân sự" vào Syria, mà cứ để mặc cuộc nội chiến ở nước này tiếp diễn. Theo LHQ, cho đến nay bạo lực ở Syria đã cướp đi sinh mạng của 5.000 người và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Nhiều nhà phân tích cho rằng, kể cả khi chính quyền Assad bị lật đổ, đất nước này cũng khó có thể vực dậy từ khủng hoảng và có khả năng rơi vào một cuộc nội chiến.

Đề cập đến vấn đề trên, chuyên gia phân tích chính trị người Nga Rustam Vakhitov đã nhận xét trên Đài Tiếng nói nước Nga (VOR) rằng, "Những năm gần đây, các nước phương Tây đã làm mọi thứ khiến khu vực luôn không bình yên. Họ ráo riết thâm nhập vào nền chính trị Ảrập. Chỉ cần nhớ lại chiến dịch khắc nghiệt quá mức của lực lượng liên quân phương Tây ở Libya là đủ thấy. Giờ đây người ta vẫn tiếp tục hành động như vậy. Trên thực tế, phương Tây cố sức khai thác các vấn đề của phương Đông để giải quyết những mục tiêu địa chính trị riêng".

Chuyên gia Gumer Isaev ở Trung tâm nghiên cứu Trung Đông ở Saint-Peterburg cũng nêu ý kiến: "Như chúng ta đang thấy, sự tồn tại các vấn đề kinh tế - xã hội và những yếu tố khác ở các nước trong khu vực đã khơi lên làn sóng bất bình của cư dân, trong khi các thế lực bên ngoài luôn cố gắng kiểm soát điều khiển làn sóng đó để phục vụ mục đích chủ quan của họ".

Ông Gumer cũng cho rằng, cho dù luôn dựa trên các chiêu bài "bảo vệ thường dân" hay "dân chủ, nhân quyền", nhưng thực tế sự can thiệp quân sự của các thế lực bên ngoài vào các quốc gia có chủ quyền thường kéo theo sự đổ máu, gây bất ổn và chia rẽ dân tộc sâu sắc. Rốt cuộc những nạn nhân của tình trạng xung đột và can thiệp này không ai khác lại chính là những người dân thường vô tội.

Vì vậy, nhiều nhà phân tích chính trị đồng ý kiến cho rằng, sự thành công của cuộc cách mạng Mùa Xuân Ảrập không thể được đánh giá dựa trên những kết quả nhất thời. Nói cách khác, Mùa Xuân Ảrập chỉ thật sự đến với những quốc gia này khi người dân không còn đói nghèo và thiếu thốn, khi những bất ổn chính trị được đẩy lùi và cải cách kinh tế được thực hiện.

Minh Minh