📞

Những bài học thực tiễn từ vụ kiện Biển Đông

09:26 | 25/08/2016
Vụ kiện giữa Philippines - Trung Quốc có nhiều giá trị tham khảo quý giá đối với các bên liên quan, đồng thời mở ra hy vọng giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982, đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Phạm vi ảnh hưởng rộng lớn

Về nguyên tắc, đây là vụ kiện chỉ liên quan đến các tranh chấp về giải thích áp dụng UNCLOS 1982 giữa Philippines và Trung Quốc, do đó phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với hai nước đó. Tuy vậy, không thể phủ nhận thực tế phán quyết có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn, và nhất là đối với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông cho thấy, khi các bên tranh chấp giải thích và áp dụng luật quốc tế khác nhau, thậm chí bám giữ những yêu sách phi lý hoặc dựa trên căn cứ pháp lý không rõ ràng, các bên không thể thúc đẩy thương lượng. Trong tình huống như vậy, yêu cầu tất yếu là phải xác định được những cơ sở pháp lý chuẩn mực, khách quan.

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan. (Nguồn: qz.com)

Vụ kiện cho thấy yêu cầu sự giúp đỡ của một cơ quan tài phán quốc tế là một lựa chọn khả thi, ngay cả khi các bên tranh chấp không đạt được thỏa thuận cùng nhau ra tòa. Tất nhiên, để đạt được phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế giúp làm sáng tỏ cơ sở pháp lý của tranh chấp, mở đường cho những nỗ lực thương lượng tìm giải pháp chấp nhận được đối với các bên, cần phải có chủ trương đúng đắn và sự chuẩn bị công phu trong việc lựa chọn cơ chế và vấn đề khởi kiện, xây dựng hồ sơ chứng lý và đội ngũ thực hiện, lựa chọn thời điểm thuận lợi và vận động dư luận hiểu đúng và ủng hộ. Vụ kiện là một bài học thực tiễn rất có giá trị nhìn từ góc độ này.

Vụ kiện cũng cho thấy, không một bên tranh chấp nào ở Biển Đông có thể loại trừ khả năng phải đối mặt với yêu cầu đệ trình tranh chấp trước một cơ quan tài phán quốc tế từ một bên tranh chấp khác. Quyết định có chấp thuận yêu cầu ra tòa hay không tùy thuộc vào vấn đề tranh chấp, thời điểm cụ thể và nhiều yếu tố khác, nhưng để tránh tình thế bị ràng buộc bởi một phán quyết hoàn toàn bất lợi, cách tốt nhất là chủ động chuẩn bị cho tình huống này, cố gắng điều chỉnh yêu sách, hành động và các quy định của luật pháp quốc gia phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế có hiệu lực ràng buộc.

Trong thế giới ngày nay, quyết định tẩy chay các cơ chế tư pháp quốc tế hay xem thường ý kiến của các cơ quan này ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín quốc gia. Đó còn là sự từ bỏ quyền tự bảo vệ lợi ích quốc gia trong những tranh chấp được đưa ra tòa.

Thu hẹp nội dung tranh chấp

Về nội dung phán quyết ngày 12/7, các lập luận và kết luận của Tòa về giá trị pháp lý của “đường chín đoạn” và phạm vi vùng biển của các thực thể địa lý ngoài khơi Biển Đông khẳng định rằng ở Biển Đông, yêu sách của Trung Quốc về (i) quyền lịch sử đối với vùng biển và tài nguyên vượt ra ngoài phạm vi lãnh hải và (ii) yêu sách về quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của quần đảo Trường Sa, đều không thể đứng vững vì trái với các quy định của UNCLOS 1982 - một điều ước quốc tế mà Trung Quốc đã tham gia soạn thảo và cam kết tuân thủ.

Tòa cho rằng việc xây dựng các công trình kiên cố trên các thực thể đó, nhất là các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc sau khi Philippines khởi kiện, đã làm gia tăng tranh chấp, cản trở việc xem xét giải quyết tranh chấp, trái với quy định của Công ước.

Phán quyết của Tòa giúp làm rõ và thu hẹp đáng kể vùng biển tranh chấp đa phương ở Biển Đông, phù hợp với lập trường và lợi ích pháp lý của đa số các quốc gia tham gia sử dụng Biển Đông, cũng như các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Ngoài Philippines, các nước khác như Brunei, Indonesia, Malaysia, Việt Nam đều có thể viện dẫn phán quyết để bảo vệ EEZ và thềm lục địa được xác định theo quy định của UNCLOS 1982 từ lãnh thổ lục địa hay lãnh thổ quốc gia quần đảo của mình. Cách thức Tòa giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS để xác định quy chế và vùng biển của các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa buộc các nước có yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa lý đó đều phải đối chiếu với quan điểm và lợi ích quốc gia nhằm xác định chính sách và bước đi tiếp theo.

Phán quyết của Tòa khẳng định, Tòa không giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể địa lý ở Biển Đông. Do vậy, liên quan đến các hoạt động cải tạo, xây dựng, làm thay đổi điều kiện tự nhiên vốn có tại các thực thể địa lý mà Philippines đệ trình, Tòa chỉ xem xét chúng ở khía cạnh có ảnh hưởng hay không đến quy chế pháp lý của các thực thể đó và nghĩa vụ theo UNCLOS về bảo vệ môi trường biển và thực thi Công ước một cách thiện chí.

Để xác định điều kiện tự nhiên của các thực thể địa lý, Tòa đã lựa chọn xem xét các bằng chứng được đưa ra trước khi khái niệm EEZ hình thành, như kết quả khảo sát của Hải quân Hoàng gia Anh năm 1862 và 1868, tài liệu khảo sát của Anh và Nhật Bản trong khoảng từ 1920 đến cuối 1930, cũng như các tài liệu trong Cơ quan Lưu trữ Hải ngoại Pháp.

Tòa khẳng định các hoạt động sau này nhằm thay đổi điều kiện tự nhiên vốn có và hỗ trợ cho sự trú ngụ của con người trên các thực thể đó đều không làm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể. Đồng thời, Tòa cho rằng việc xây dựng các công trình kiên cố trên các thực thể đó, nhất là các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc sau khi Philippines khởi kiện, đã làm gia tăng tranh chấp, cản trở việc xem xét giải quyết tranh chấp, trái với quy định của Công ước.

Căn cứ vào các bằng chứng và ý kiến đánh giá của các chuyên gia độc lập về tác động nguy hại của các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo đến hệ sinh thái biển, cũng như việc Trung Quốc không đánh giá tác động môi trường của các hoạt động nói trên, Tòa kết luận Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS 1982 về bảo vệ môi trường biển.

Chỉ dẫn pháp lý quan trọng

Các kết luận nêu trên của Tòa phù hợp với quan điểm của các quốc gia tham gia Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), theo đó các bên cam kết tự kiềm chế các hoạt động nhằm không làm phức tạp thêm tình hình, leo thang tranh chấp, nhất là ở các thực thể bị tranh chấp ở ngoài khơi Biển Đông, và ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trong đó có bảo vệ môi trường biển.

Các bên tham gia DOC có thể tham khảo phán quyết để phát triển những cam kết đã có của mình thành những quy định có tính ràng buộc pháp lý, nhằm điều chỉnh hành vi của các quốc gia tại các thực thể địa lý bị tranh chấp và vùng lãnh hải của những thực thể nổi trên mực thủy triều cao.

Phán quyết của Tòa về quyền đánh cá truyền thống của ngư dân trong lãnh hải của Bãi cạn Scarborough cũng là một chỉ dẫn pháp lý quan trọng mà Việt Nam có thể tham khảo, viện dẫn trong đấu tranh bảo vệ ngư dân Việt Nam hoạt động tại các ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa.

Trong trường hợp Bãi cạn Scarborough, Tòa thừa nhận có tranh chấp về chủ quyền đối với thực thể này và Tòa không xem xét vấn đề này. Tòa khẳng định việc không xem xét tranh chấp chủ quyền không ảnh hưởng đến việc xem xét quyền đánh cá truyền thống của ngư dân trong lãnh hải Bãi cạn Scarborough, vì luật quốc tế về quyền đánh cá truyền thống áp dụng như nhau đối với cả Trung Quốc và Philippines, bất luận bên nào có chủ quyền.

Tòa cho rằng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân được luật quốc tế bảo vệ như những quyền của cá nhân trước sự phát triển của các chế định về chủ quyền và biên giới quốc gia. UNCLOS 1982 quy định rõ về việc bảo vệ quyền đánh cá truyền thống trong vùng nước quần đảo và duy trì chế độ pháp lý đã có của lãnh hải, trong đó bao gồm cả sự tồn tại của quyền đánh cá truyền thống. Tòa cũng nhận thấy rằng đại bộ phận các hoạt động đánh cá truyền thống đều diễn ra ở các vùng biển gần bờ. Ở Bãi cạn Scarborough, Tòa kết luận rằng việc các tàu chính phủ của Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt từ tháng 5/2012 trong khi ngư dân Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường là không phù hợp với sự tôn trọng mà luật quốc tế dành cho quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines.

Từ những phân tích trên, có cơ sở để hy vọng rằng phán quyết ngày 12/7 sẽ được nhiều nước tôn trọng, viện dẫn trong nỗ lực song phương hay khu vực nhằm kiểm soát nguy cơ xung đột và tiến tới giải quyết các tranh chấp về quyền đối với các vùng biển ở Biển Đông. Tiền lệ án quốc tế là một nguồn của luật pháp quốc tế. Phán quyết của các cơ chế tài phán quốc tế nếu được thừa nhận rộng rãi, được viện dẫn, áp dụng trong giải quyết các tranh chấp khác sẽ trở thành luật tập quán quốc tế có giá trị ràng buộc chung.    

 

(Thành viên Hội Luật gia Việt Nam)