📞

Những rắc rối có làm ông Trump lo lắng?

Quang Đào 14:00 | 20/08/2022
Cuộc điều tra của Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump đang là một trong những sự kiện nổi bật trên chính trường Mỹ những ngày qua.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vướng phải không ít bê bối trong thời gian qua. (Nguồn: AP)

Ngày 8/8 vừa qua, một sự kiện bất thường và kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ đã xảy ra. Các đặc vụ của FBI bất ngờ đến khám xét dinh thự riêng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.

Ông Matthew Dallek, sử gia chuyên viết về Tổng thống Mỹ, nêu quan điểm, việc FBI hay bất cứ cơ quan thực thi pháp luật nào “đột kích” nhà của một cựu tổng thống là chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Vụ khám xét “lặng lẽ”

Khoảng 9 giờ sáng 8/8, 20 đặc vụ FBI mang theo lệnh khám xét đến dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Trump ở Palm Beach, Florida và lấy đi mọi tài liệu thuộc sở hữu nhà nước, có thể thuộc sở hữu của ông Trump lúc còn nắm quyền nhưng phải giao lại cho Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ (NARA) căn cứ theo Đạo luật Tài liệu Tổng thống 1978. NARA là cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm bảo quản các hồ sơ lịch sử và chính phủ.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 1/2021, các quan chức phát hiện ông Trump đã mang 15 hộp tài liệu từ Nhà Trắng về nhà riêng ở Mar-a-Lago, Florida. Và, một cuộc điều tra đã được tiến hành.

NARA đã yêu cầu ông Trump trả lại 15 hộp tài liệu nói trên vào tháng Giêng vừa qua. Cơ quan này cho biết, trong số tài liệu đó bao gồm một số giấy tờ được đánh dấu “thông tin an ninh quốc gia thuộc diện mật”, quà tặng, thư từ và đồ lưu niệm.

Sau đó, NARA chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Tư pháp để điều tra việc xử lý trái phép các tài liệu mật có vi phạm luật liên bang hay không theo Đạo luật Tài liệu Tổng thống, ban hành năm 1978.

Tháng Tư vừa qua, một đại bồi thẩm đoàn bắt đầu xem xét liệu cựu Tổng thống Trump có vi phạm Đạo luật trên hay không. Bộ Tư pháp Mỹ đã mở điều tra liên bang và đưa ra một số yêu cầu, bao gồm việc yêu cầu NARA chuyển giao bản sao của số tài liệu thu được hồi tháng Giêng.

Sau đó, đội ngũ công tố phụ trách vụ việc cùng một nhân viên tư pháp địa phương gặp thẩm phán bang Florida Bruce Reinhart xin lệnh khám xét, khẳng định các nhà điều tra nắm đủ thông tin chứng minh cựu Tổng thống Trump tiếp tục sở hữu tài liệu phi pháp và đang cất giữ chúng ở Mar-a-Lago. Thẩm phán Reinhart xem xét mọi bằng chứng và ký lệnh khám xét. Ngày 11/8, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết đích thân ông đã phê duyệt lệnh xét nhà ông Trump và khẳng định bộ này “không hề xem nhẹ một quyết định như vậy”.

Vì Cơ quan mật vụ Mỹ (USS) vẫn còn chịu trách nhiệm bảo vệ cựu Tổng thống Trump nên FBI phải liên hệ thông báo trước và xin phép đi vào Mar-a-Lago. Ngày hôm đó nhân viên USS cùng cảnh sát Palm Beach cũng có mặt. Toàn bộ vụ khám xét đã diễn ra trong lặng lẽ, đến mức chính ông Trump cũng không biết gì và kết thúc lúc bảy giờ tối ngày 8/8.

Sau khi vụ việc diễn ra, ông Trump cho biết các đặc vụ FBI đã “đột kích” vào khu nghỉ dưỡng ở bang Florida của ông mà không báo trước, thậm chí phá két an toàn trong dinh thự này.

Đạo luật Tài liệu Tổng thống năm 1978 được ban hành sau bê bối Watergate năm 1972, quy định tài liệu của Tổng thống Mỹ là tài sản nhà nước chứ không phải tài sản cá nhân tổng thống. Song chưa bao giờ có trường hợp một cựu tổng thống bị trừng phạt vì vi phạm đạo luật này. Ngoài ra, đạo luật cũng không quy định chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm.

FBI tìm kiếm những gì?

Ngày 11/8, Washington Post đưa tin, các đặc vụ liên bang Mỹ đã tìm kiếm những tài liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân khi khám xét tư dinh của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, ngày 12/8, một thẩm phán liên bang đã mở niêm phong lệnh khám xét và biên nhận tài sản từ cuộc khám xét này. Lệnh khám xét xác định ba tội danh liên bang mà Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét như một phần của cuộc điều tra. Đó là vi phạm Đạo luật Gián điệp, cản trở công lý và xử lý hình sự đối với hồ sơ chính phủ. Việc bao gồm các tội danh này cho thấy Bộ Tư pháp có lý do để điều tra cụ thể vì họ đang thu thập bằng chứng trong cuộc khám xét, nhưng không ai bị buộc tội.

Theo biên nhận lệnh khám xét, các đặc vụ liên bang đã thu giữ: một bộ tài liệu “tối mật/SCI”, bốn bộ tài liệu “tuyệt mật”, ba bộ tài liệu “bí mật” và ba bộ tài liệu “mật”. Biên nhận trát không nêu chi tiết những tài liệu mật như vậy nói về cái gì, nhưng đây là một trong những mục đã được lấy đi: một tài liệu về việc ân xá cho Roger Stone, một đồng minh trung thành của ông Trump, người đã bị kết tội nói dối Quốc hội vào năm 2019 trong cuộc điều tra về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Ngoài ra, còn có tư liệu về “Tổng thống Pháp”.

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 15/8 đã phản đối việc công khai những bằng chứng dẫn đến lệnh khám xét nhà của ông Trump. Bộ này cho rằng những bằng chứng đó sẽ giúp chính phủ tiếp tục các cuộc điều tra, cung cấp chi tiết về hướng điều tra, nhưng theo khía cạnh nào đó điều này có thể ảnh hưởng đến các bước điều tra tiếp theo.

Mặc dù vậy, Bộ này cho biết sẽ không phản đối công bố những tài liệu được niêm phong khác liên quan đến chiến dịch khám xét như bìa ngoài của các tài liệu được niêm phong và bản yêu cầu niêm phong của chính phủ.

Theo AP, quá trình xin lệnh khám xét phải được thực hiện bí mật để tránh đánh động người sắp bị xét nhà và mọi hồ sơ tòa án liên quan đơn xin khám xét cũng sẽ được niêm phong. Hồ sơ chỉ được mở khi khởi tố vụ án hình sự, tuy vậy, các nhà chức trách vẫn có quyền giữ mật các tài liệu này sau khi vụ án được khởi tố. Người bị khám xét có quyền xem lệnh nhưng không được xem tờ trình của FBI.

Phản ứng của các bên

Cuộc điều tra đã khiến chính trường Mỹ tạm thời chia thành hai phe với những luồng quan điểm rất khác nhau. Phe đảng Dân chủ ủng hộ quyết định của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ và ngược lại, đảng Cộng hòa thì tìm mọi cách bảo vệ danh tiếng và uy tín của ông Trump.

Các thành viên phe Cộng hòa từ Chủ tịch Ronna McDaniel của Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa cho tới đối thủ tiềm năng của cựu Tổng thống Trump trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống vào năm 2024 là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đều lặp lại tuyên bố rằng cuộc khám xét của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI mang “động cơ chính trị” và điều đó ngăn cản ông Trump trở lại nắm quyền.

Trong khi đó, bà Carolyn B. Maloney, chủ tịch Ủy ban Giám sát và cải cách Hạ viện Mỹ thuộc đảng Dân chủ, nói rằng việc ông Trump bị cáo buộc xử lý sai các tài liệu-vốn có thể “gây rủi ro cho an ninh quốc gia”-là hợp pháp và cam kết tìm ra hành vi sai trái nghiêm trọng của cựu tổng thống. Đối với các thành viên đảng Dân chủ và những người phản đối ông Trump, đó là bước tiến mới trong việc thực thi công lý và là bằng chứng cho thấy không ai, ngay cả một cựu tổng thống, là “bất khả xâm phạm”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 14/8 cho hay, chính phủ Mỹ không can thiệp vào vấn đề liên quan đến cuộc khám xét dinh thự của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như việc phát hiện các tài liệu mật tại các địa điểm này.

Về phần mình, cựu Tổng thống Mỹ phản biện rằng các tài liệu bị thu giữ đều đã được giải mật và ông sẽ chuyển chúng cho Bộ Tư pháp nếu được yêu cầu. Ông cũng khẳng định FBI có thể có được những tài liệu này bất cứ lúc nào mà không cần chơi trò chính trị và đột kích vào dinh thự của ông ở Mar-a-Lago.

Vụ việc này khiến ông Trump tiếp tục rơi vào những rắc rối pháp lý. Hiện, cựu Tổng thống Mỹ đang liên quan tới ba cuộc điều tra riêng biệt, bao gồm một cuộc điều tra ở Atlanta vì âm mưu gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, một cuộc điều tra khác ở New York về các vấn đề tài chính của công ty bất động sản của ông và cuộc điều tra thứ ba bởi một ủy ban của Hạ viện Mỹ về cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol vào tháng 1/2021.

Thế nhưng, đối với cựu Tổng thống Mỹ, cuộc điều tra của FBI dường như không khiến ông quá lo lắng. Ở một khía cạnh nào đó, ông Trump đang tận dụng vụ việc để xoay chuyển bất lợi thành lợi thế trong chiến lược chính trị, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là việc chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2024.

(tổng hợp)