Những diễn biến bất ngờ 2016
Nhìn tổng thể, quan hệ quốc tế ở Biển Đông năm 2016 chia làm ba giai đoạn tương đối rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm, gam màu chính vẫn là cuộc đấu tranh giữa một bên là tham vọng vượt quá khuôn khổ luật pháp quốc tế của Trung Quốc với một bên là nhu cầu của nhiều nước, trong đó có Mỹ, một số nước ASEAN, Nhật và Australia trong việc duy trì an ninh, hòa bình, và tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.
Tháng 2/2016, dù bị cho là đã bước vào giai đoạn "vịt què", chính quyền của Tổng thống Obama vẫn tổ chức thành công cuộc họp Thượng đỉnh Sunnylands với lãnh đạo 10 nước ASEAN, xác lập khuôn khổ hợp tác lâu dài Mỹ-ASEAN. Tuyên bố chung của cuộc họp này, tuy không trực tiếp đề cập đến Biển Đông và Trung Quốc, đã nhấn mạnh lợi ích tương đồng của Mỹ và các nước ASEAN là tinh thần thượng tôn pháp luật, cam kết tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết tranh chấp, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác. Trong suốt giai đoạn đầu năm 2016, các chính trị gia Mỹ cũng mạnh mẽ chỉ trích hành động của Trung Quốc tại nhiều diễn đàn đa phương khác nhau.
Trong khi đó, Trung Quốc tiến hành cuộc vận động quốc tế với quy mô lớn chưa từng có, thuê các trang quảng cáo uy tín và phổ thông nhất nhằm tuyên truyền lập trường của mình ở Biển Đông. Trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm gây căng thẳng. Trong tháng 3/2016, quan hệ Trung Quốc - Malaysia và Indonesia ở Biển Đông đột ngột nóng lên khi hàng trăm tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt cá trái phép gần bãi Nam Luconia, cách bờ biển của Malaysia khoảng 80 hải lý; đồng thời tàu chấp pháp Trung Quốc đã ngang nhiên tiến vào vùng lãnh hải quần đảo Natuna của Indonesia để giải cứu một tàu cá đánh bắt trái phép của nước này đang bị phía Indonesia bắt giữ đưa về xét xử. Rất may trong cả hai trường hợp, các bên đã không có các hành động vượt quá khả năng kiểm soát.
Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là dấu mốc tạo bước ngoặt ở Biển Đông. Thắng lợi vượt xa kỳ vọng của Philippines đã tạo cơ hội cho nhiều nước tranh chấp trong khu vực bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tạo một thực tế pháp lý mới trong việc xác định khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ngay sau phán quyết, Trung Quốc chuyển sang thế thủ, chỉ đưa ra các tuyên bố cầm chừng, không phản ứng quyết liệt trên thực địa như nhiều nhà quan sát dự báo. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cũng phản ứng khá bất ngờ. Tổng thống Duterte mới lên nắm quyền ở Philippines tuyên bố, phán quyết chỉ là một tờ giấy và quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp. Mỹ và nhiều nước với lý do để bị đơn có thêm thời gian "hấp thụ" phán quyết đã không có các phát ngôn hoặc hành động đáng kể tạo sức ép đối với Bắc Kinh.
Tính đúng đắn của chiến lược xoa dịu Trung Quốc sau phán quyết còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng kể từ ngày có phán quyết, Trung Quốc đã từng bước xác lập lại vị thế ở Biển Đông. Các hội nghị cấp cao đa phương do ASEAN chủ trì tại Lào tháng 9/2016 không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài, chủ yếu chỉ đề cập các vấn đề mang tính nguyên tắc ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc đàm phán và thông qua bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian nhanh nhất. Ở cấp độ song phương, Trung Quốc tập trung mũi nhọn phê phán chính sách của Singapore ở Biển Đông, song trong tháng 10/2016 tích cực đón Tổng thống Philippines và Thủ tướng Việt Nam, hai nước chịu tác động mạnh nhất của hoạt động của Trung Quốc trong thời gian qua. Cùng với việc triển khai các dự án hợp tác lớn với các nước khác như Indonesia và Malaysia, Trung Quốc đã cơ bản làm chủ được tình hình sau phán quyết.
Tương lai và khả năng hợp tác 2017
Những vận động mạnh và bất ngờ trong năm 2016 như sự xoay chuyển chính sách của Philippines ở Biển Đông, kết quả của vụ kiện của Philippines, và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ dẫn đến tương lai khó đoán định của khu vực trong thời gian tới.
Trong giai đoạn đầu năm 2017, tình hình Biển Đông có thể không xảy ra các tình huống bất ngờ gây căng thẳng cao do các nước đều trong giai đoạn chờ đợi và thăm dò chuyển động trong chính sách của chính quyền mới ở Mỹ và khả năng hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc có thể tận dụng sức mạnh kinh tế, tập trung vào hợp tác kinh tế, thương mại biển, vừa đóng vai trò dẫn dắt khu vực bước vào một trật tự mới do Trung Quốc xác lập, vừa nhằm tiêu thụ năng lực cung ứng, vận tải và sản xuất hàng hóa dư thừa.
Mỹ có thể chưa có hành động rõ ràng ở Biển Đông bởi chính quyền Donald Trump cần thêm thời gian để định hình chính sách. Tuy nhiên, với các tuyên bố hiện nay, nhiều khả năng chính quyền Mỹ sẽ bớt mặn mà với ngoại giao đa phương, giảm xử lý vấn đề Biển Đông qua các kênh đa phương, trong đó có ASEAN.
Đối với các nước Đông Nam Á, Philippines trong năm Chủ tịch ASEAN nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ thái độ mềm mỏng với Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác song phương. Indonesia và Malaysia ít có khả năng điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc do tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề nội bộ và muốn tranh thủ quan hệ kinh tế và nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Campuchia tiếp tục hoặc ủng hộ lập trường Trung Quốc hoặc giữ thái độ im lặng, mập mờ để nhận các khoản tài trợ lớn. Nếu không có những tình huống tiêu cực đột biến, vấn đề Biển Đông có thể không trở thành yếu tố nổi trội và gây căng thẳng trong chương trình nghị sự của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Trong triển vọng còn chưa chắc chắn của tình hình 2017, những mầm mống cho hợp tác ở Biển Đông đã hình thành. Đó trước hết là quyết tâm của các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng COC và các cơ chế kiểm soát các sự vụ bất ngờ và giảm thiểu khả năng đâm va giữa tàu thuyền các nước như nêu rõ trong Tuyên bố chung tháng 9/2016 nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại giữa hai bên. Bên cạnh đó, dù Trung Quốc hiện phản đối phán quyết của tòa, nội dung của tài liệu này chắc chắn sẽ là cơ sở quan trọng cho các đàm phán thực chất. Cùng với sự quan tâm của các đối tác khác ngoài khu vực, hy vọng năm 2017 sẽ chứng kiến những bước phát triển tích cực, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông.