Theo Walton, việc cho phép một tay chụp ảnh từ cơ quan truyền thông Nga vào Phòng Bầu dục là hành động khinh suất đáng ngại. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Phòng Bầu dục hồi đầu tháng Năm, các phóng viên và phóng viên ảnh Mỹ không được có mặt trong cuộc gặp này, nhưng một phóng viên ảnh từ hãng thông tấn Nga lại được phép. Điều này khiến một số hãng tin Mỹ nổi giận. Giới bình luận nhanh chóng đặt câu hỏi: có phải là khôn ngoan khi cho phép phóng viên ảnh của Nga mang các thiết bị điện tử đi vào Phòng Bầu dục. Đáp lại, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Cohen trả lời: “Không, không hề”.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Henry Cabot Lodge chỉ vị trí gắn con bọ trong bản sao Quốc huy Mỹ bằng gỗ. (Nguồn: Getty) |
Thực tế, Kremlin trước đây đã là bậc thầy cài các thiết bị nghe lén tại những tòa nhà Chính phủ nhạy cảm nhất của Mỹ. Thời Chiến tranh Lạnh, tình báo Liên Xô từng sử dụng TASS làm bình phong cho hoạt động gián điệp và trong một chiến dịch, đã dùng cơ quan này để cấy con bọ tại trung tâm Capitol Hill.
Rệp điện tử trong Quốc huy Mỹ
Liên Xô được đánh giá là bậc thầy về bọ điện tử. Sứ quán Mỹ ở Moscow là một trong những mục tiêu nổi bật nhất của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB). Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, một đợt rà quét điện tử toàn bộ Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đã phát hiện 120 microphone giấu kín. Chúng “được đặt chếch lên, ở chân mọi bàn và ghế được bàn giao, trong lớp vữa tường, ở bất kỳ đâu và ở mọi chỗ”.
Một trong những phát hiện về máy nghe trộm đặc biệt nhất tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow diễn ra năm 1952, khi một chuyên gia rà quét điện tử nghe được giọng Đại sứ Mỹ George Kennan, nhưng không ai tìm nổi vị trí nó được truyền phát từ đâu. Sau khi gia công tìm kiếm, cuối cùng, người ta lần ra nó trong bản sao Quốc huy Mỹ bằng gỗ - món quà mà Liên Xô đã tặng Chính phủ Mỹ hồi kết thúc chiến tranh và được trưng bày trong phòng làm việc tại sứ quán của Đại sứ Kennan.
Khi chuyên gia an ninh dùng búa đập bung món quà, người ta tìm thấy con bọ hình cây bút chì giấu bên trong một khoang kim loại dài khoảng 25 cm. Con bọ điện tử đã tiếp âm từng lời Đại sứ Kennan trong phòng làm việc và truyền cho bộ phận nghe lén của Liên Xô. Sự tinh vi của nó khiến an ninh phương Tây sững sờ: đó là một thiết bị cộng hưởng, không cần nguồn điện ngoài, cho nên có thể hoạt động vĩnh cửu. Nó truyền sóng khi các kỹ thuật viên Liên Xô ở tòa nhà gần đó dùng vi sóng kích hoạt. Các chuyên gia rà quét của Mỹ phát hiện được con bọ nhờ đề nghị ông Kennan vờ đọc một điện tín, để phía Liên Xô kích hoạt nó và phía Mỹ mới có thể tìm ra. Sau này ông Kennan nhớ lại ông cảm thấy “rất rõ rệt về sự hiện diện vô hình” trong văn phòng của mình. Buổi sáng sau khi tìm thấy thiết bị gián điệp, ông Kennan ghi lại trong hồi ký: “Không khí giận dữ và thù nghịch đặc quánh đến mức có thể dùng dao cắt được”.
Giám đốc Cơ quan An ninh Mỹ John Reilly (bên phải) cầm bọ gián điệp được tìm thấy bên trong bản sao Quốc huy Mỹ. (Nguồn: Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ) |
Chiến dịch táo bạo
Ngoài việc cài con bọ ở sứ quán các kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh của mình ở Moscow, tình báo Liên Xô còn tìm cách cài đặt bọ gián điệp tại đầu não chính quyền Mỹ ở Washington: Quốc hội. Chỉ huy các hoạt động của KGB tại Mỹ Oleg Kalugin - người làm việc cho KGB suốt 32 năm và là một trong những vị tướng trẻ nhất của đơn vị này, đã mô tả kế hoạch của KGB nhằm cài thiết bị vào Quốc hội Mỹ như là một trong những chiến dịch táo bạo nhất của họ. Trong tiết lộ đã được công bố của mình, Kalugin cho biết những năm 1960, ban đầu KGB tính toán cài đặt microphone tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ với hy vọng nghe được các phiên họp kín của họ. Tuy nhiên, do an ninh ở đây quá cẩn mật, cuối cùng, KGB quyết định nhắm tới Ủy ban các cơ quan vũ trang Hạ viện - nơi cũng thảo luận mọi khía cạnh của các vấn đề quân sự tối mật của Mỹ trong các phiên họp kín. Kế hoạch của KGB là dùng phóng viên lén đưa con bọ vào phòng điều trần của Ủy ban trong một phiên họp mở và để nó lại đó. Con bọ không dây dùng pin loại nhỏ, giấu trong thanh gỗ mỏng và có các đinh kim loại sắc bén dùng để cố định nó bên dưới một chiếc bàn.
Mùa hè 1967, KGB quyết định triển khai kế hoạch nghe trộm Quốc hội Mỹ. Sau khi đi lòng vòng một lúc vào cuối buổi điều trần mở của Ủy ban các cơ quan vũ trang, một phóng viên đã lén móc con bọ khỏi túi, gắn dưới bàn và ra về. Tuy nhiên, đợi trong một chiếc xe cách Capitol vài tòa nhà, các kỹ thuật viên KGB không bắt được tín hiệu từ con bọ. Thực tế, giới chức Mỹ đã phát hiện ra nó, vô hiệu hóa và để nó nguyên vị. Nhiều năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Kalugin tới Mỹ và bị Moscow kết tội phản quốc, một thành viên của cộng đồng tình báo Mỹ đã nói với Kalugin rằng FBI đang đợi KGB tới gỡ con bọ của họ.
KGB cũng đặt máy nghe trộm thành công ở các sứ quán của Mỹ và đồng minh tại Moscow thời Chiến tranh Lạnh. Chẳng hạn, năm 1983, Sứ quán Pháp phát hiện các con bọ trong các máy in điện báo của họ đã tiếp âm điện đến và đi gửi tới KGB trong sáu năm qua. Tình báo Liên Xô cũng thâm nhập sứ quán Italy. Sử gia tình báo hàng đầu thế giới Christopher Andrew cho rằng nhờ có biện pháp nghe trộm, ở những giai đoạn then chốt thời Chiến tranh Lạnh, Pháp và Italy mới tiến hành ngoại giao cởi mở hơn đối với Liên Xô. |
Bọ gián điệp của MI5
Các cơ quan tình báo Anh rất giỏi nghe trộm điện tử giống các đồng nghiệp Liên Xô. “Chuyên gia chống gián điệp” đào ngũ của Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI-5) Peter Wright - người làm việc trong bộ phận kỹ thuật của MI5 - tiết lộ ông và các cộng sự “cài thiết bị và đào tường khoét vách khắp London theo yêu cầu của nhà nước”. Trong một chiến dịch năm 1956, Wright cải trang làm kỹ thuật viên điện thoại, lọt được vào Đại sứ quán Ai Cập ở London và cài một microphone kín cho phép tình báo Anh tấn công máy mật mã an toàn của sứ quán này. Chiếc microphone nhạy đến mức có thể bắt được cả tiếng gõ bàn phím lách cách. Sở dĩ máy mật mã của Đại sứ quán Ai Cập được các chuyên gia giải mã Anh đặc biệt chú ý vì chúng rất có ích trong bối cảnh Anh mở cuộc tấn công vào Ai Cập trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez.
Thời Chiến tranh Lạnh, MI5 cài đặt các microphone tại trụ sở Đảng Cộng sản Anh (CPGB) ở London với mục đích phát hiện hoạt động gián điệp của Liên Xô. Được gọi là “trang thiết bị đặc biệt,” những con bọ này cung cấp cho MI5 những bí mật nội bộ của CPGB và việc ban lãnh đạo của đảng này nhìn nhận các sự kiện trên thế giới như thế nào. Các con bọ của MI5 ở CPGB có mật danh “cái bàn”, có lẽ ám chỉ nơi bố trí chúng, cũng có thể chúng chính là điện thoại để bàn với phần ống nghe đã được chỉnh sửa.
Tình báo Anh cũng nghe trộm các cuộc đàm phán ngoại giao mật của các thuộc địa Anh đang tìm kiếm độc lập, các cuộc hội đàm diễn ra trong lâu đài Lancaster tại quận St James, London. Anh cần biết các thuộc địa cũ của nước này đang vận động độc lập theo phe nào của Chiến tranh Lạnh, do vậy, những thông tin nghe lén được đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Theo Calder Walton, tình báo Anh thậm chí còn được cho là cài cả microphone trong nhà vệ sinh ở Lâu đài Lancaster, nơi các đoàn đại biểu thuộc địa thảo luận kín các chiến thuật đàm phán. Một cựu quan chức thuộc địa cao cấp của Anh cho rằng việc có được bản ghi các cuộc trò chuyện kín bị nghe lén của các đoàn đại biểu thuộc địa tại lâu đài Lancaster cũng tương đương với việc chơi một ván bài poker và biết tẩy đối phương.