📞

Nice - “Thủ đô” của Hồi giáo cực đoan

13:56 | 25/07/2016
Tuần báo L’Express (Pháp) số ra mới đây gọi Nice, tỉnh lỵ của tỉnh Alpes-Maritimes là “cái ổ” hay “thủ đô” của Hồi giáo cực đoan. 

Bởi lẽ, trên tổng số 1.400 người Pháp hoặc người sống ở Pháp có tên trong danh sách “có liên hệ với Hồi Giáo cực đoan” năm 2015, có tới 10% sống tại vùng Alpes-Maritimes. Tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình ở các vùng khác có cùng quy mô.

Làn sóng âm ỉ

Theo số liệu vùng Alpes-Maritimes cung cấp cho tuần báo L’Express, có 50 người từ vùng này đã gia nhập đội quân Hồi giáo cực đoan chiến đấu ở Syria và Iraq và đã đưa theo 11 trẻ em. Chưa kể 5 người đã thiệt mạng tại các nước này, 15 người khác bị bắt khi quay trở lại Pháp và 50 người có ý đồ ra đi, nhưng bị cảnh sát giám sát chặt chẽ. Đáng ngại hơn, 170 người đã bị cơ quan tình báo cho vào danh sách những người cực đoan hóa và có khả năng trở thành khủng bố. Và phần lớn những người này sống tại Nice.

Một người bị thương được đưa khỏi hiện trường vụ tấn công ở Nice ngày 14/7 vừa qua. (Nguồn: CNN/Zuma Press)

L’Express đặt câu hỏi tại sao và làm thế nào mà Nice lại trở thành “thủ đô” của Hồi giáo cực đoan?

Mọi chuyện bắt đầu được chú ý vào cuối năm 2012 khi cơ quan chống khủng bố bắt giữ một nhóm người ở vùng Côte d’Azur và Paris có âm mưu khủng bố bằng lựu đạn ở một cửa hàng ở Sarcelles. Cơ quan chống khủng bố coi đây là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất kể từ 15 năm trước đó. Nhưng hai tên đến từ Côte d’Azur đã trốn thoát.

Năm 2014, một trong hai tên này đã bị bắt khi trở về từ Syria. Hắn bị nghi ngờ đã cầm đầu một nhóm cực đoan thuộc mạng lưới al Qaeda. Khi khám xét chỗ ở của tên này, cảnh sát đã phát hiện một kho chất nổ và ngay sau đó có tin đồn cảnh sát đã phá vỡ âm mưu khủng bố vào dịp lễ hội Carnaval ở Nice, cho dù nhà chức trách khẳng định không tìm thấy chứng cớ tên này có liên quan.

Cũng vào đầu năm 2014, một thanh niên 17 tuổi sống ở Nice bị bắt và tạm giữ sau khi trở về từ Syria. Và sau đó, tháng 8/2014, một người gốc Chechnya cũng bị bắt ở sân bay Nice do bị nghi ngờ thanh toán vé máy bay cho một thiếu nữ 16 tuổi đang chuẩn bị lên máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ và có kế hoạch sang Syria.

Tới tháng 11/2014, một thanh niên 19 tuổi đã bị bắt ở sân bay khi từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về và bị nghi ngờ đã chiến đấu ở Syria. Người này bị tạm giữ để điều tra về việc tập hợp những kẻ xấu có liên hệ với một tổ chức khủng bố. Sau đó ít lâu, thông tin một gia đình gồm 11 thành viên, trong đó có cả trẻ em, đã vượt biên giới gia nhập thánh chiến đã gây chấn động dư luận.

Hậu quả không nhỏ

Nếu loạt vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11/2015 gây ra tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Pháp thì thảm kịch đẫm máu tại Nice ngày 14/7 vừa qua, cộng với việc cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit), sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Pháp, đặc biệt là trong năm 2017.

Hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố bằng xe tải tại Nice. (Nguồn: AP)

Theo Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng Natixis Philippe Waechter, mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của vụ tấn công tại Nice đối với kinh tế Pháp, song không thể phủ nhận rằng vụ tấn công này có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới nước Pháp.

Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và phát triển doanh nghiệp Coe-Rexecode, ông Denis Ferrand thì tỏ ra thận trọng hơn, song cũng cho rằng các cuộc tấn công trong những thập niên gần đây được nhìn nhận như các sự kiện rời rạc nhưng đều có tác động tức thì tới kinh tế.

Theo ông Ferrand, vụ khủng bố tại Nice đã đánh dấu sự thay đổi quy mô và mức độ các tác động đối với kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Nhà kinh tế Jean - Baptiste Pethe thuộc công ty môi giới tài chính Exane BNP Paribas cho rằng, đà phục hồi mong manh trong quý I năm 2016 của kinh tế Pháp có thể bị chững lại do chịu tác động nặng nề vì vụ khủng bố tại Nice.

Chuyên gia Philippe Waechter cho rằng, không chỉ tác động tới ngành du lịch, các cuộc tấn công lặp đi lặp lại cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Pháp. Bởi Nice thuộc Côte d’Azur - vùng ven biển men theo Địa Trung Hải, nơi có nhiều thành phố nghỉ mát nổi tiếng. Đây là khu vực được các nhà đầu tư bất động sản Anh, Nga, Trung Quốc rất quan tâm. Nếu vụ khủng bố tại Nice khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, thì các tác động có thể sẽ rất tiêu cực đối với toàn bộ khu vực.

Không chỉ có vậy, Nice còn là thành phố du lịch hàng đầu của Pháp, mỗi năm đón 5 triệu khách du lịch, chiếm 40% lượng khách đến vùng Côte d’Azur. Ngành du lịch tại Nice hàng năm tạo ra thu nhập khoảng 1,5 tỷ Euro. Vụ tấn công vào Nice cũng là tấn công vào kinh tế Pháp - vốn đã suy yếu bởi các vụ khủng bố trước đó.

Một số nhà phân tích khác cho rằng, sau khi Giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 được tổ chức thành công, Pháp đã nhận được nhiều đánh giá khá tích cực. Tuy nhiên, những tín hiệu khả quan này đã tan biến sau vụ tấn công ở Nice. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc Pháp điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng 1,6% cho năm 2016. Và có thể, những đám mây đen này cũng sẽ bao phủ và tác động tiêu cực tới kinh tế Pháp trong năm 2017.

(tổng hợp)