📞

Niềm vui và nỗi buồn từ Hội nghị G8

07:09 | 27/06/2013
“Tuy có những quan điểm khác nhau về vấn đề Syria, nhưng tất cả chúng ta đều mong muốn chấm dứt xung đột này và giúp người dân Syria đạt được sự thay đổi mà họ mong đợi” - Phát biểu của Thủ tướng Anh David Cameron tại cuộc họp báo sau Hội nghị G8
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G8 hôm 18/6.

Cuộc họp thượng đỉnh gồm lãnh đạo G8 và đại diện EU từ 17 – 18/6 diễn ra trong không khí lạc quan khi nền kinh tế Mỹ đang hồi phục khá tốt với chỉ số chứng khoán Dow Jones và giá đồng đôla Mỹ tăng đều đặn. Tuy nhiên, bức tranh sáng màu đó bị che lấp phần nào bởi cuộc khủng hoảng Syria đang ngày một nóng lên. Niềm vui, nỗi buồn của Hội nghị G8 cũng chính là ở đó.

Niềm vui của chủ nhà

Đối với cá nhân Thủ tướng Anh David Cameron, hội nghị G8 năm nay vừa là trọng trách, vừa là cơ hội để củng cố lòng tin trong nước. Hiểu được tâm lý chán nản của cử tri về tình hình kinh tế châu Âu chưa khởi sắc, Thủ tướng nước chủ nhà đã đưa ra chương trình nghị sự nhấn mạnh về kinh tế với 3T – thương mại (trade), thuế (tax) và sự minh bạch (transparency). Qua đó, ông Cameron muốn khẳng định với người dân Anh rằng phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cùng với việc vận hành hiệu quả bộ máy nhà nước vẫn là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ.

Điểm nhấn lớn nhất về kinh tế trong Hội nghị năm nay là quyết định khởi động đàm phán về khu vực tự do thương mại Mỹ - EU. Theo ông Cameron, FTA Mỹ - EU sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của EU thêm 119 tỷ Euro và của Mỹ 95 tỷ Euro, tạo thêm 2 triệu việc làm cho người Anh. Ông Cameron hoàn toàn có thể tự hào về thành quả cụ thể này của kỳ họp G8 do Anh làm chủ nhà. Nước Anh đã trở thành cầu nối hợp tác kinh tế giữa nền kinh tế Mỹ đang hồi sinh và những hy vọng mới cho châu Âu.

Cũng khá lâu rồi G8 mới có một chương trình nghị sự với nội dung phong phú như lần này, bao gồm một loạt các vấn đề từ kinh tế - thương mại, hỗ trợ phát triển châu Phi, tới các vấn đề an ninh như quá trình chuyển đổi ở các nước A-rập, an ninh hạt nhân tại Iran và Bắc Triều Tiên, kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân của IAEA, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu... Tuyên bố chung ký ngày 18/6 đã phần nào cải thiện ấn tượng về tính thiếu cụ thể trong các quyết định của G8 mấy năm qua, góp phần tăng thêm uy tín cho nước chủ nhà.

Và nỗi buồn mang tên Syria

Trái với mức độ đồng thuận cao trong quyết tâm phục hồi nền kinh tế thế giới, các nhà lãnh đạo G8 vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể trong vấn đề Syria, vốn được coi là tiêu điểm của Hội nghị lần này. Sự khác biệt quá lớn trong quan điểm của các nước, cùng với thái độ cứng rắn của Tổng thống Nga Putin đã khiến cho Thủ tướng Canada Stephen Harper phải thốt lên rằng đây không phải là cuộc họp G8 mà là G7 + 1.

Tổng thống Nga đã đưa ra những lý lẽ sắc sảo về tính hợp pháp của việc Nga bán vũ khí cho chính quyền Assad bởi đây là chính quyền đại diện cho Syria được Liên Hợp Quốc công nhận. Theo ông Putin, việc cung cấp vũ khí sát thương cho phe đối lập là trái với luật pháp quốc tế bởi Syria là một nước có chủ quyền và các nước không thể can thiệp để lật đổ một chính quyền đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, ngay trong nhóm G7 cũng chưa hoàn toàn thống nhất về cách giải quyết vấn đề Syria. Bằng chứng là Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho phe đối lập, và nhắc lại điều này khi Tổng thống Obama thăm chính thức Đức ngay sau Hội nghị G8.

Cuối cùng thì G8 cũng đạt được một số thỏa thuận đáng chú ý. Một là, các bên nhất trí thành lập một “cơ quan chính quyền quá độ lâm thời” tại Syria. Hai là, một Ủy ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành điều tra, xác minh việc sử dụng vũ khí hóa học. Ba là, thông qua gói cứu trợ nhân đạo trị giá 1,5 tỷ USD cho các nạn nhân nội chiến Syria. Quan trọng hơn, đây thực chất là một thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề Syria bằng đàm phán hòa bình, thay vì bằng biện pháp quân sự như một số nước mong muốn.

Việc Tuyên bố chung G8 không có một dòng nào về “sự hỗ trợ vũ khí cho phe đối lập”, cũng như ưu thế của Tổng thống Putin trên bàn đàm phán G8 được coi là một thắng lợi của ngoại giao Nga. Nhưng liệu niềm vui ấy có dài lâu, khi vẫn còn khác biệt trong cách hiểu của các bên về “sự ra đi của Assad”. Hơn thế nữa, “đàm phán hòa bình” cũng có nghĩa là đất nước Syria vẫn chịu đau thương trong một cuộc chiến chưa có hồi kết. Bài học về Libya chắc hẳn vẫn còn in đậm trong tâm trí các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ và làm cho cuộc mặc cả giữa hai bên về Syria tiếp tục ở thế giằng co. Xét trong bối cảnh đó, Hội nghị G8 lần này cũng mới chỉ là bước đệm cho một triển vọng chưa thực sự rõ ràng của Syria.

Dương Diệp