📞

Nô lệ tình dục - nỗi ám ảnh của phụ nữ Yazidi

09:00 | 24/09/2017
Câu chuyện của những phụ nữ và trẻ em gái Yazidi bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục chất đầy chi tiết kinh hoàng và đau đớn, nhưng nhiều người trong số họ vẫn có ý chí vô cùng mạnh mẽ để giành lại tự do.

Ngày 2/8/2014, khi hoàng hôn buông xuống, những chiếc xe lạ bắt đầu xuất hiện. Người dân tộc thiểu số Yazidi ở thị trấn Sinjar, miền Bắc Iraq có thể nhìn thấy ánh đèn từ đoàn xe đang di chuyển trên sa mạc, hướng về phía những ngôi làng.

Một phụ nữ Yazidi ở thị trấn Dohuk, miền Bắc Iraq, tháng 5/2015. (Nguồn: AFP)

“Đuổi cùng, diệt tận”

Từ hai tháng trước, những chiếc xe chở lính IS đã xuất hiện ở thành phố Mosul, cách Sinjar 120km về phía Đông. Sau khi chiếm Mosul, trong vòng một tuần, IS đã kiểm soát một phần ba lãnh thổ Iraq. Thị trấn Sinjar, có dân số khoảng 300.000 người, cũng bị IS tấn công. Sáng ngày 3/8/2014, nhóm phiến quân tiếp cận gia đình Leila, bắt nộp tiền, súng và điện thoại, rồi đưa họ tới một tòa nhà ở thị trấn Sinjar – nơi  cả nghìn phụ nữ và trẻ em gái đang bị IS giam giữ. Hàng nghìn người Yazidi, trong đó có rất nhiều nam giới, bị tử hình hoặc chôn sống, hoặc chết do mất nước, bị thương và kiệt sức. Do có quá nhiều dân thường mất tích và bị sát hại như vậy mà việc phụ nữ Yazidi trở thành nô lệ của IS đã không ngay lập tức gây được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Theo bà Vian Dakhil – nghị sĩ người Yazidi đến từ Sinjar, 6.383 người Yazidi, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị đưa đến các trại giam, các trại huấn luyện quân sự và căn cứ của IS trên khắp miền Đông Syria và miền Tây Iraq. Tại đây, phiến quân IS hãm hiếp, đánh đập và bán họ làm nô lệ tình dục. Đến giữa năm 2016, có 2.590 phụ nữ và trẻ em gái hoặc đã trốn thoát hoặc bị bán đi. Trong khi đó, 3.793 người vẫn bị giam giữ.

Người thiểu số Yazidi hầu hết là người nói tiếng Kurd và theo tôn giáo cổ. Có chưa đầy một triệu người Yazidi trên toàn thế giới. Nhiều thế hệ Yazidi đã bị áp bức khi những kẻ cai trị Hồi giáo cực đoan coi họ là người ngoại đạo. Sự trỗi dậy của IS tại Iraq một lần nữa đẩy người Yazidi vào thảm cảnh bị “đuổi cùng, diệt tận”. Tại Iraq, hiện có khoảng 500.000 Yazidi, chủ yếu ở khu vực Sinjar thuộc tỉnh Nineveh, miền Bắc nước này. Người Yazidi ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hầu hết đã chạy sang các nước láng giềng hoặc châu Âu.

Phụ nữ và trẻ em Yazidi trên đường đi lánh nạn. (Nguồn: Reuters)

Địa ngục trần gian

IS đã thực hiện hàng loạt vụ bắt cóc phụ nữ Yazidi ở Sinjar với mục đích hiếp dâm có tổ chức. Ban đầu, chúng tìm kiếm các cô gái trẻ chưa lập gia đình và cả những bé gái trên tám tuổi. Báo cáo của Ủy ban Liên hợp quốc (LHQ) về Syria khẳng định những tội ác của IS đối với người Yazidi là tội diệt chủng. Theo báo cáo, phụ nữ bị giam giữ trong các nhà tù ở Iraq và Syria có “cảm giác kinh hoàng” ngay cả khi “nghe thấy tiếng bước chân ngoài hành lang và tiếng mở cửa”. Mười hai giờ đầu tiên sau vụ bắt cóc, nỗi sợ hãi tràn ngập phòng giam. Các cô gái gào thét, vùng vẫy khi bị những tên phiến quân máu lạnh lôi đi, những phụ nữ khác thì bị đánh đập tàn nhẫn vì cố bảo vệ nhau. Họ bắt đầu cào cấu, làm bị thương chính mình để không còn hấp dẫn với những kẻ mua dâm tiềm năng. Một số phụ nữ tự tử.

Leila bị đưa đến một nhà tù vốn là trường học ở Tel Afar. Tại đây, IS tiếp tục chọn các cô gái xinh đẹp để làm nô lệ và ghi lại tên tuổi của họ trước khi đưa đi. Những phụ nữ còn ở lại thì không thể ăn vì quá sợ hãi. Vài tuần tiếp theo, một số người trốn thoát đã đi bộ xuyên qua những cánh đồng bùn lầy, men theo các thung lũng để tránh trạm kiểm soát của IS và tìm nơi ẩn náu. Nữ nhà báo người Anh Cathy Otten cho rằng trong những ngày đầu, cơ hội giải cứu phụ nữ là lớn nhất. Bởi vì khi đó, một số người bị giam giữ vẫn có điện thoại di động giấu trong quần áo để cầu cứu người thân đang lánh nạn ở khu vực người Kurd. Tuy nhiên, khi ấy, với sự trợ giúp ít ỏi của chính phủ và cộng đồng quốc tế, cảm giác bị bỏ rơi nhanh chóng tăng lên trong các gia đình nạn nhân.

Theo cựu điều tra viên LHQ Sareta Ashraph, mục đích loại trừ cộng đồng Yazidi của IS xuất phát từ ý tưởng cho rằng xã hội sẽ tốt hơn nếu không có họ. Đây cũng là lý do thường được đưa ra trong các vụ diệt chủng. Đối với các chiến binh cực đoan, phụ nữ Yazidi là “chiến lợi phẩm” trong cuộc chiến với "những kẻ ngoại đạo”. IS thậm chí còn sử dụng nô lệ tình dục như thứ để mua chuộc và tuyển dụng các tân binh. Những phụ nữ chấp nhận cải sang đạo Hồi có thể trở thành vợ của chúng và những đứa trẻ được sinh ra sẽ là lực lượng chiến binh tương lai của tổ chức khủng bố này.

Hàng nghìn người Yazidi phải rời bỏ nhà cửa sau khi IS tấn công Sinjar, tháng 8/2014. (Nguồn: Reuters)

Đấu tranh để tồn tại

IS hãm hiếp tập thể nhằm trừng phạt những phụ nữ cố gắng trốn thoát, cũng là cách chúng kiểm soát họ về thể chất và tâm lý. Mặc dù vậy, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại những kẻ đã bắt cóc họ, chấp nhận đánh đổi cả tính mạng để giành lấy tự do. Luật sư về nhân quyền Sherizaan Minwalla cho rằng cách mà phụ nữ Yazidi bảo vệ bản thân và con cái “rất thông minh, can đảm và cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc của họ”.

IS đưa chị em Zahra - con của một nông dân ở Kojo - đến nhà tù ở Raqqa, thành phố miền Bắc Syria. Zahra cho biết, ngày đầu tiên, hai hoặc ba tên IS khống chế và bịt mắt 20-40 phụ nữ rồi đưa lên xe. Những phụ nữ còn lại bôi tro lên mặt và tóc để làm mình trở nên xấu xí với hy vọng sẽ không bị bắt đi.

Khulka, 30 tuổi đến từ thị trấn Tel Qasab, đã trộn sữa của một phụ nữ đang cho con bú với tro và dùng cây kim lén mang vào trong tù để xăm tên chồng và cha mình vì nghĩ rằng nếu cô bị giết, người thân có thể nhận ra và đưa cô trở về. Cũng cây kim đó cùng vài sợi chỉ, cô thêu tên, số điện thoại lên đồ lót của mình và những phụ nữ khác để họ không bị lãng quên.

Về phần Zahra, IS đã đưa cô đến nhà của một tên lính ở Raqqa. Bốn tháng sau, tên này bán cô cho lính IS khác. Hắn thấy cô không vâng lời thì ngay lập tức bán cô cho tay súng chỉ mới 18 tuổi đang sống trong khu nhà dành cho các phiến quân người Libya, gần Deir ez-Zor, miền Đông Syria.

Về phần Leila, sau khi bị đưa đến một căn cứ quân sự gần biên giới Iraq-Syria, cô đã bị bán cho Muhammad, kẻ mà cô từng coi cha mẹ anh ta như bố mẹ đỡ đầu. Sau đó, Muhammad đưa Leila tới căn cứ quân sự gần thành phố Ramadi (Iraq) và trao cho Shakir Wahib - tên chỉ huy tàn độc khét tiếng của IS chuyên thực hiện các vụ buôn bán phụ nữ làm nô lệ tình dục cũng như tổ chức các vụ hiếp dâm. Đầu năm 2016, nhờ điện thoại của người phụ nữ mới chuyển đến, Leila đã liên hệ với anh trai. Sau các cuộc gọi qua lại giữa Leila và tay buôn lậu  tên là Abdullah, cô đã được giải thoát.

Hầu hết những tay buôn lậu đã cứu phụ nữ thoát khỏi IS vốn là thương nhân người Yazidi. Một số phụ nữ được mua lại từ phiến quân đang nắm giữ họ, hoặc từ các chợ nô lệ hoặc qua đấu giá trực tuyến. Thị trường chợ đen phát triển mạnh bởi vì các gia đình không còn lựa chọn nào khác. Người Yazidi nói rằng họ muốn tập trung cứu phụ nữ và trẻ em gái bị bắt, chứ không phải là việc giành lại lãnh thổ từ IS.

Trong khi đó, cuộc chiến giành sự sống của những phụ nữ và trẻ em gái bị IS bắt giữ sẽ còn tiếp tục rất lâu sau khi họ trở về “thân tàn ma dại” và có dấu hiệu chấn thương tâm lý nặng nề. Theo bác sĩ Nagham Nawzat Hasan, những nạn nhân bị cưỡng dâm mà ông từng điều trị “không có ý thức”, “rất mệt mỏi” và “rối loạn tâm lý”. “Chúng tôi từng nghĩ những trường hợp đầu tiên rất khó khăn. Tuy nhiên, những ca sau khi Mosul được giải phóng còn khó hơn nhiều”, bác sĩ Hasan cho biết.

Trong báo cáo công bố ngày 22/8, Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Iraq (UNAMI) và Cơ quan Nhân quyền LHQ cho rằng chính quyền Iraq phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo những nạn nhân của IS nhận được sự chăm sóc, bảo vệ và đối xử công bằng. Báo cáo cảnh báo tình trạng phân biệt đối xử với những phụ nữ kết hôn với các phần tử IS, dù họ có ưng thuận hay không, trong đó những đứa trẻ sinh ra không có giấy khai sinh hoặc giấy tờ do IS cấp không được Baghdad chấp nhận. Vấn đề đặt ra là chính quyền Iraq cần bảo đảm những đứa trẻ này sẽ không phải chịu sự kỳ thị vì nguồn gốc gia đình và được xã hội công nhận.

(tổng hợp)