📞

Nổi trôi quan hệ Mỹ-Ấn Độ

12:55 | 29/07/2011
Khi quan hệ Mỹ-Pakistan đi xuống, việc xây dựng một mối quan hệ ổn định hơn giữa Mỹ với Ấn Độ rõ ràng phục vụ lợi ích của Mỹ ở Nam Á. Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại và an ninh trong thập kỷ qua. Sau thời kỳ quan hệ căng thẳng với Pakistan, Ấn Độ trở thành ứng cử viên đồng minh mới và đáng tin cậy hơn của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, trọng tâm của mối quan hệ Mỹ - Ấn là thỏa thuận hạt nhân được thảo luận từ chính quyền Bush đã đi vào khó khăn, và có thể thất bại.
Ảnh minh họa

Chính vì tầm quan trọng của thỏa thuận - có thể giúp Ấn Độ có chân trong cộng đồng hạt nhân thế giới - nên bất kỳ thất bại nào ở giai đoạn cuối này cũng có thể phá hại khả năng và thiện chí của hai bên theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn.

Quan hệ Mỹ-Ấn đã được cải thiện kể từ thời Tổng thống Clinton, nhưng theo truyền thống, Mỹ vẫn luôn nghiêng về phía Pakistan, và thái độ này được duy trì dưới thời Bush và Obama. Sau khi Tổng thống Obama đắc cử, nhiều đồn đoán cho rằng Washington sẽ thực hiện các cam kết tranh cử là làm trung gian trong vấn đề Kashmir với hy vọng khiến Pakistan chống Taliban nhiều hơn. Tuy nhiên, Pakistan từ lâu vẫn yêu cầu Mỹ đứng ngoài vấn đề Kashmir, và lập luận cho rằng ông Obama có thể nhượng bộ khiến Ấn Độ lo lắng.

Khởi đầu quan hệ với New Delhi đầy khó khăn, nhưng chính quyền Obama cũng không chứng tỏ nỗ lực nào trong khi vẫn ủng hộ tất cả các yêu sách của Pakistan. Chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Ngoại trưởng Hillary Clinton được xem là một động thái củng cố quan hệ với Ấn Độ khi liên minh Mỹ-Pakistan đi xuống. Tuy nhiên, sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Obama và Thủ tướng Manmohan Singh, cùng với việc Mỹ ủng hộ ghế thường trực cho Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an LHQ, hầu như không có tiến triển trong quan hệ hai bên. Ấn Độ không nhiệt tình trong việc cô lập Iran cũng như công khai phản đối việc can thiệp vào Libya sau khi bỏ phiếu trắng tại LHQ, và còn nỗ lực gây ảnh hưởng tại Afghanistan gây ra các phản ứng phức tạp từ chính quyền Obama vốn đang cố gắng kết thúc cuộc chiến.

Dầu vậy, tất cả những sự vụ trên là có thể tính trước, sự trì hoãn trong thỏa thuận hạt nhân có lẽ là diễn biến đáng thất vọng nhất. Lý do nằm ở một bộ luật quy định nghiêm ngặt về trách nhiệm do Quốc hội Ấn Độ thông qua. Mỹ đã kêu gọi nới lỏng bộ luật với lý do để các công ty Mỹ không đầu tư mạo hiểm. Thế nhưng, từng đưa ra bộ luật để đổi lấy việc mở cửa thị trường hạt nhân, chính quyền Ấn Độ không thể phá vỡ nó. Ký ức của người Ấn Độ về thảm họa hóa học Bhopal 1984 và sự thiếu trách nhiệm của công ty nước ngoài, cộng với thảm hoạ hạt nhân Fukushima vừa qua ở Nhật Bản đã khiến công chúng nước này phản đối việc nới lỏng bộ luật này.

Trong khi quan hệ Mỹ-Ấn bị "trôi giạt", như bình luận của tờ Hindustan Times, Pháp và Nga đã tận dụng cơ hội Ấn Độ mở cửa thị trường hạt nhân. Nếu cả Mỹ và Ấn Độ muốn hoàn tất thỏa thuận, họ không thể xem nhẹ sự phản đối của công chúng Ấn Độ. Thực tế hơn, họ phải tìm cơ chế nào đó để Ấn Độ có thể giải quyết lo ngại của Mỹ. Về phần mình, Mỹ cũng không có lợi nếu cứ gây sức ép với Ấn Độ khiến uy tín nước này bị ảnh hưởng và khiến công chúng nước này càng phản đối nhiều hơn.

Phương Nguyên (gt)