📞

Nữ tù nhân IS ở Syria: Chờ đợi trong vô vọng

13:30 | 14/07/2018
Câu chuyện của những nữ tù nhân và trẻ em bị giam lỏng ở Syria mà không được ra tòa kết án, cũng không có đường để trở về quê nhà.

Khi chồng của Sarah Ibrahim bắt cả gia đình chuyển từ Morocco sang Syria để hoạt động cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, cô đành phải nghe theo mà không còn sự lựa chọn nào khác. Sau khi chồng Sarah mất tích – cô tin rằng chồng mình đã chết trong một cuộc không kích vào một nhà tù – cô đã phải chạy trốn với hai con trai của mình.

Họ đã bị bắt vào năm ngoái và bị đưa vào một trại tạm giam đầy bụi bặm và heo hút ở phía đông bắc Syria. Gia đình của Sarah nằm trong số hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em nước ngoài bị giam giữ tại các trại như thế này, bị mắc kẹt giữa những tranh cãi pháp lý và chính trị và không biết rõ tương lai sẽ về đâu.

Tại quê nhà, những người phụ nữ này không hề được chào đón do chính quyền lo sợ rằng họ có thể sẽ truyền bá lại hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Chính quyền khu tự trị người Kurd ở phía Bắc Syria cũng không muốn giữ những người này, và nói rằng giam giữ các công dân của nước khác vô thời hạn không phải là công việc của họ. 

Một người phụ nữ trong trại Roj – trại tạm giam các nữ phần tử IS lớn nhất miền bắc Syria. (Nguồn: New York Times)

Quốc tế lo sợ, địa phương bó tay

IS, một tổ chức khủng bố, từng gây nhiều sợ hãi tại Syria và Iraq, đã thu hút được hàng chục nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đến chiến đấu và sống trong một xã hội mà chúng tự gọi là “Hồi giáo thuần túy”. Trong số đó có nhiều phụ nữ, một số người đi theo chồng hoặc cha của họ. Những người khác thì đến với IS một mình và kết hôn, hoặc bị buộc phải kết hôn với các phần tử ở đây. Nhưng khi IS sụp đổ và bị đánh bại hoàn toàn, có rất nhiều tay súng bị giết hoặc bị bắt. Vợ con họ sống sót, được đưa vào những trại tạm giam, không được ai quan tâm.

Mặc cho chính quyền địa phương cố gắng thuyết phục các quốc gia nhận trở lại công dân, nhưng kết quả không mấy khả quan do cộng đồng quốc tế dường như đang cố gắng rũ bỏ trách nhiệm khó khăn này.

Nhiều nước, trong đó có Mỹ, cũng dành ra những khoản viện trợ cho chính quyền địa phương, nhưng số tiền đó chẳng là gì so với những gì Mỹ tài trợ cho các chiến dịch quân sự. Và tình hình quản lý tù nhân cũng gặp không ít khó khăn. Chính quyền địa phương đã cầm tù hơn 400 tay súng nước ngoài.

Nhưng chính quyền đã nhận được rất ít sự giúp đỡ trong việc đối phó với các tù nhân là phụ nữ và trẻ em hiện đang bị giam giữ trong ba trại. Các tòa án đặc biệt được mở ra để kết tội những người Syria đã từng là phần tử IS, nhưng người nước ngoài thì không bị như vậy. Và phụ nữ lẫn trẻ em trong các trại này cũng không bị buộc tội.

Hơn 900 trẻ em, hầu hết là trẻ sơ sinh đang bị gò bó tại trại Roj này. (Nguồn: New York Times)

Khó tìm được lối thoát

Tại Roj – trại tạm giam phụ nữ và trẻ em liên quan tới IS lớn nhất khu vực, có khoảng 1.400 người nước ngoài đến từ 40 quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Nga, Pháp, Đức, Mỹ… Những phụ nữ nói chung rất hòa nhã, mặc dù rất khó để xác định vai trò mà họ có thể đã thực hiện cùng với các chiến binh Thánh chiến và liệu họ còn ủng hộ cái ý thức hệ cực đoan kia không?

Sarah Ibrahim thì không. Cô cảm thấy ghê tởm với cách IS hành quyết tù binh công khai, các mệnh lệnh về trang phục của phụ nữ và lệnh cấm nghe nhạc, kể cả ở nhà riêng.

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất tại những trại này, chính là lũ trẻ, hầu hết là sơ sinh, những đứa trẻ này không hề lựa chọn để trở thành các chiến binh jihad. Có khoảng 900 trẻ em tại trại Roj, nhiều đứa không có sức khỏe tốt, không được đi học trong nhiều năm và thậm chí không có quốc tịch.

Hầu hết số nữ tù nhân châu Âu muốn được về nhà, mặc cho điều đó có nghĩa họ sẽ phải ra tòa và chịu hình phạt nặng nề hơn, nhưng số người Ả Rập thì lại không muốn vậy. Họ lo sợ rằng khi về nhà họ sẽ bị sỉ nhục, thậm chí là đánh đập và xử tử.

Cho tới nay, có rất ít quốc gia đồng ý nhận lại công dân nước mình. Nga đã hồi hương khoảng 35 phụ nữ và trẻ em, Indonesia đồng ý cho một gia đình 15 người về nước, ông Omar, một viên chức địa phương cho biết. Canada và Đan Mạch cũng đang trong quá trình đàm phán, nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Nhiều quốc gia khác thì phớt lờ những yêu cầu đó.

Nadim Houry, giám đốc chương trình chống khủng bố của Human Rights Watch cho biết phụ nữ và trẻ em bị kẹt trong một “vòng xoáy pháp luật”. Trong khi luật pháp quốc tế yêu cầu các quốc gia của những tù nhân này nhận lại cư dân khi họ muốn trở về quê hương, thì lại không có điều luật nào bắt buộc các chính phủ đó phải khẩn trương hoàn thành quá trình hồi hương họ. Đồng thời, họ bị giam nhưng không phải để chờ bị xét xử vì những tội mà có thể họ đã vi phạm, họ cũng không được tự do.

Đã hơn một năm kể từ khi Dua Mohammed cùng bốn đứa con từ 6 đến 15 tuổi của mình bị đưa vào trại Roj. Là người Ai Cập, cô cũng bị chồng lôi kéo sang Syria vì bị cuốn hút với ý tưởng một Nhà nước Hồi giáo. "Nhưng những gì chúng tôi thấy ở đó không phải là những gì chúng tôi mong đợi" – Dua cho biết. Họ đã chạy thoát thành công khỏi IS, nhưng rồi bị Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) của người Kurd bắt giữ. Chồng cô bị nhốt trong tù cùng với bè phái Hồi giáo cực đoan, Dua không nghe được tin tức gì của chồng kể từ ngày đó.

“Chúng tôi đã phạm sai lầm, nhưng tất cả mọi người trên thế giới đều mắc lỗi,” Dua nói. “Bao lâu là đủ để trả giá cho một lỗi lầm? Toàn bộ cuộc đời chăng? ”

(theo New York Times)