Vụ khủng bố bằng xe tải hạng nặng tại chợ Giáng sinh ở Berlin ngày 19/12 mà một số báo chí gọi là “vụ 11/9” của Đức, khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, còn đang trong quá trình điều tra nhưng dư âm của nó đang còn nóng và chắc chắn sẽ còn theo người dân Đức trong thời gian tới.
Nhưng vì sao là Đức và vì sao đúng dịp này? Liệu bọn khủng bố quốc tế có đạt được điều mà chúng mong muốn qua những hành động vô nhân tính này hay không?
Quang cảnh đổ nát của khu chợ sau vụ việc kinh hoàng. (Nguồn: Reuters) |
Vì sao là Đức?
Nhiều người cho rằng các thế lực khủng bố quốc tế, nhất là cái gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhằm vào Đức vì nước này tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang phủ bóng đen lên thế giới, đe dọa sự tồn vong của văn minh nhân loại, thách thức mọi chính phủ, không phụ thuộc xu hướng chính trị hay tôn giáo nào. Chống lại sự lan nhiễm của “tế bào ung thư” này là trách nhiệm của mọi quốc gia.
Với tư cách là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc (LHQ), của Liên minh châu Âu (EU) và cả Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì Đức chắc chắn phải có nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống khủng bố này. Chính giới cũng như dư luận xã hội Đức có sự đồng thuận cao. Hơn thế nữa, vai trò của Đức trong các vấn đề toàn cầu còn được nâng cao thời gian qua do sức mạnh kinh tế cũng như ảnh hưởng chính trị của Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel.
Trong các cuộc khủng hoảng ở châu Âu, từ khủng hoảng tài chính, nợ công đến vấn đề tị nạn, Brexit (Anh rời EU) hay trong quan hệ căng thẳng với Nga do vấn đề Đông Ukraine, với Thổ Nhĩ kỳ sau đảo chính quân sự bất thành ở nước này... mọi ánh mắt ở châu Âu và trên thế giới đều hướng về Berlin, đến “Thủ tướng xử lý khủng hoảng” Merkel. Thậm chí có người còn khẳng định chỉ có Đức mới đủ khả năng xử lý tốt mọi cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Thậm chí, sau kết quả không như mong muốn tại cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ, có tờ báo lớn ở Mỹ còn gọi Thủ tướng Đức là “người duy nhất có khả năng bảo vệ các giá trị phương Tây”.
Trong bối cảnh đó, sự ổn định, vững mạnh của Đức chính là điều bảo đảm cho cơ chế giải quyết những thách thức toàn cầu, trong đó có thách thức phi truyền thống là cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Vì lẽ đó, Đức trở thành mục tiêu của hoạt động khủng bố có thể coi là lẽ đương nhiên và bản thân Đức cũng ý thức rất rõ điều đó. Nhưng sở dĩ trong hơn năm qua, khi khủng bố gia tăng các hoạt động ở Pháp, Bỉ hay Thổ Nhĩ kỳ thì Đức vẫn tương đối bình yên, vì bộ máy tình báo, an ninh, cảnh sát của Đức hoạt động khá hiệu quả và chuyên nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan tình báo nước ngoài, trong đó có CIA, việc coi trọng công tác cảnh báo từ xa và tăng cường các biện pháp phòng ngừa giúp Đức thoát khỏi những hành động khủng bố lớn. Nhưng với sức ép cực kỳ lớn từ gần một triệu người tị nạn ồ ạt vào Đức trong năm 2015 thì một cường quốc kinh tế như Đức cũng có lúc “đuối sức”, xã hội phân hóa, lòng dân phân tâm. Chính trong thời điểm “yếu lòng” đó, bọn khủng bố IS đã ra tay và đáng tiếc lần này chúng đã thành công.
Tháng 9/2015, Chính phủ của bà Merkel cũng như hàng triệu người dân Đức khác đã giang rộng cánh tay, mở cửa trái tim để đón những người tị nạn khốn khổ đang chạy trốn chiến tranh và khủng bố. “Văn hóa chào mừng” (Willkommenskultur) và sự đón tiếp nồng hậu của người Đức thực sự đã khiến thế giới có cái nhìn khác về đất nước này. Trong con mắt của thế giới, nước Đức đã vượt qua nghi kỵ để có thể khẳng định mình là người lãnh đạo của EU cũng như giữ vai trò trọng yếu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Một EU chia rẽ, một NATO bất đồng, một nước Đức suy yếu chắc chắn sẽ có nhiều ngư ông đắc lợi ở một trong những châu lục có vị trí địa chiến lược quan trọng hàng đầu đối với an ninh và ổn định của thế giới.
Tháng 9/2015, Chính phủ của bà Merkel cũng như hàng triệu người dân Đức khác đã giang rộng cánh tay, mở cửa trái tim để đón những người tị nạn. (Nguồn: AFP) |
Tại sao lúc này?
Các cuộc tấn công khủng bố thời gian qua như ở Pháp hay Bỉ cũng thường diễn ra vào những thời điểm được cho là nhạy cảm nhưng lại gây hiệu ứng tuyên truyền lớn như dịp cuối năm và đón năm mới, lễ quốc khánh... Lần này cũng không là ngoại lệ.
Đối với người dân Đức, bất kể là cơ đốc giáo hay không thì Giáng sinh luôn là dịp lễ trọng đại, là ngày đoàn viên của gia đình và là dịp để người dân có thể thưởng ngoạn không khí Giáng sinh đang đến gần tại những chợ truyền thống mở ra ở mọi thành phố. Nhiều khi người ta chỉ đến đó để sống trong không khí ngày hội, nhấm nháp ly rượu vang nóng hay thưởng thức những món ăn truyền thống. Khách du lịch cũng hay đến Đức vào dịp này vì không phải nước nào ở châu Âu cũng có những chợ Giáng sinh truyền thống như ở đây.
Chợ Giáng sinh đầu tiên được mở ở Berlin vào năm 1750 và nay Berlin có khoảng 100 địa điểm mở chợ. Năm nay kinh tế Đức tiếp tục phát triển ổn định, thất nghiệp và lạm phát giảm có nghĩa là người dân có việc làm và thu nhập tốt, giá cả tiêu dùng lại ổn định. Nhu cầu mua sắm của người dân cũng vì thế mà tăng và chợ Giáng sinh cũng như các trung tâm thương mại lúc nào cũng tấp nập. Cuối năm cũng là dịp người Đức mua quà tặng người thân, bạn bè. Tấn công vào dịp này tác động đến tâm lý và tình cảm của người dân Đức rất mạnh và đối với bọn khủng bố điều đó cũng có nghĩa là hiệu ứng tuyên truyền sẽ cao và mang tính biểu tượng.
Không thể không tính đến thời điểm nhạy cảm về chính trị đối với chính trường Đức vào dịp này. Chính phủ của bà Merkel đã có nhiều cố gắng và biện pháp cụ thể để xử lý hậu quả của khủng hoảng tị nạn năm 2015 như thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ kỳ về giải quyết tị nạn dù có rất nhiều trở ngại phát sinh sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ cũng như nội bộ các nước EU chia rẽ; tăng cường các chuyến bay đưa người không được công nhận quy chế tị nạn trở về nước gốc; tích cực trong việc tìm giải pháp cho hòa bình ở Syria và trước mắt là đình chiến ở Aleppo...
Trên thực tế, những biện pháp này đã có những tác động tích cực khiến sức ép từ dòng người tị nạn đến Đức giảm mạnh. Tuy vậy, không thể nói di chứng của khủng hoảng tị nạn đã được chữa lành. Kể từ sau vụ việc xảy ra ở Koln vào dịp Lễ đón năm mới 2016 và hàng loạt những vụ việc xảy ra liên quan đến người tị nạn và khủng bố thì dường như dư luận Đức đã đổi chiều. Khủng bố - tị nạn bị gắn với nhau và búa rìu dư luận quay sang chỉ trích chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel. Họ coi đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến xã hội Đức ngày càng nhiều mâu thuẫn. Còn người nhập cư nói chung và người tị nạn nói chung luôn bị để ý và gán cho mọi tội lỗi mỗi khi có chuyện.
Lợi dụng bối cảnh đó, Đảng cánh hữu AfD (Sự lựa chọn vì Đức) đã tăng cường tuyên truyền và giành thắng lợi lớn tại một số cuộc bầu cử địa phương, trở thành thế lực đe dọa sự ổn định chính trị ở cấp Liên bang. Trong khi đó thì cuộc vận động tranh cử Liên bang mới chính thức bắt đầu với nhiều dự đoán bất lợi cho bà Merkel cũng như Liên minh cầm quyền hiện nay CDU/CSU và SPD.
Cuộc tấn công khủng bố bằng xe tải ở chợ Giáng sinh tối 19/12 là cú đánh mạnh vào nội tình nước Đức cũng là nằm trong bối cảnh chung bất lợi đó cho Chính phủ. Đối với cá nhân Thủ tướng Merkel thì việc xử lý khủng hoảng tị nạn vừa qua cũng có thể coi như là một thất bại chính trị khi chính bà thừa nhận nếu được làm lại bà sẽ làm khác đi. Ngay sau khi xảy ra sự kiện ngày 19/12 ở Berlin, tờ báo Nam Đức (Suddeutsche Zeitung) có bài bình luận của Nico Fried với tiêu đề “Angela Merkel và cái giá của lòng nhân ái” và cái giá ấy có khi lại là sinh mệnh chính trị của chính bà cũng như Đảng CDU của bà.
Đối với cá nhân Thủ tướng Merkel thì việc xử lý khủng hoảng tị nạn vừa qua cũng có thể coi như là một thất bại chính trị . (Nguồn: Telegraph) |
Niềm tin có bị đánh cắp?
Vào thời khắc quyết định cho người tị nạn đến Đức vào mùa Thu năm ngoái, Thủ tướng Merkel - con gái của một mục sư Tin lành - đã để đức tin và lòng vị tha, nhân ái của Thiên chúa dẫn dắt. Người dân Đức tin vào quyết định của bà nên đã chứng tỏ cho thế giới biết về một khía cạnh nhân văn của dân tộc Đức. Người dân Đức có quyền đặt niềm tin của mình vào sự bảo vệ của Nhà nước trước bạo lực và khủng bố hay đơn giản chỉ là bảo vệ sự bình an cuộc sống của họ, gia đình và con cái họ. Châu Âu hay EU có quyền tin rằng nước Đức ngày nay không phải là nước Đức đã gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu trong thế kỷ XX và gửi gắm sự lãnh đạo vào Đức và Thủ tướng Merkel. Còn “thế giới tự do” cũng có quyền tin là chỉ có bà Merkel mới đủ tầm vóc để bảo vệ những giá trị phương Tây.
Vậy sau hành động khủng bố đánh vào trung tâm châu Âu, trung tâm nước Đức liệu niềm tin tưởng chừng như mới được khôi phục có bị lung lay, thậm chí sụp đổ?
Thế giới biểu thị tình cảm với người dân Đức bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả những khẩu hiệu “hãy cầu nguyện cho nước Đức”. Nhưng nước Đức chưa bao giờ mềm yếu, chưa bao giờ gục ngã và bao giờ cũng đủ tự tin để quyết định vận mệnh của mình. Đa số người dân được hỏi đều cho rằng ngày 19/12 vừa qua là một ngày nặng nề nhưng không ai nói đó là ngày đen tối đối với đất nước. Nhất thời bọn khủng bố có thể làm nhiều người ngần ngại khi đến chỗ đông người, nhưng sau một ngày đóng cửa để tưởng niệm những nạn nhân của vụ đâm xe, các chợ Giáng sinh lại mở cửa, cuộc sống ở Berlin cũng như những nơi khác lại diễn ra bình thường như vốn có. Chính phủ cam kết tăng cường các biện pháp an ninh, nhưng tại trung tâm Berlin vẫn không thấy bóng dáng cảnh sát được vũ trạng hạng nặng như ta thấy ở Paris hay Brussel, Chính phủ Đức cho biết cũng không có ý định lắp đặt thêm camera an ninh ở các địa điểm công cộng như nhiều nước châu Âu đã và đang làm. Người dân Đức ứng phó với khủng hoảng, khủng bố với một tâm thế hoàn toàn khác so với nhiều nơi trên thế giới.
Dư luận nước ngoài cũng lo ngại cho tương lai chính trị của bà Merkel nhưng đồng thời họ cũng ca ngợi thái độ ứng xử của bà, bày tỏ hy vọng bà sẽ không bị phân tâm bởi những dư luận trái chiều, những chỉ trích đang nhằm vào bà. Tờ London Financial Times bình luận rằng: “Thật thiếu thông minh nếu như Chính phủ Đức cứ sau mỗi cuộc tấn công khủng bố lại ứng xử bằng việc ban hành luật tình trạng khẩn cấp hay thiết quân luật như Pháp từng làm vì qua đó phát đi thông điệp sai lầm về chiến thắng của chủ nghĩa khủng bố”. Lời khuyên của tờ báo này là “thời gian tới sức ép lên Angela Merkel chắc sẽ càng lớn, nhưng bà cần phải kiên định dù cái giá phải trả qua cuộc bầu cử sắp tới sẽ như thế nào”.
Trong khi đó, tờ New York Times cho rằng, phản ứng vừa qua của các thế lực cực hữu ở Đức cực kỳ nguy hiểm vì mục đích của các hành động khủng bố IS là chia rẽ người Thiên chúa giáo với người Hồi giáo. Với mỗi cuộc tấn công dù vào chợ Giáng sinh hay thánh đường Hồi giáo thì cuộc đấu tranh hàng ngày bảo vệ các giá trị của loài người sẽ ngày càng khó khăn hơn. Báo chí Hà Lan thì cho rằng phản ứng của Thủ tướng Merkel vừa qua may mắn là thông minh hơn nhiều so với các thế lực cực hữu. Báo chí Bỉ thì cho rằng cuộc tấn công khủng bố ở Berlin vừa qua chắc chắn sẽ tạo bước ngoặt trên chính trường Đức và ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tháng 9/ 2017 mà có lẽ Thủ tướng Merkel cũng thừa biết.