📞

Ông Kevin Rudd và cú ngược dòng ngoạn mục

08:37 | 05/07/2013
“Tôi không nghĩ sự thay đổi này sẽ giúp nhiều cho Đảng Lao động. Tôi cho rằng họ vừa tự đào cho mình một ngôi mộ sâu hơn” - phát biểu của Giáo sư Chính trị học John Wanna, Đại học Quốc gia Australia, sau cuộc bỏ phiếu nội bộ các nghị sỹ Đảng Lao động ngày 26/6 /2013
Ông Kevin Rudd trở lại ghế Thủ tướng Autralia lần thứ 2.

Gillard: Sẩy miệng, sẩy chân

Ngay trong bài phát biểu đầu năm 2013, bà Julia Gillard đã công bố sẽ tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14/9, nhưng điều này cũng không giúp bà đi hết nhiệm kỳ với tư cách là nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia. Mặc dù trên danh nghĩa là đảng cầm quyền, nhưng Đảng Lao động của bà Gillard lại không có đủ đa số trong Quốc hội mà phải liên minh với Đảng Xanh và một nhóm nghị sỹ độc lập trong Quốc hội. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận từ đầu năm 2013 cho thấy Đảng Bảo thủ đối lập của ông Tony Abbott có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chính vì vậy, nội bộ Đảng Lao động đã có những tranh luận căng thẳng xem ai là người có đủ khả năng đương đầu với ông Abbott và chèo lái Đảng Lao động trong cuộc bầu cử sắp tới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nếu ông Kevin Rudd lãnh đạo, Đảng Lao động có cơ hội giành chiến thắng cao hơn so với bà Gillard và trong trường hợp bị thất bại thì Đảng Lao động cũng sẽ có hội trở lại nắm quyền nhanh hơn.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đi của bà Gillard chính là việc bà không dành được nhiều thiện cảm của cử tri Australia. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất thấp đáng lẽ ra phải được coi là thắng lợi của bà Gillard nhưng điều đó cũng không giúp cho bà trở nên gần gũi hơn với cử tri, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Những phát biểu gây tranh cãi và đặc biệt cách thức mà bà Gillard “tiếm ngôi” ông Kevin Rudd đã khiến cử tri Australia có cái nhìn không mấy thiện cảm với vị nữ Thủ tướng đầu tiên của mình.

Bên cạnh đó, bà Gillard còn bị đánh giá là hứa hẹn nhiều nhưng ít thực hiện được những điều đã cam kết. Không thể phủ nhận bà Gillard đã đạt được một số thành tựu cả về đối nội lẫn đối ngoại như tăng đầu tư cho giáo dục, nâng cao phúc lợi xã hội hay giúp Australia nâng cao vai trò tại các diễn đàn đa phương như G20, APEC hay NATO. Nhưng việc ngay sau khi nắm quyền bà Gillard đã tiến hành đánh thuế carbon, điều mà bà cam kết không thực hiện khi tranh cử, đã lấy đi rất nhiều niềm tin của cử tri Australia. Hậu quả tức thì, ngay sau khi luật thuế này được thông qua, Đảng Lao động đã không tìm lại được vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cử tri từ đó đến nay.

Kevin Rudd: thất sủng nhưng không thất bại

Theo một thăm dò của tờ Sydney Morning Herald sau cuộc bỏ phiếu nội bộ của Đảng Lao động, 59% số người được hỏi tin rằng đảng này lại có khả năng thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử tới. Kevin Rudd đã quay trở lại nắm quyền theo đúng cách mà trước đó ông đã bị hạ bệ: bỏ phiếu tín nhiệm nội bộ của các nghị sỹ Đảng Lao động. Với 57 phiếu ủng hộ so với 45 dành cho bà Gillard, ông Rudd lần thứ hai đảm nhận cương vị người lãnh đạo Chính phủ. Ông Rudd bỗng chốc trở thành niềm hy vọng cho những người ủng hộ Đảng Lao động cũng như các đảng viên của đảng này.

So với bà Gillard, ông Kevin Rudd được đánh giá là gần gũi và nhận được nhiều tín nhiệm của cử tri trong và ngoài đảng hơn. Ông cũng là người đã từng có kinh nghiệm điều hành chính phủ, lại từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao nên cử tri Australia có thể đặt niềm tin vào ông trong xử lý các vấn đề cả đối nội và đối ngoại.

Một nguyên nhân khác được cho là giúp ông Kevin Rudd dễ dàng đánh bại bà Gillard và quay trở lại nắm quyền là do những bất đồng nội bộ trong Đảng Lao động, dẫn tới uy tín của đảng này trong cử tri Australia xuống thấp hơn rất nhiều so với Đảng Bảo thủ đối lập. Các chính sách không được lòng cử tri của bà Gillard, cộng với khả năng thắng cử thấp của Đảng Lao động đã khiến ban lãnh đạo đảng này phải đi tìm một nhân tố mới với hy vọng đảo ngược tình thế. Và trong bối cảnh đó, không gương mặt nào khác khả dĩ hơn Kevin Rudd và kết quả là ông đã được chọn.

Tuy nhiên, lần quay trở lại này của ông Kevin Rudd chưa hẳn đã đem đến một luồng sinh khí mới cho Đảng Lao động khi mà ông còn chưa đến 3 tháng để thể hiện mình cũng như lấy lại niềm tin của cử tri vào đảng Đảng Lao động trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong tháng 9/2013. Khó khăn với Kevin Rudd đến từ khắp nơi: nền kinh tế phát triển chậm lại, nội bộ đảng bị chia rẽ, phe đối lập ngày một mạnh lên và cả những nghị sỹ trung lập quan trọng, những người trước đây đã từng ủng hộ cho Đảng Lao động, cũng tuyên bố sẽ không tiếp tục ủng hộ Chính phủ của Kevin Rudd nữa.

Liệu Kevin Rudd sẽ dùng phép màu nào để giúp Đảng Lao động giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới?.

Lại Anh Tú