📞

Ông Trump chọn nhân sự: Chỉ dấu cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”

11:25 | 30/12/2016
Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay là ông Trump sẽ xử trí thế nào trước các lựa chọn nhân sự, đặc biệt là các vị trí trong nội các - những người sẽ cùng sát cánh với ông trong 4 năm tới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016 đã đi vào lịch sử bầu cử bởi sự lên ngôi của ông Donald Trump - một nhân vật ngoại đạo, vốn được biết đến bởi tài năng kinh doanh thiên bẩm, phát ngôn mạnh mẽ và những lần xuất hiện ấn tượng trên các chương trình truyền hình thực tế.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Washington Post)

Dư luận Mỹ ngay lập tức bị chia tách bởi hai luồng ý kiến trái chiều: người hân hoan trước những cam kết của ông Trump về một nước Mỹ “lớn mạnh thêm một lần nữa”, kẻ lo ngại về những gì ông Trump sẽ làm trước những thách thức đang hiện hữu trong lòng nước Mỹ cũng như ở bên kia hai bờ đại dương.

Tuy nhiên, cho dù người ta vui sướng hay hoài nghi, dù các cuộc kêu gọi kiểm phiếu lại và tổ chức điều trần về khả năng tin tặc Nga xâm nhập hệ thống bầu cử Mỹ vẫn dấy lên, đến thời điểm này, một thực tế vẫn không thể thay đổi là Tòa Bạch Ốc trong 4 năm tới vẫn sẽ do Donald Trump làm chủ. Nút bấm hạt nhân kia vẫn sẽ do Trump nắm giữ và đường lối đối nội - đối ngoại vẫn sẽ do Trump và đội ngũ cố vấn vạch nên.

Liệu nội các sẽ cùng đưa con thuyền nước Mỹ vượt qua thác ghềnh một cách khéo léo như cách ông lèo lái tập đoàn Trump từ trước tới nay, hay một siêu cường như Mỹ có lại khiến người ta tiếp tục hoang mang bởi "sự suy yếu một cách tương đối" trong suốt thời gian qua?

Giữ chân người thân cận

Ngay sau ngày bầu cử Tổng thống kết thúc, Tháp Trump bỗng chốc được truyền thông săn tin ráo riết bởi nơi đây diễn ra gần như tất cả các cuộc gặp - giống như các cuộc phỏng vấn nhân sự doanh nghiệp hay các phỏng vấn trên truyền hình - giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và các ứng cử viên được ông "chọn mặt gửi vàng" cho chính quyền mới.

Khác với các đời Tổng thống trước đây, mối quan hệ rộng rãi từ khi còn kinh doanh và làm giải trí, cộng thêm sự trợ giúp đắc lực của các cố vấn thân cận khiến Trump không ngừng mở rộng tuyển chọn các ứng viên để bù đắp cho sự thiếu hụt kinh nghiệm chính trị của mình. Các ứng viên này có thể là những nhà chính trị kì cựu nhất, đến những người đứng đằng sau cổ vũ và vận động mạnh mẽ cho Trump ngay từ những đầu tiên ra tranh cử, hay thậm chí cả những người không có bất cứ sợi dây liên hệ nào với chính trường.

Trong số hơn 4.000 vị trí cần lấp chỗ trống sau khi Tổng thống Obama mãn nhiệm, Tổng thống đắc cử Trump nhanh chóng lựa chọn ba gương mặt đầu tiên - những người mang tới linh hồn cho Nhà Trắng là Chánh Văn phòng Nhà trắng Reince Priebus - đương kim Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa; Chiến lược gia trưởng Stephen Bannon - vốn là Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Trump, cựu Chủ tịch tờ báo cực hữu Breibart; và Cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn - Trung tướng tình báo về hưu.

Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong Nhà Trắng, song cả ba vị trí này lại không đòi hỏi sự thông qua của Thượng viện - lỗ hổng không thể tuyệt vời hơn để Trump thả sức lựa chọn những người "hợp cạ" nhất trên bàn cờ lớn mà không phải chiều lòng những nghị sỹ khó tính nhất trên Đồi Capitol.

Tuy nhiên, nếu tinh ý một chút, có thể thấy đây là sự lựa chọn khôn ngoan của Trump nhằm vừa giữ chân những người thân cận của mình, vừa gắn kết các thành viên trong nội bộ đảng Cộng hòa sau một mùa tranh cử đầy quyết liệt.

Dù búa rìu dư luận không ngừng chỉ trích Stephen Bannon vì có quan hệ chặt chẽ với phong trào cực hữu, bài người Do thái và thù hận người thiểu số thì với Trump, đây là người trung thành ủng hộ ông ngay từ những ngày đầu của mùa tranh cử, tư vấn cho ông vượt qua cáo buộc tình dục một cách ngoạn mục ngay trước cuộc tranh luận với bà Clinton ngày 9/10, kiến tạo nên các thông điệp và chiến lược giúp ông chiến thắng áp đảo trong chặng đua cuối.

Chiến lược gia trưởng Stephen Bannon. (Nguồn: CBS)

Với một người có kinh nghiệm thương trường như Trump, việc chọn người đồng hành trung thành và quyết đoán quan trọng gấp bội lần so với bất cứ một chính trị gia nào khác. Tuy nhiên, để chiếc ghế tại Nhà Trắng bớt sóng gió và sức ép, Trump lựa chọn ông Priebus - một nhân vật "tuổi trẻ tài cao" của đảng Cộng hòa, người đã không ít lần hóa giải căng thẳng trong nội bộ đảng, đặc biệt là tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa năm 2016. Ông Priebus được dự đoán sẽ làm cầu nối giữa Trump và những người có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa, những người có quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan - vốn không có quan hệ tốt với Trump từ đầu mùa bầu cử. Trên thực tế, vị trí mà ông Priebus đang nắm giữ có hàm tương đương với các chức vụ khác trong nội các.

Cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng (DIA), là người đã từng cố vấn cho ông Trump suốt chiến dịch tranh cử về các vấn đề an ninh quốc gia và thường đóng vai trò là diễn giả giới thiệu tại các cuộc vận động tranh cử, đồng thời cũng là người từ chức sớm một năm so với quy định do bất đồng quan điểm với Chính quyền Obama.

Sẵn sàng dùng người từng chống mình

Theo quy định tại điều II khoản 2 của Hiến pháp Mỹ, nội các Mỹ có vai trò cố vấn cho Tổng thống về những vấn đề mà ông yêu cầu, dựa trên từng lĩnh vực mà thành viên nội các phụ trách. Nội các này bao gồm Phó Tổng thống và người đứng đầu 15 Bộ theo thứ tự kế vị Tổng thống gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, Nội vụ, Nông nghiệp, Thương mại, Lao động, Y tế và dịch vụ con người, Phát triển Nhà ở và đô thị, Giao thông, Năng lượng, Giáo dục, Thương binh và An ninh nội địa. Các ghế nội các này cần sự thông qua của Quốc hội.

Ngoài ra, còn có 7 vị trí khác có hàm tương đương các vị trí trong nội các gồm Chánh Văn phòng Nhà trắng, Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường Nhà Trắng (EPA), Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng (OMB), Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng các nhà tư vấn kinh tế (CEA), Giám đốc Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA).

Trong tổng số 15 ghế nội các, các vị trí liên quan chủ yếu đến đối nội chiếm tới 12. Với các vị trí này, nhìn chung ông Trump lựa chọn tương đối nhanh do các ứng cử viên tiềm năng không quá nhiều, trong đó sớm nhất phải kể đến là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions; tiếp đó là Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Tom Price, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị Ben Carson, Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly, Bộ trưởng Lao động Andrew Puzder, Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, và Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke.

Ông Donald Trump và bà Betsy DeVos tại CLB Golf Trump, ngày 19/11. (Nguồn: Getty)

Đặc điểm chung dễ nhìn thấy nhất của các vị trí này là đều có quan điểm ủng hộ Trump ngay từ đầu, trừ trường hợp của bà Betsy DeVos từng có tư tưởng chống Trump và ông Rick Perry từng chỉ trích Trump song lại là một trong những người đầu tiên thông qua đề cử Trump. Bên cạnh đó, quan điểm của các nhân vật trong nội các Trump đều đối lập một phần hoặc thậm chí là với hầu hết các chính sách đối nội và đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Obama, từ chính sách nhập cư tới chương trình Obamacare hay vấn đề biến đổi khí hậu tới chính sách với Iran, Nga, Trung Quốc, EU…

Cách chọn người cho thấy Trump sẵn sàng dùng người từng chống mình, miễn là nay chuyển sang ủng hộ mình trung thành. Là người từng cải đảng vài lần, từ Dân chủ sang Cải cách đến Độc lập và sau đó là Cộng hòa, Trump có lẽ thấu hiểu hơn ai hết thực tế rằng quan điểm của mỗi người có thể phát triển theo thời gian. Điều quan trọng là làm thế nào để có thể tập hợp được lực lượng mạnh mẽ và gắn kết nhất xung quanh mình.  

Phong cách mới

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn nửa tháng nữa, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức. Các vị trí cần lấp đầy trong Chính quyền mới vẫn còn rất nhiều, tuy nhiên những "quân cờ" cốt lõi mà Trump "bài binh bố trận" đến thời điểm này đã phần nào phản ánh rõ hơn "phong cách Trump" - một phong cách khác biệt đã giúp Trump giành chiến thắng trước đối thủ Clinton.

Các nhân vật nổi bật trong nội các của ông Trump. (Nguồn: CNN)

Điều thú vị trước tiên, và cũng là chỉ dấu cho tương lai đối nội và đối ngoại của Trump thời gian tới, đó là nội các của Trump đang bị lấn át bởi số lượng các tỷ phú và tướng lĩnh thay vì các nhà chính trị gia, theo tỷ lệ  4 : 2 : 5 (chưa kể Steve Bannon từng làm việc cho Goldman Sachs và Mike Flynn là nguyên Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng). Thượng nghị sỹ bang Missouri Claire McCaskill đã không sai khi gọi đây là nội các của 3 chữ G (Goldman - số người từng làm cho Golman Sachs, Generals – tướng lĩnh và Gazillionaires – những người siêu giàu).

Thứ hai, nội các của Trump được xem là giàu nhất trong lịch sử chính trị Mỹ với tổng khối tài sản ròng của các nhân vật được đề cử lên tới hơn 14 tỷ USD, so với 250 triệu USD của nội các đầu tiên của Tổng thống G. W. Bush.

Không chỉ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" trên thương trường và "thét ra lửa" trên chiến trường, nội các của Trump có thể được xem là sự lên ngôi của người da trắng khi con số này lên tới 14 người, trong số đó 12 người là nam giới, tuyệt nhiên không có ai là người gốc Latin. So với thời Tổng thống Obama, con số này là 11 với 7 nam và 4 nữ.

4 Bộ có ảnh hưởng lớn nhất trong nội các theo như lời Trump, bao gồm Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp và Tài chính nếu được Quốc hội thông qua đề cử, sẽ lần đầu tiên được dẫn dắt bởi nam giới da trắng kể từ năm 1989 dưới thời Tổng thống George H.W.Bush.

Các vị trí liên quan đến an ninh quốc gia nếu mọi việc suôn sẻ cũng sẽ hoàn toàn được nắm giữ bởi người da trắng, gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly, Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia Mike Flynn.

Ba phụ nữ da màu sẽ đảm nhiệm các vị trí trong nội các và tương đương hàm Bộ trưởng, gồm Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley (người Mỹ gốc Ấn), Bộ trưởng Bộ Lao động, bà Elaine Chao – nữ Mỹ gốc Á đầu tiên phục vụ trong nội các của Tổng thống. Người Mỹ gốc Phi duy nhất đươc lựa chọn làm Bộ trưởng Bộ Nhà đất và Phát triển đô thị là ông Ben Carson.

Nhìn lại các đề cử trong nội các đến thời điểm này, như những gì Chiến lược gia trưởng Steve Bannon đã từng nhấn mạnh, ông Trump xứng đáng nhận được sự tôn trọng khi hình thành một phong trào chính trị lớn tại Mỹ đúng với những gì thực tế diễn ra. Một phong trào của những người phi chính trị với sự hiệp lực của những người làm chính trị chính thống chắc chắn sẽ mang đến một diện mạo mới cho nước Mỹ.

(từ Washington DC)