📞

Phần Lan có nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới: Khi thuận lợi là thách thức

20:00 | 09/12/2019
TGVN. Yếu tố đưa bà Sanna Marin lên đỉnh cao quyền lực có thể biến thành lực cản cho hành trình phía trước của Thủ tướng đắc cử này. Nhận định của Thế giới & Việt Nam.
Nữ Thủ tướng đắc cử Phần Lan Sanna Marin. (Nguồn: Quartz)

Tối ngày 8/12, Hội đồng đại diện của đảng Xã hội Dân chủ (SDP) đã bầu Phó Chủ tịch đảng kiêm Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông Sanna Marin làm Thủ tướng thay ông Antti Rinne, người vừa từ chức hôm 3/12. Nữ Bộ trưởng 34 tuổi đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ sát nút - 32 phiếu, nhiều hơn 3 phiếu so với đối thủ Antti Lindtman. Như vây, bà Sanna Marin đã trở thành lãnh đạo quốc gia trẻ nhất tại nhiệm từ trước đến nay, “soán ngôi” của Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk.

Nắm bắt thời cơ

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thành công của bà Sanna Marin.

Thứ nhất, chính trường Phần Lan đã trải qua một số xáo trộn khi chứng kiến sự thay đổi ở vị trí lãnh đạo: Ngày 3/12, ông Antti Rinne đã từ chức Thủ tướng sau khi thất bại tại bỏ phiếu tín nhiệm do đảng Trung tâm khởi xướng. Trước đó, ông được đánh giá đã không giải quyết ổn thỏa vụ đình công của ngành bưu điện, gây mất lòng tin trong liên minh cầm quyền. Sự xáo trộn này là cơ hội cho bà Sanna Marin thể hiện mình như một nhà lãnh đạo thực thụ, có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để dẫn dắt đảng SDP nói riêng và Phần Lan nói chung, khôi phục lòng tin cử tri.

Thứ hai, Phần Lan vốn nổi tiếng với sự tham dự tích cực của “phái yếu” trên chính trường và với sự trỗi dậy của phong trào nữ quyền toàn cầu, việc bà Sanna Marin trở thành Thủ tướng quốc gia Bắc Âu không có gì khó hiểu. Như vậy, Chính phủ quốc gia Bắc Âu này sẽ có 5 Chủ tịch đảng đều là phụ nữ, trong đó có 4 người dưới 35 tuổi. Sát cánh cùng bà Sanna Marin của đảng Dân chủ xã hội là bà Li Anderson (32 tuổi), Chủ tịch đảng Liên minh Cánh tả kiêm Bộ trưởng Giáo dục; bà Katri Kulmuni (32 tuổi), Chủ tịch đảng Trung tâm kiêm Bộ trưởng Kinh tế; bà Maria Ohisalo (34 tuổi), Chủ tịch đảng Xanh kiêm Bộ trưởng Nội vụ; và bà Anna-Maja Henrikssonia (55 tuổi), Chủ tịch đảng Người Thụy Điển của Phần Lan kiêm Bộ trưởng Tư pháp.

Thứ ba, dù tuổi đời còn rất trẻ, song bà Sanna Marin đã là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Phần Lan, trở thành Phó Chủ tịch đảng SDP kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông khi chỉ mới 34 tuổi và là một phần trong thế hệ lãnh đạo kế cận của Phần Lan. Quan trọng hơn, làn sóng trẻ hóa giới lãnh đạo đang lan tỏa khắp châu Âu, với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và bây giờ là bà Sanna Marin. Đặc điểm chung của những nhân vật này là tuổi đời còn trẻ song đã sở hữu kinh nghiệm chính trị phong phú, năng động và nhiệt huyết, biết cách sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại như video clip, mạng xã hội nhằm tăng tính tương tác, kết nối với cử tri trẻ tuổi.

Vượt khó thành công

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận thực tế rằng bà Sanna Marin sẽ phải nỗ lực hết sức sau khi nhậm chức ngày 10/12, nhằm khẳng định mình trên cương vị Thủ tướng Phần Lan. “Nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền” – những yếu tố đưa bà lên đỉnh cao quyền lực giờ có thể trở thành rào cản trên hành trình của bà.

Liệu bà Sanna Marin có thể tránh đi vào vết xe đổ của cựu Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne? (Nguồn: EPA)

Thứ nhất, sự ra đi của ông Antti Rinne cho thấy chính trường Phần Lan đang đối mặt với một số bất ổn nhất định, sau vụ đình công hàng loạt của ngành bưu điện và ngành giao thông vận tải. Khi ấy, bà Sanna Marin cần khôi phục lòng tin của đảng Trung tâm nói riêng và người dân nói chung nếu muốn tiếp tục cầm quyền thời gian tới.

Thứ hai, bà Sanna Marin là nữ Thủ tướng thứ 3 trong lịch sử Phần Lan, với nội các dự kiến sẽ có tỷ lệ nữ giới cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, hai nữ Thủ tướng trước bà là Anneli Jäätteenmäki (2003) và Mari Johanna Kiviniemi (7/2010 – 7/2011) đều có thời gian tại nhiệm ngắn và không để lại dấu ấn đáng kể. Thậm chí, trong thời gian cầm quyền của bà Anneli, Phần Lan là quốc gia duy nhất trên thế giới có cả Thủ tướng và Tổng thống với hơn một nửa nội các là nữ, song không đem lại hiệu quả tích cực.

Thứ ba, bà Sanna Marin, dù được đánh giá là có kinh nghiệm chính trường phong phú, song chưa đáng kể nếu so sánh với những chính trị gia lão làng khác. Cụ thể, bà chỉ chính thức tham gia chính trường 7 năm trước khi được bầu vào Hội đồng Thành phố Tampere, trước khi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch đảng SDP năm 2014, Nghị sỹ quận Pirkanmaa năm 2015, và Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông năm 2019. Con số này là không nhiều, nếu so với những chính trị gia lão làng khác tại Helsinki, trong đó có người tiền nhiệm của bà, cựu Thủ tướng Antti Rinne, người đã bắt đầu hoạt động công đoàn từ những năm 1990, trước khi chuyển sang làm chính trị. Ngay cả ông Rinne, sau 4 năm đàm nhiệm vai trò lãnh đạo ở Helsinki vẫn “sa cơ lỡ bước” thì chẳng có gì đảm bảo rằng bà Sanna Marin không mắc phải sai lầm tương tự.

Cơ hội đã tỏ, thách thức đã tường, song cân bằng chúng ra sao, chèo lái con thuyền Phần Lan giữa những gập ghềnh, giông bão chính trường quốc tế như thế nào sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản đối với chính trị gia trẻ tuổi, nữ Thủ tướng đắc cử Sanna Marin.