Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Pháp lần này có may mắn hơn Mỹ trong việc tạo ra bước đột phá trên tiến trình hoà bình Israel-Palestine?
Tạo sức ép từ bên ngoài
Theo thông báo được đưa ra hôm 19/5 bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Thủ đô Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, hội nghị tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ có sự tham dự của các đại diện nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc) cùng Liên đoàn Arab và Ngoại trưởng của khoảng 20 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hội nghị lần này sẽ không có sự tham dự của hai nước có liên quan trực tiếp là Israel và Palestine.
Theo giải thích của phía Pháp, họ không mời Israel và Palestine bởi Chính quyền Tel Aviv luôn từ chối thỏa hiệp. Hơn nữa, mục đích của hội nghị sắp tới là để tạo nền tảng giúp kích hoạt trở lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Nền tảng này dựa trên sức ép từ bên ngoài để thúc ép hai bên có liên quan trực tiếp đi tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng giữa họ. Nếu hội nghị lần này thành công, một hội nghị cấp cao với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Israel và Palestine, sẽ được tổ chức vào cuối mùa Hè này nhằm đàm phán về giải pháp hai nhà nước - hướng đi được cho là sẽ giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng phức tạp ở Trung Đông.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault. |
Sáng kiến của Pháp rõ ràng là một tin tốt lành cho những người đang chờ đợi hòa bình ở khu vực Trung Đông. Một hội nghị do Washington chủ trì có thể sẽ hữu ích hơn nhưng đây là điều không thể xảy ra trong năm bầu cử của Mỹ. Pháp đã quyết định bước vào lấp chỗ trống chính sách gây ra từ sự bị động và tuyệt vọng của Mỹ. Hành động này cho thấy, Pháp nói chung và châu Âu nói riêng đang thực sự lo ngại về việc, nếu không có một triển vọng thực tế cho tiến trình giải pháp hai nhà nước thì bạo lực có thể nhấn chìm Israel và Palestine, hoặc sẽ xảy ra một cuộc nổi dậy lật đổ nhân vật ôn hòa là Tổng thống Mahmoud Abbas và thay vào đó là các thành phần hiếu chiến, cực đoan.
Khó thành công
Chính quyền của Tổng thống Pháp Francois Hollande có thừa quyết tâm để thúc đẩy tiến trình hai nhà nước nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng Israel-Palestine. Điều này có thể thấy rõ qua các hoạt động ngoại giao tích cực và sôi động của các quan chức Pháp trong thời gian vừa qua. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault liên tục có các cuộc gặp song phương với những đối tác có liên quan trực tiếp đến tiến trình hòa bình Israel-Palestine như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nỗ lực của Pháp khó có cơ hội thành công vì họ thiếu sự ủng hộ của Mỹ và Israel.
Israel và Palestine là hai nước liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột mà Paris đang muốn tháo gỡ. Tuy nhiên, phía Israel đã tỏ rõ thái độ không hề muốn tham gia vào sáng kiến của Pháp.
Trong khi chính quyền Palestine hoan nghênh sáng kiến của Pháp và đang vận động các nước ủng hộ nỗ lực này thì phía Israel lại đang tìm cách gây cản trở. Thủ tướng Israel Netanyahu liên tục bác bỏ khả năng tham gia vào bất kỳ nỗ lực đa phương nào nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel với Palestine. Ông Netanyahu nhấn mạnh, “cách duy nhất để thúc đẩy hòa bình thực chất với Palestine là thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”. Nhà lãnh đạo Israel khăng khăng đòi Pháp đứng ra làm trung gian tổ chức các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa Israel và Palestine thay vì tổ chức các hội nghị đa phương có nhiều nước tham gia.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng là một nhân tố khiến sáng kiến của Pháp có thể đổ bể. Washington tin rằng chỉ có họ mới có thể dẫn dắt nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Giới phân tích nhận định, Mỹ chắc chắn phải là nhà trung gian chính bởi Israel không tin tưởng ai ngoài đồng minh Washington và không có nước nào có đủ ý chí và năng lực để thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Vì thế, Mỹ vẫn là nhân tố không thể thiếu trong tiến trình này. Vì vậy, không có sự ủng hộ của Mỹ thì sáng kiến của Pháp khó có cơ hội thành công.
Về phần mình, Mỹ tin rằng hiện tại chưa có cơ sở để tiến trình này có thể thành công. Các quan chức Mỹ lo ngại, thêm một thất bại nữa trong tiến trình thúc đẩy hòa bình Israel-Palestine có thể khiến tình hình thêm phức tạp cả trên bàn ngoại giao và trên chiến trường. Washington không muốn quốc tế hóa tiến trình hòa bình Trung Đông và muốn duy trì vị thế trung gian của họ.
Nhưng liệu Tổng thống Obama có kế hoạch gì để giải quyết tình hình Israel-Palestine - vấn đề từng làm đau đầu rất nhiều người tiền nhiệm của ông, hay không? Viễn cảnh này khó xảy ra bởi ông Obama chỉ còn 8 tháng trước khi rời nhiệm sở. 8 tháng là thời gian quá ít để có thể giải quyết một vấn đề quá khó như cuộc xung đột Israel-Palestine.