📞

Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Tương lai bất định

15:30 | 30/06/2018
Sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6, diễn biến gần đây cho thấy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang chững lại.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Khi những háo hức, mong chờ về tương lai hòa bình, ổn định và phát triển của Triều Tiên dần lắng xuống, cộng đồng quốc tế đang dần “trở lại mặt đất”: Bất chấp thỏa thuận về một số điểm đạt được trong thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được định hình và khó có thể đạt được tiến triển đáng kể thời gian tới.

Washington bối rối

Khẳng định này là có cơ sở, nhất là trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang loay hoay tìm kiếm bước đi tiếp theo. Ngày 26/6, khi được hỏi về thời hạn chót để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: “Tôi sẽ không đưa ra thời gian biểu cụ thể rằng là hai tháng, sáu tháng hay lâu hơn nữa. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tiến về phía trước, nhất là trong thời khắc quan trọng này, nhằm đạt được những gì hai nhà lãnh đạo đã thỏa thuận”. Quan trọng hơn, ông Pompeo cũng cho rằng trong trường hợp cả hai bên không thể đạt được những gì mong muốn, Washington nhiều khả năng sẽ quay trở lại chiến lược “áp lực tối đa” nhằm ép Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng của mình.

Tuyên bố này là trái ngược hoàn toàn với những gì từng được Washington công bố ngày 24/6. Trong cuộc phỏng vấn trước thềm chuyến thăm châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định rằng Mỹ sẽ sớm đưa ra danh sách các điều kiện và thời gian biểu cụ thể với phía Triều Tiên, cũng như quan điểm của Washington về cách thực hiện cam kết trong thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo ngày 12/6 tại Singapore.

Rõ ràng rằng, có một sự bối rối không nhỏ trong chính quyền của ông Trump liên quan đến thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chuyên gia Hạt nhân của Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Phi Hạt nhân hóa có trụ sở tại Washington, Alexandra Bell nhận định: “Khoảnh khắc này cho thấy lại một lần nữa, các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau”. Tuy nhiên, bà cũng đánh giá cao động thái của Ngoại trưởng Mike Pompeo, khi ông hiểu rằng xây dựng và tiến hành một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên là một quá trình không hề đơn giản và khó có thể xây dựng một thời gian biểu cụ thể, nhất là khi chính quyền Mỹ đang “tiền hậu bất nhất”.

Sau những gì đạt được ngày 12/6 tại Singapore, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dường như đang chững lại và khó có thể đạt được tiến triển đáng kể.

Đáng ngại hơn, không chỉ Nội các mà cả Quốc hội Mỹ cũng đang “mờ mịt” về “thỏa thuận Mỹ - Triều” và lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sỹ Bob Corker cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thảo luận với Ngoại trưởng để nắm bắt thêm thông tin về những gì đã xảy ra, song đến thời điểm hiện tại, những gì chúng tôi biết là tương tự như các bạn”. Điều này sẽ khiến nhiệm vụ giám sát quá trình thực thi theo thỏa thuận Mỹ - Triều của Quốc hội nói chung, và Nhóm Hoạt động An ninh Quốc gia (NSWG), bao gồm các Nghị sỹ được chỉ định tham gia theo dõi đàm phán Washington – Bình Nhưỡng ngày 12/6, trở nên khó khăn rất nhiều.

Triều Tiên cứng rắn

Hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6, những tuyên bố mềm mỏng của Triều Tiên đã dần nhường chỗ cho thái độ cứng rắn thường thấy của Bình Nhưỡng. Ngày 25/6, Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định sẽ “phớt lờ” Nhật Bản cho đến khi nước này đình chỉ vô thời hạn tập trận và động thái quân sự tương tự: “Nhật Bản cần dừng tập trận quy mô lớn và tăng cường sức mạnh quân sự nhằm tấn công (Triều Tiên), từ bỏ các chính sách thù địch, gạt đi quá khứ và thể hiện thành ý về xây dựng hòa bình”.

Tuy nhiên, tuyên bố này đến khá muộn, khi mà tuần trước, Nhật Bản cho biết sẽ tạm thời trì hoãn các cuộc tập trận trên biển. Thêm vào đó, phát ngôn của KCNA cũng không nhắc gì tới số phận những người Nhật bị phía Triều Tiên bắt giữ. Đây là một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Tokyo và Bình Nhưỡng – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng cho biết sẽ duy trì áp lực và cảnh giác cao độ đến khi nào thông tin về các con tin này được tiết lộ, đồng thời yêu cầu Triều Tiên có những bước tiến cụ thể và tích cực trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Song dường như Bình Nhưỡng vẫn đang đi nước đôi, khi một mặt theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa, song mặt khác vẫn duy trì chương trình hạt nhân của mình. Hình ảnh vệ tinh ngày 21/6 cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục nâng cấp lò phản ứng hạt nhân duy nhất của mình tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cụ thể là cải thiện hệ thống tản nhiệt cho lò phản ứng sản xuất plutonium, xây dựng thêm hai cơ sở dành cho các quan chức thăm quan và hoàn thành một văn phòng cho kỹ sư. Động thái này rõ ràng đi ngược lại với tuyên bố và cam kết của quốc gia này trong thỏa thuận với Mỹ ngày 12/6 tại Singapore.

Do đó, không khó để thấy rằng ở thời điểm hiện tại, cả Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa sẵn sàng và tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ khó lại càng khó.