Những khác biệt trong cách hiểu về khái niệm này có thể khiến cuộc gặp khó đạt được mục tiêu.
Các điều kiện của Triều Tiên có phi thực tế?
Đối với một số quan chức tại Washington, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như ông Trump nêu trên trang Twitter cá nhân hồi tháng trước, đồng nghĩa với việc ông Kim Jong-un phải chuyển giao toàn bộ các vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa, đồng thời cho phép các thanh sát viên quốc tế tới Triều Tiên để giám sát việc thực thi cam kết của chính quyền tại Bình Nhưỡng.
Với Bình Nhưỡng, phi hạt nhân lại mang một ý nghĩa khác. Đó có nghĩa là các biện pháp song phương nhằm từ bỏ vũ khí hạt nhân, bao gồm cả yêu cầu Mỹ từ bỏ “chiếc ô an ninh hạt nhân” mà họ đang thiết lập cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đó là những khác biệt trong định nghĩa về một khái niệm cực kỳ quan trọng, một bất đồng có thể khiến cuộc gặp cấp cao sắp tới đổ vỡ trước cả khi nó chính thức được bắt đầu.
Vipin Narang, một chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, bình luận: “Rủi ro là ở chỗ người ta bước vào các cuộc đàm phán với kỳ vọng thiếu thực tế là nhà lãnh đạo Kim đơn giản sẽ chìa ra chiếc chìa khóa của vương quốc hạt nhân mà ông ta xây dựng”. Theo ông Narang, nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ chấp nhận từ bỏ vũ khí chừng nào Mỹ cũng đồng ý chấm dứt liên minh quân sự với Hàn Quốc, một liên minh được xây dựng từ Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
Quan điểm về phi hạt nhân được cho là nút thắt trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến diễn ra vào cuối tháng Năm. (Nguồn: CNN) |
Nhiều khả năng, ông Kim Jong-un cũng sẽ yêu cầu Mỹ phải chấm dứt các cam kết về “răn đe mở rộng” tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đe dọa ám chỉ sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu các đồng minh tại châu Á bị Triều Tiên tấn công. Ông Narang nói: “Cuộc gặp chắc chắn sẽ trở thành thảm họa nếu Tổng thống Trump giữ một niềm tin sai lầm rằng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có nghĩa Kim Jong-un sẽ đơn phương đầu hàng và giao nộp vũ khí hạt nhân”.
Thực tế, Triều Tiên đã thể hiện rõ quan điểm của mình từ khoảng giữa năm 2016, cho rằng việc Washington liên tục nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng phải hủy bỏ chương trình hạt nhân là “điều kiện tiên quyết cực kỳ vô lý” trước khi bước vào các cuộc đàm phán. Triều Tiên đã đề ra 5 điều kiện riêng của mình, trong đó có yêu cầu Mỹ phải tuyên bố rằng sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Triều Tiên chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đã từ bỏ các yêu cầu này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích có nhiệm vụ cố vấn cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước thềm cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên hoàn toàn hiểu rằng việc khăng khăng với các điều kiện là điều phi thực tế.
Giáo sư Koh Yu-hwan, hiện đang làm việc tại Đại học Dongkuk (Hàn Quốc) và là một cố vấn của ông Moon Jae-in, nhận định ông Kim Jong-un có thể sẽ đưa ra những yêu cầu khác, chẳng hạn như việc Mỹ giảm dần sự hiện diện về mặt quân sự trên bán đảo này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên và những áp lực
Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều quan chức ở Washington có thể còn đang có những giả định sai lầm khác về các cuộc gặp sắp tới. Tổng thống Trump từng nói rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đột ngột hào hứng với các cuộc đối thoại cùng thế giới bên ngoài là bởi “áp lực tối đa” mà ông đã gây ra đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng ông Trump chỉ đúng một phần. Lý do chủ yếu là ông Kim Jong-un, một nhà lãnh đạo mới chỉ 34 tuổi song đã khiến người ta phải có những cái nhìn khác trong suốt 6 năm cầm quyền, đang cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết.
Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe với phe đối lập. (Nguồn: Reuters) |
Giáo sư Kim Seok-hyang, chuyên nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Đại học Ewha ở Seoul (Hàn Quốc), đồng thời cũng là cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc trước cuộc gặp cấp cao liên Triều sắp tới, bình luận: “Ông Kim Jong-un cảm thấy yên tâm về quyền lực của mình ở trong nước. Ông ta có vũ khí hạt nhân và giờ ông ta cho là mình xứng đáng được đối xử như một nhà lãnh đạo thế giới”.
Sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bắc Kinh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Kim Seok-hyang cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên “đã sẵn sàng… Giấc mơ của ông ta đang dần trở thành sự thật”.
Thực tế, ông Kim tiến tới các cuộc gặp cấp cao cũng vì lo ngại những tác động của hàng loạt đòn trừng phạt kinh tế, do Mỹ dẫn đầu áp đặt, đối với nền kinh tế Triều Tiên. Giáo sư John Delury, chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định: “Áp lực là có thật và ngày càng gia tăng. Tôi cho rằng đó là những điều tác động không tích cực tới tham vọng của ông Kim Jong-un, tham vọng về chính sách “song hành” vừa phát triển chương trình hạt nhân vừa thúc đẩy kinh tế". Theo ông Delury, “nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hoàn thành nửa đầu kế hoạch của mình và giờ cảm thấy tự tin là ông ta có thể tiếp tục kế hoạch ấy”.
Lim Eul-chul, nhà phân tích chuyên nghiên cứu các vấn đề về Triều Tiên, hiện đang làm việc tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), bình luận: “Ông Kim Jong-un quyết định bước tới bàn đàm phán vì cho rằng một khi Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân, Mỹ sẽ quan tâm hơn tới việc đối thoại với ông ta”. Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tự tin xúc tiến một thỏa thuận tới đâu vẫn là điều cần phải chờ xem.