Ngày 12/10, Mỹ tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi UNESCO vào cuối năm 2018 và sẽ chỉ giữ vai trò “quan sát viên thường trực” tại tổ chức này của Liên hợp quốc (LHQ). Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, quyết định trên nhằm phản đối thành kiến của UNESCO đối với Israel trong vấn đề Palestine. Không lâu sau đó, Tel Aviv “tiếp bước” Washington khi tuyên bố rút khỏi tổ chức này.
Phản ứng với thông báo đột ngột của Mỹ, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết, đây là sự tổn thất lớn đối với “gia đình LHQ” và “chủ nghĩa đa phương”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tỏ ra không bất ngờ về quyết định này và cho rằng nó chỉ là “giọt nước tràn ly” trong quan hệ trắc trở giữa Mỹ, Israel và UNESCO.
Xung đột Palestine – Israel vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi ở LHQ nói chung và UNESCO nói riêng, nơi dành nhiều sự ủng hộ cho Jerusalem. Năm 2015, UNESCO từng chỉ trích Tel Aviv vì đã ngăn người Hồi giáo tiếp cận đền Al Asqa tại Jerusalem. Tháng 7 vừa qua, tổ chức này tiếp tục “chọc giận” Israel khi công nhận thành cổ Hebron, vốn đang nằm trong khu vực do quốc gia này kiểm soát, là di sản thế giới của Palestine.
Trong khi đó, Washington - dưới thời Tổng thống Donald Trump - đang gần gũi với Tel Aviv hơn bao giờ hết. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cũng đã không ít lần chỉ trích sự thành kiến của một số nước đối với Israel. Dẫu vậy, nhiều người vẫn bất ngờ trước bước đi dứt khoát của Nhà Trắng, dù đây không phải là lần đầu tiên Washington có động thái táo bạo như vậy.
UNESCO giờ đây sẽ vắng bóng đại diện của Mỹ và Israel. (Nguồn: UNESCO) |
Năm 1983, nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan đã rút khỏi UNESCO khi nhà lãnh đạo này cho rằng tổ chức của LHQ đang ngả dần về phía Liên Xô. 20 năm sau, Washington đã trở lại, nhằm tranh thủ ủng hộ từ cộng đồng thế giới cho cuộc chiến tranh Iraq.
Cây bút Annalisa Merelli của tạp chí Quartz thì nhận định, ngay cả trước khi Mỹ quyết định rời UNESCO, quốc gia này đã mất đi hầu hết quyền lực tại tổ chức của LHQ. Năm 2011, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cắt giảm hầu hết các quỹ hỗ trợ dành cho UNESCO khi tổ chức này bày tỏ lập trường ủng hộ Palestine. Cho tới nay, các khoản phí thành viên và đóng góp mà Mỹ từ chối chi trả cho UNESCO đã lên tới 500 triệu USD. Đáp lại, UNESCO đã tước quyền bỏ phiếu của Washington kể từ năm 2013. Do đó, việc Mỹ nói lời “chia tay” UNESCO chỉ là chuyện sớm muộn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi phương châm “Nước Mỹ trên hết”, nhiều người cho rằng động thái này đánh dấu một bước “thu mình” nữa của Washington, sau khi rút khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu đàm phán lại Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trong khi đó, trái với Mỹ, Trung Quốc lại đang vận động rất tích cực cho các di sản của mình tại UNESCO. Hiện Trung Quốc chỉ đứng sau Italy về số di sản thế giới được tổ chức này công nhận (52) và đang nỗ lực vươn lên vị trí thứ nhất. Việc Bắc Kinh rút ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO Đường Kiền và dồn sự ủng hộ cho ứng cử viên Ai Cập, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ismail Sergeldin được cho là chiến lược của nước này nhằm giành sự ủng hộ của các quốc gia Arab nói chung và Cairo nói riêng trong hợp tác song phương thời gian tới.