Mỹ-Philippines vừa qua đã có cuộc tập trận chung quy mô lớn ở Biển Đông. (Nguồn: Philstar) |
Trước hết, có nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Philippines-Mỹ sẽ chứng kiến những biến chuyển tích cực trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Ferdinand Marcos Jr., khi kết quả bầu cử chính thức chưa được công bố. Đại biện Mỹ tại Philippines Heather Variava là một trong số các quan chức ngoại giao đầu tiên tiếp xúc với chính trị gia này hồi tháng Năm. Mới đây nhất, trong chuyến thăm tới Manila hồi đầu tháng Sáu, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã nhấn mạnh mối quan hệ liên minh “lâu đời”. Về vấn đề nhân quyền, bà cho biết đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Philippines, song nhấn mạnh “không có quốc gia nào hoàn hảo trong vấn đề này”.
Đặc biệt, bà khẳng định sẵn sàng cấp miễn trừ quốc gia cho ông Marcos Jr., để ông có thể thăm Washington vào thời điểm thích hợp mà không vướng phải rắc rối tư pháp về khoản phạt 353 triệu USD do một toà án Mỹ phán xét trước đó.
Không khó để thấy, so với ông Rodrigo Duterte, chính trị gia có lập trường thận trọng với Mỹ và chưa từng thăm thủ đô của bất kỳ một nước phương Tây nào, ông Marcos Jr. rõ ràng là sự thay đổi tích cực đối với Washington.
Tuy nhiên, việc chính trị gia này trở thành Tổng thống Philippines có thể đánh dấu sự thận trọng hơn của Manila trong quan hệ với Bắc Kinh.
Một mặt, trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, ông là ứng cử viên hiếm hoi công khai ủng hộ chính sách Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte bởi ông “không muốn chiến tranh với Trung Quốc” ở Biển Đông.
Đặc biệt, gia tộc của ông có quan hệ tốt với Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ. Cha ông, cố Tổng thống Ferdinand Marcos đưa Philippines trở thành một trong những đồng minh đầu tiên của Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc dưới thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Gia tộc của ông Marcos, hiện đang nắm quyền kiểm soát tỉnh Ilocos Norte, cũng duy trì quan hệ chính trị, kinh tế nồng ấm với Bắc Kinh trong một phần của Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển (MSRI).
Trong bối cảnh đó, ông Ferdinand Marcos Jr. nhiều khả năng sẽ chào đón các khoản đầu tư lớn từ doanh nghiệp Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau năm quý tăng trưởng âm liên tiếp giai đoạn 2020-2021.
Mặt khác, ông được cho là sẽ có thái độ thận trọng và cứng rắn trong một số vấn đề cốt lõi, đặc biệt là Biển Đông.
Cá nhân ông Ferdinand Marcos Jr. nhiều lần bày tỏ lập trường cứng rắn, nhấn mạnh phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) năm 2016 về vấn đề này và khẳng định sẽ “không nhượng bộ theo bất kỳ cách nào”. Trong khi đó, đề cử Cố vấn An ninh quốc gia của ông cam kết sẽ theo đuổi “cách tiếp cận mang tính then chốt” với Bắc Kinh.
Quan hệ với Mỹ và Trung Quốc chắc chắn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Philippines, song không phải là tất cả. Nhiều khả năng, ông sẽ củng cố vốn liếng chính trị của mình thông qua kết nối với các người chơi khác nhau.
Thời gian qua, ông Ferdinand Marcos Jr. cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc các quan chức châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, qua đó mong muốn xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược độc lập, rộng khắp, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một đối tác, dù đó là Mỹ hay Trung Quốc.
| Mỹ, Philippines quyết tâm 'chặn đứng' mọi ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động ngang ngược tại Biển Đông cũng như mở rộng phạm vi ảnh hưởng ... |
| Philippines phản đối tàu Trung Quốc xuất hiện gần đá Ba Đầu Ngày 10/6, Chính phủ Philippines đã phản đối sự hiện diện “trái phép” hồi tháng 4 của hơn 100 tàu Trung Quốc quanh đá Ba ... |